Nâng cao chất lượng và trách nhiệm xã hội trong cung cấp hàng hóa tiêu dùng
Theo bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam, trước áp lực gay gắt của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, cần đánh giá sâu sắc tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng hàng hóa gắn với các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội...
Hàng hóa tiêu dùng Việt Nam hiện đang phát triển mạnh mẽ
Phát biểu tại Diễn đàn Chính sách và Pháp luật Phát triển Thương mại trong nước năm 2024 với chủ đề "Phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại, nhanh và bền vững" do Bộ Công Thương tổ chức chiều 04/12 vừa qua, bà Nguyễn Thị Thu Thủy - Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Phát triển Hàng tiêu dùng Việt Nam (VACOD) cho biết, thị trường hàng hóa tiêu dùng của Việt Nam hiện nay đang phát triển mạnh mẽ với sự đa dạng về sản phẩm, dịch vụ và các kênh phân phối hiện đại, đặc biệt là Thương mại điện tử.
"Tuy nhiên, trước áp lực cạnh tranh gay gắt của các doanh nghiệp trong và ngoài nước, nhận thức và sự thay đổi thói quen mua sắm của người tiêu dùng, cần đánh giá sâu sắc tầm quan trọng của việc nâng cao chất lượng hàng hóa gắn với các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội. Điều này đòi hỏi sự đồng lòng, nỗ lực và trách nhiệm từ cả 3 phía: Doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng." - Bà Thủy nhấn mạnh.
Theo đó, bà Thủy chỉ ra rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về phía doanh nghiệp: Các doanh nghiệp không chỉ là nơi tiếp nhận, chế biến, cung cấp sản phẩm, mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc định hình tiêu chuẩn chất lượng và xây dựng hình ảnh thương hiệu. Để nâng cao chất lượng hàng hóa, các doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển, áp dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào sản xuất. Đồng thời, việc áp dụng, duy trì và cải tiến quy trình kiểm soát chất lượng toàn diện là yếu tố then chốt trong việc đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn cao nhất.
Trách nhiệm xã hội đòi hỏi doanh nghiệp phải hành động một cách có đạo đức, bảo vệ môi trường và thực hiện các chương trình hỗ trợ cộng đồng. Khi làm được điều này, Doanh nghiệp không chỉ khẳng định vị thế của mình ở thị trường nội địa mà còn vươn xa ra thị trường quốc tế.
Về phía Nhà nước, vai trò của chính sách và pháp luật là không thể thiếu trong việc thúc đẩy và kiểm soát chất lượng hàng hóa. Nhà nước cần ban hành, hoàn thiện các quy định, tiêu chuẩn rõ ràng và minh bạch đối với sản phẩm tiêu dùng, ứng với các lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Hơn nữa, cần có cơ chế giám sát và chế tài đủ mạnh để xử lý các vi phạm. Xúc tiến Thương mại điện tử xuyên biên giới là cách thức hữu hiệu để giới thiệu sản phẩm chất lượng đến người tiêu dùng. Cùng với đó, chương trình khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, đầu tư vào nâng cao chất lượng và trách nhiệm xã hội là vô cùng cần thiết.
Người tiêu dùng cũng cần đóng vai trò chủ động trong việc nâng cao chất lượng hàng hóa tiêu dùng. Việc lựa chọn thông minh và tiêu dùng có trách nhiệm sẽ tạo áp lực ngược trở lại các doanh nghiệp, buộc họ phải cải tiến và nâng cao chất lượng sản phẩm.
Người tiêu dùng được quyền yêu cầu thông tin rõ ràng, minh bạch, đáp ứng các tiêu chuẩn theo xu hướng xanh, bền vừng về sản phẩm và có thể sử dụng quyền này để bảo vệ mình trước những sản phẩm kém chất lượng. Đồng thời, tham gia vào các hoạt động bảo vệ người tiêu dùng hay những chiến dịch cộng đồng vì sản phẩm sạch, tiêu dùng xanh, cũng đã góp phần tạo dựng một thị trường lành mạnh. Ủng hộ các doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội thông qua việc mua sắm sản phẩm của họ.
"Điều này tạo động lực để các doanh nghiệp khác thực hiện điều tương tự. Người tiêu dùng chính là những người trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm và các thông tin hữu ích của sản phẩm, doanh nghiệp tới cộng đồng, cộng đồng càng được nâng cao nhận thức thì tác động tích cực sẽ càng mạnh mẽ." - Bà Thủy nhận định.
