Nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến

Chiều 21-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số, chủ trì hội nghị trực tuyến toàn quốc đánh giá tình hình 2 năm triển khai thực hiện Đề án 06 về 'Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030'.

 Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Ảnh: VGP

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết, Đề án 06 được triển khai hiệu quả. Đến nay, đã có hơn 11,2 triệu tài khoản và hơn 35,4 triệu hồ sơ nộp trên Cổng dịch vụ công quốc gia; triển khai 38/53 dịch vụ công thiết yếu, giúp tiết kiệm hàng năm trên 2.500 tỷ đồng.

Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư đã kết nối, chia sẻ, xác thực, làm sạch dữ liệu với 15 bộ, ngành, 63 địa phương, 1 doanh nghiệp nhà nước và 3 doanh nghiệp viễn thông với hơn 1,3 tỷ lượt tra cứu, khai thác thông tin công dân. Bộ Công an đã hoàn thành cấp 100% căn cước công dân gắn chip cho công dân; cấp trên 70 triệu tài khoản định danh điện tử…

Phát biểu tại điểm cầu TPHCM, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi cho biết, TPHCM tiếp tục thực hiện tốt Đề án 06, tập trung 5 nhóm việc: Tiếp tục nghiên cứu rà soát các văn bản pháp luật; Tăng cường tái cấu trúc quy định nghiệp vụ hành chính, công khai minh bạch các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền; Đẩy mạnh tuyên truyền những lợi ích thiết thực của Đề án 06 và vận động, khuyến khích người dân đăng ký sử dụng tài khoản định danh điện tử, chữ ký số... để tạo môi trường thuận lợi cho người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến; UBND TP tham mưu HĐND ban hành chính sách miễn lệ phí sử dụng dịch vụ công trực tuyến; Tiếp tục nghiên cứu 35 mô hình điểm của Đề án 06 và thực hiện có hiệu quả 53 dịch vụ công thiết yếu.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đồng ý với đề xuất của Bộ Công an lựa chọn chủ đề của năm 2024 là “Hoàn thiện thể chế, hạ tầng, số hóa dữ liệu, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh triển khai Đề án 06, phục vụ hiệu quả người dân và doanh nghiệp”.

Về nhiệm vụ trọng tâm thời gian tới, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Chủ tịch UBND 12 địa phương: Bạc Liêu, Bắc Ninh, Bến Tre, Đắk Lắk, Hưng Yên, Kiên Giang, Nam Định, Phú Thọ, Quảng Trị, Sóc Trăng, Vĩnh Long, Vĩnh Phúc sớm triển khai chi trả chế độ an sinh xã hội qua hình thức không dùng tiền mặt.

Bộ Tư pháp phối hợp Bộ Công an triển khai cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID tại Thừa Thiên Huế trong quý 1-2024 để hoàn thiện nhân rộng trên toàn quốc. Bộ Y tế phối hợp Bộ Công an, Bảo hiểm xã hội Việt Nam và TP Hà Nội tổ chức hướng dẫn các cơ sở y tế và người dân sử dụng thông tin sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID, hoàn thành trong tháng 1-2024.

Thủ tướng cũng yêu cầu nâng cao hiệu quả thực hiện dịch vụ công trực tuyến; đẩy mạnh thông tin tuyên truyền sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân nhằm nâng cao nhận thức trong việc thực hiện các dịch vụ công trên môi trường trực tuyến; đẩy mạnh cung cấp các tiện ích cho người dân, quản lý xã hội trên ứng dụng VneID…

Ngày 21-12, Công an TPHCM cho biết, đơn vị phối hợp Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06), Bộ Công an triển khai thí điểm phần mềm ứng dụng và thiết bị xác thực thẻ căn cước công dân (CCCD) gắn chip, xác định sinh trắc ảnh khuôn mặt tại chi nhánh của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) trên đường Trường Sơn, phường 2, quận Tân Bình.

Khách khi tới ngân hàng sẽ được nhân viên giám sát an ninh hướng dẫn đặt thẻ CCCD gắn chip vào hộp đọc thẻ; khách tháo khẩu trang và bắt đầu quá trình nhận diện khuôn mặt từ các “mắt thần”.

Dữ liệu trên sẽ đối chiếu với dữ liệu về dân cư quốc gia của Bộ Công an. Hệ thống sẽ đánh giá và ngay lập tức vạch trần các đối tượng tội phạm sử dụng thẻ CCCD giả nhằm che giấu thân phận để thực hiện hành vi phạm tội. Toàn bộ quy trình xác minh diễn ra chưa tới 30 giây.

CHÍ THẠCH

LÂM NGUYÊN - BÁ TÂN

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nang-cao-hieu-qua-thuc-hien-dich-vu-cong-truc-tuyen-post719419.html