NÂNG CAO HIỆU QUẢ GIÁM SÁT TỐI CAO THÔNG QUA PHƯƠNG THỨC XEM XÉT BÁO CÁO TRÌNH QUỐC HỘI TẠI KỲ HỌP

Xem xét báo cáo trình Quốc hội là một trong những phương thức giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động của bộ máy nhà nước. Việc Quốc hội xem xét báo cáo của các cơ quan thuộc đối tượng giám sát tối cao được pháp luật quy định chặt chẽ, đảm bảo bao quát toàn diện các lĩnh vực hoạt động quan trọng của bộ máy nhà nước và ngày càng được triển khai hiệu quả trên thực tế.

Giám sát là một trong ba chức năng cơ bản,quan trọng của Quốc hội

Hoạt động xem xét các báo cáo trình Quốc hội có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Phương thức giám sát này được quy định trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật, cụ thể: Tại khoản 2, điều 70 Hiến pháp 2013 quy định: Quốc hội xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập. Đồng thời, tại khoản 2 điều 6 Luật Tổ chức Quốc hội cũng quy định: Quốc hội giám sát tối cao hoạt động của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập.

Tiếp đó, Điều 11 Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 quy định: Hoạt động giám sát tối cao của Quốc hội thông qua Xem xét báo cáo công tác của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, cơ quan khác do Quốc hội thành lập và các báo cáo khác quy định tại Điều 13 của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Xem xét báo cáo giám sát chuyên đề; Xem xét báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội về kiến nghị giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.…

Cũng theo quy định tại Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015 (Điều 13), Quốc hội xem xét các báo cáo sau đây: Báo cáo công tác hằng năm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập; Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;

Đồng thời, xem xét Báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thực hiện ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; Báo cáo của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; Báo cáo của Chính phủ về công tác thi hành án; Báo cáo của Chính phủ về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới; Báo cáo về việc thi hành pháp luật trong một số lĩnh vực khác theo quy định của pháp luật; Báo cáo khác theo nghị quyết của Quốc hội hoặc theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội.

Về thời điểm xem xét báo cáo, tại kỳ họp cuối năm, Quốc hội xem xét, thảo luận Báo cáo công tác hằng năm của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập; Báo cáo của Chính phủ về kinh tế - xã hội; Báo cáo của Chính phủ về thực hiện ngân sách nhà nước, quyết toán ngân sách nhà nước; Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội; Báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo;...

Tại kỳ họp giữa năm, các cơ quan này gửi báo cáo đến đại biểu Quốc hội; khi cần thiết, Quốc hội xem xét, thảo luận; Tại kỳ họp cuối nhiệm kỳ, Quốc hội xem xét, thảo luận báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chủ tịch nước, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước và cơ quan khác do Quốc hội thành lập;…

Như vậy, tại các kỳ họp, Quốc hội đã tiến hành xem xét các báo cáo về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các báo cáo khác theo quy định. Trên cơ sở các báo cáo công tác của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Kiểm toán nhà nước, ý kiến của cử tri và Nhân dân, từ thực tiễn hoạt động,… các vị đại biểu Quốc hội với tinh thần trách nhiệm, xây dựng đã đi sâu phân tích, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan; thẳng thắn chỉ ra những hạn chế, yếu kém;…. Đây cũng là căn cứ quan trọng để Quốc hội xem xét thảo luận các báo cáo công tác nhiệm kỳ của các cơ quan. Sau khi xem xét các báo cáo, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với sự phát triển của đất nước.

PGS. TS Hoàng Văn Tú, nguyên Phó Viện trưởng Viện NCLP

Đánh giá cao phương thức giám sát này, PGS. TS Hoàng Văn Tú, nguyên Phó Viện trưởng Viện NCLP cho rằng, việc Quốc hội xem xét báo cáo của các cơ quan thuộc đối tượng giám sát tối cao được pháp luật quy định chặt chẽ, đảm bảo bao quát toàn diện các lĩnh vực hoạt động quan trọng của bộ máy nhà nước. Phương thức giám sát này được Quốc hội thực hiện thường xuyên tại mỗi kỳ họp, đưa lại kết quả thiết thực trên thực tế.

Nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng việc thẩm tra của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội đối với báo cáo trình Quốc hội trong quá trình xem xét, thảo luận của các đại biểu Quốc hội về các nội dung nêu trong báo cáo, PGS. TS Hoàng Văn Tú cho rằng, báo cáo thẩm tra phải có tính phản biện, làm rõ những tồn tại, yếu kém chậm khắc phục hay những vi phạm xảy ra trong thực tiễn hoạt động của cơ quan trình báo cáo. Vì vậy, trong quá trình thẩm tra cũng cần huy động sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học về lĩnh vực thẩm tra; tăng cường các nghiên cứu khoa học; điều tra xã hội học về các lĩnh vực thẩm tra để có các số liệu, thông tin cụ thể làm căn cứ, cơ sở cho việc thẩm tra;…

PGS. TS Lê Minh Thông – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật

Khẳng định đây là một trong những phương thức giám sát tối cao của Quốc hội đối với hoạt động của bộ máy nhà nước ở tầm cao nhất, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, PGS. TS Lê Minh Thông – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng, kết quả xem xét các báo cáo trình Quốc hội tác động lớn đến các phương thức giám sát khác. Do vậy, Luật hoạt động giám sát quy định Quốc hội xem xét quyết định ban hành nghị quyết về báo cáo với các yêu cầu cụ thể về nội dung. Việc Quốc hội ban hành nghị quyết riêng về các báo cáo trình Quốc hội cho phép đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc hơn hoạt động của các cơ quan trình báo cáo, làm rõ hơn trách nhiệm của đối tượng chịu sự giám sát; qua đó kiểm soát tốt hơn việc thực hiện quyền lực của các cơ quan này.

Ngoài ra, các ý kiến chuyên gia cũng cho rằng, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả việc xem xét báo cáo cần quan tâm cải tiến phương thức xem xét báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm, tình hình thực hiện và dự toán ngân sách nhà nước hàng năm theo hướng xác định cụ thể hơn những chỉ tiêu Quốc hội cần thảo luận;…/.

Lê Anh

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn//tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=78278