Nâng cao chất lượng hàng hóa tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội
Bà Thủy cho biết thêm, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký Công điện số 121/CĐ-TTg ngày 26/11/2024 về việc tiếp tục đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng. Đây là minh chứng rõ ràng cho sự vào cuộc vô cùng quyết liệt, sâu sát của Chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp trong nước phát triển bền vững. Công điện đã đưa ra những giải pháp chiến lược mang tính toàn diện giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và cải thiện chất lượng hàng hóa.
Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả hơn nữa trong việc thực thi những giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa gắn với các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, ngoài việc nâng cao vai trò, trách nhiệm từ phía Doanh nghiệp, Nhà nước và người tiêu dùng, cũng cần có những chiến lược và giải pháp cụ thể hơn nữa. Theo đó, bà Thủy đề xuất một số ý kiến bổ sung về chiến lược và giải pháp nâng cao chất lượng hàng hóa tiêu dùng, đáp ứng các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội, cụ thể:
Đối với cơ quan Nhà nước:
Thứ nhất, tăng cường giám sát và thực thi đồng bộ, hiệu quả: Các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác giám sát và thực thi pháp luật liên quan đến chất lượng và trách nhiệm xã hội đối với hàng hóa tiêu dùng; thiết lập hệ thống báo cáo định kỳ để đánh giá mức độ tuân thủ và tiến bộ của các doanh nghiệp trong việc áp dụng các quy chuẩn và tiêu chuẩn. Xây dựng quy định xử phạt rõ ràng, minh bạch đối với hành vi vi phạm quy định về chất lượng sản phẩm và trách nhiệm xã hội.
Thứ hai, cải thiện hệ thống logistics: Với sự phát triển mạnh mẽ của hệ thống thương mại điện tử, hàng hóa tới tay người tiêu dùng đã trở nên vô cùng nhanh chóng, tiện lợi, giảm thiểu tối đa các khâu trung gian. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng hàng hóa một cách bền vững chiến lược vô cùng cần thiết là cải nâng cấp, đầu tư mạnh tay cho hệ thống logistics trong nước, đồng bộ ở khắp các vùng miền, địa phương. Điều này sẽ giúp tiết kiệm tối đa chi phí, thời gian vận chuyển và nâng cao chất lượng phục vụ.
Thứ ba, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa: Cần có chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, cung cấp các gói tín dụng ưu đãi hoặc giảm thuế cho các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch và thân thiện với môi trường bởi đây là lực lượng chủ yếu đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất hàng hóa chất lượng cao, mở rộng quy mô thị trường và thực hiện các trách nhiệm xã hội.
Đối với Bộ Công Thương:
Thứ nhất, bà Thủy cho rằng, đối với giải pháp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu, Chính phủ, Bộ Công Thương cần xem xét phân bổ nguồn ngân sách hàng năm dành riêng cho tổ chức Hiệp hội; trao quyền, mở rộng quyền hạn, trách nhiệm và nâng cao vai trò kết nối của các tổ chức Hiệp hội Trung ương và mạng lưới Hiệp Doanh nghiệp ở các tỉnh thành trên cả nước. Đây chính là mắt xích quan trọng, đại diện cho tiếng nói của cộng đồng Doanh nghiệp, là cầu nối ngắn nhất, hiệu quả và sâu sát với khó khăn và mong muốn của Doanh nghiệp. Thực tế cho thấy hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu là rất đúng vai trò của Hiệp hội và mang lại hiệu quả tích cực, nhưng hiện nay hoạt động này còn rất rời rạc, nguồn ngân sách từ trung ương hỗ trợ hàng năm vô cùng hạn chế, chủ yếu Hiệp hội chủ động và kêu gọi từ Doanh nghiệp để cùng triển khai.
Thứ hai, đẩy mạnh thường xuyên, chủ động tuyên truyền thông tin sâu rộng hơn về các tiêu chí về các chương trình: thương hiệu quốc gia, Doanh nghiệp Bền vững (CSI), Doanh nghiệp đạt chuẩn Văn hóa kinh doanh ... nhằm khuyến khích, tạo động lực cho Doanh nghiệp và nâng cao nhận thức cho người tiêu dùng đối với vấn đề chất lượng hàng hóa gắn với trách nhiệm xã hội.
