Nâng cao giá trị nông sản sau thu hoạch bằng công nghệ sấy

Việc áp dụng công nghệ sấy không những giúp người nông dân bảo quản nông sản, nâng cao giá trị sản phẩm mà còn giải quyết được một trong những vấn nạn nông sản tồn đọng và bài toán được mùa, mất giá.

Sản phẩm sấy từ các loại nông sản ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

Sản phẩm sấy từ các loại nông sản ngày càng được người tiêu dùng ưa chuộng.

“Sống lại” cây hồng D’ran

Những người làm nông nghiệp ở D’ran có một niềm tự hào rằng: Bất cứ loại trái cây gì bén rễ trên mảnh đất này đều trở thành đặc sản. Từ cây dứa Cayene, chuối La ba, các loại quýt, mác mác, đặc biệt là cây hồng đều nức tiếng gần xa, được người tiêu dùng ưa chuộng.

Khác với những địa phương khác ở Đơn Dương, thị trấn D’ran là địa phương gần như là nơi duy nhất không phát triển về cây rau thương phẩm mà thiên về cây công nghiệp, đặc biệt là cây ăn trái. Tuy nhiên, với diện tích trồng cây ăn trái lớn, sản lượng thu hoạch nhiều, cứ mỗi khi đến mùa thu hoạch rộ, mối lo đầu ra ổn định cho sản phẩm luôn là nỗi lo thường trực đối với người nông dân.

Dẫn chúng tôi đi thăm những vườn hồng xanh tốt được trồng xen canh với cà phê, ông Đặng Trung, Chủ tịch Hội Nông dân thị trấn D’ran không khỏi vui mừng phấn khởi: Hiện nông dân ở D’ran hối hả bước vào cuối vụ thu hoạch hồng chín. Sau nhiều năm quay lưng lại với cây hồng vì giá cả sụt giảm thì bây giờ nông dân ở đây đã quyết định tập trung đầu tư vườn, cải tạo lại vườn hồng để phát triển kinh tế. Cây hồng ở D’ran đang thực sự “sống lại” nhờ vào công nghệ sấy, sản phẩm hồng sấy gió của địa phương được thị trường đón nhận.

Theo ông Trung, cây hồng ở D’ran chủ yếu được trồng xen trong rẫy cà phê. Trước đây, khi giá hồng tăng cao nên người dân trồng nhiều. Tuy nhiên, từ năm 2015 giá cả trái hồng bấp bênh, đầu ra không ổn định. Chưa kể vào mùa hồng chín rộ, thương lái thường ép giá nhưng người dân vẫn phải bán vì hồng không thể để chín quá trên cây. Nhiều gia đình đã chặt bỏ cây để chuyển qua trồng giống khác, hoặc chỉ để lại một số ít cây lớn để chờ giá tăng.

Đặc biệt, kể từ khi người dân bắt đầu áp dụng công nghệ hồng sấy gió Nhật Bản vào chế biến để tạo thành sản phẩm đặc trưng, giá trị của cây hồng không ngừng được nâng lên, giúp người dân làm giàu.

Đơn cử, từ năm 2015 giá hồng chỉ còn 3.000 - 4.000 đồng/kg thì nay giá hồng tươi đang được thương lái thu mua với giá khoảng 13.000 - 15.000 đồng/kg. Và, chỉ với những thao tác đơn giản chế biến thành hồng sấy khô, giá trị của chúng đã tăng lên đến hơn 250.000 đồng/kg, trở thành thức quà đặc sản, có mặt ở khắp mọi miền Tổ quốc. Sau khi trừ các chi phí, mỗi kg hồng sấy cho thu lãi ròng khoảng 150.000 đồng. Đối với những hộ trồng xen cây này với cà phê, thì sản phẩm hồng sấy đang góp phần cứu họ vượt khó trong thời gian cà phê rớt giá.

Tăng sức cạnh tranh cho nông sản

Xuất phát từ nhu cầu thực tế sản xuất của địa phương, hiện trên địa bàn thị trấn D’ran ngày càng xuất hiện nhiều các cơ sở áp dụng công nghệ sấy với đa dạng các hình thức như: sấy củi, điện, gió hay năng lượng mặt trời. Sản phẩm sấy cũng không đơn thuần tập trung vào trái hồng mà đa dạng với phương châm “mùa nào thức nấy”. Tất cả tựu chung lại đã và đang giúp người nông dân kéo dài thời gian bảo quản cũng như gia tăng giá trị các loại nông sản đặc trưng.

Mới tham gia ngành chế biến nông sản nhưng những sản phẩm sấy khô: khoai lang, chuối, dứa, đặc biệt là hồng dẻo của chị Huỳnh Thị Phụng (tổ dân phố Phú Thuận 1) đã nhanh chóng có được chỗ đứng trên thị trường. Ở cơ sở của chị Phụng, mỗi năm sản lượng các sản phẩm sấy từ hồng, dứa, chuối… cung cấp ra thị trường vào khoảng 3 tấn.

Theo chị Phụng, trước đây, gia đình chị cũng như những nhà nông khác, đa canh các loại cây ăn trái trên 2 ha, mỗi năm thu về hàng chục tấn tươi. Thế nhưng việc tiêu thụ hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái. Có năm được mùa nhưng mất giá, sau khi trừ chi phí, gia đình chị gần như không có lãi. Chưa kể nhiều thời điểm rộ mùa, không tiêu thụ được phải đổ bỏ. Chính vì thế gia đình chị đã học hỏi, đầu tư lò sấy củi, trước phục vụ nhu cầu gia đình, sau mở rộng kết hợp thu mua thêm của nhiều nhà vườn khác để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của khách hàng.

Nếu tính về mặt giá trị thì các sản phẩm sau khi sấy có giá trị cao hơn từ 8 - 10 lần so với giá trị nguyên liệu thô ban đầu. Cùng với đó, với khoản chi phí đầu tư hệ thống lò sấy, khay đựng không quá lớn, trong khi lợi nhuận thu được rất cao ở mức hấp dẫn nên công nghệ sấy đang được nhiều người dân D’ran thực hiện. Theo ước tính, trên địa bàn có trên 10 sơ sở sấy điện, sấy củi, gió, năng lượng mặt trời.

Bà Lê Thị Bé, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Đơn Dương cho biết, địa phương có khoảng 1.000 ha cây hồng các loại, gồm cả trồng xen và chuyên canh. Bên cạnh đó, diện tích canh tác các loại rau, củ, quả trên địa bàn là rất lớn. Do đó, đối với các loại nông sản nói chung, khâu bảo quản sau thu hoạch luôn là vấn đề nhức nhối được đặt biệt quan tâm.

Theo đánh giá, công nghệ sấy phù hợp với điều kiện của địa phương. Bên cạnh đó, các loại nông sản sấy khô đang ngày từng ngày chiếm lĩnh trên thị trường thực phẩm cả trong lẫn ngoài nước. Tuy nhiên, quy trình này đòi hỏi công nghệ, thiết bị phải đảm bảo đáp ứng các tiêu chuẩn an toàn thực phẩm đồng thời giữ được độ tươi ngon của nông sản sau khi chế biến và đưa vào thị trường tiêu thụ.

Việc ngày càng có nhiều đơn vị, cơ sở của người dân tham gia vào khâu chế biến nhờ áp dụng công nghệ sấy vào bảo quản nông sản trên địa bàn huyện là một tín hiệu rất lạc quan. Qua đó, giúp giảm bớt nỗi lo và gánh nặng cho nông dân, đồng thời có thể giữ được chất lượng, nâng cao giá trị nông sản trong thời gian dài.

H.THẮM - H.SA

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/201912/nang-cao-gia-tri-nong-san-sau-thu-hoach-bang-cong-nghe-say-2978330/