Thứ ba, tăng cường các hoạt động hợp tác, liên kết với các đơn vị, tổ chức chứng nhận quốc tế uy tín ở các lĩnh vực khác nhau, ví dụ: SGS, Bureau Veritas, TUV Rheinland… nhằm hỗ trợ Doanh nghiệp tiếp cận các hệ thống, giải pháp, cách thức áp dụng tiên tiến phù hợp thực tế, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Cam kết của Doanh nghiệp:
Thứ nhất, tạo “cú hích” trong việc đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển (R&D) để cải tiến sản phẩm. Đây được coi là chiến lược mang tính lâu dài và là xu thế tất yếu đối với các Doanh nghiệp trước sự phát triển với tốc độ chóng mặt của công nghệ, việc tiếp cận và thích ứng nhanh với các xu hướng công nghệ mới nổi vào sản xuất kinh doanh sẽ giúp doanh nghiệp, tổ chức định hình được chiến lược phát triển, tạo ra lợi thế cạnh tranh trong tương lai.
Thứ hai, đổi mới sản phẩm: Đầu tư vào R&D cho phép doanh nghiệp không ngừng cải tiến sản phẩm cả về mặt thiết kế lẫn chức năng. Điều này không chỉ gia tăng cơ hội cạnh tranh mà còn đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng của người tiêu dùng.
Thứ ba, công nghệ xanh: Ưu tiên tập trung vào phát triển công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường giúp doanh nghiệp giảm thiểu tác động đến môi trường, phù hợp với các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội: (hệ thống lọc khí hiện đại trong công nghiệp, hệ thống xử lý chất thải, quy trình tái chế, sử dụng bao bì tự hủy, công nghệ sản xuất năng lượng sạch nguồn điện từ pin mặt trời, gió, và thủy lực …)
Thứ tư, chuyển đổi số, xây dựng hệ thống dữ liệu số: Hỗ trợ hoạt động tìm kiếm thông tin đối với các sản phẩm chất lượng cao, doanh nghiệp uy tín, quy trình quản lý, vận hành, sản xuất, kết nối dịch vụ được nhanh chóng, hiệu quả. Ứng dụng công nghệ tự động hóa và số hóa; AI, IoT trong quá trình sản xuất và quản lý chất lượng giúp nâng cao độ chính xác và hiệu suất của quy trình sản xuất, đồng thời giảm thiểu sai sót.
Tuy nhiên, bà Thủy cho rằng, vấn đề này đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ là một thách thức không nhỏ, bởi R&D là đầu tư mạo hiểm và khó kiểm soát hiệu quả hơn so với các hoạt động sản xuất, kinh doanh thông thường vì doanh nghiệp khó có thể tính toán trước giá thành và hiệu quả.
"Do vậy, xây dựng, ban hành các chính sách đặc thù đối với từng hạng mục nội dung hỗ trợ doanh nghiệp cần được các cơ quan quản lý Nhà nước lưu tâm, bao gồm việc cung cấp các khoản vay ưu đãi, hỗ trợ về kỹ thuật và công nghệ mới giảm thiểu tác động môi trường, đề cao trách nhiệm của doanh nghiệp đối với người tiêu dùng và xã hội…" - bà Thủy chia sẻ.
Áp dụng hệ thống quản lý chất lượng toàn diện nghiêm ngặt không chỉ giúp Doanh nghiệp Việt nâng cao chất lượng hàng hóa mà còn cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu, đảm bảo cung ứng sản phẩm, bảo vệ môi trường, đáp ứng tốt các yêu cầu khắt khe, chinh phục cả thị trường nội địa lẫn quốc tế, góp phần xây dựng giá trị thương hiệu cho doanh nghiệp Việt theo hướng phát triển xanh, bền vững.
Hiện nay, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO: ISO 9001: 2015 là tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng được công nhận và thực hiện nhiều nhất trên thế giới. Ngoài ra, ISO 22000 (quản lý an toàn thực phẩm), ISO 14000 (hệ thống quản lý môi trường), ISO 13485 (hệ thống quản lý chất lượng cho các thiết bị y tế), ISO 19011 (quản lý kiểm toán Hệ thống), ISO / TS 16949 (hệ thống quản lý chất lượng cho các sản phẩm liên quan đến ô tô)... và các tiêu chuẩn như: HACCP, Global GAP, BRC, HALAL, Organic EU, BSCI, … chính là công cụ tạo thuận lợi và giá trị cho DN.
Bà Thủy đưa ra ví dụ thực tế, một số doanh nghiệp Hội viên VACOD đã áp dụng tích hợp thành công các tiêu chuẩn, hệ thống quản lý chất lượng hiệu quả nhằm nâng cao chất lượng hàng hóa trong nước và đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, cụ thể như:
Công ty Cổ phần Trà Bắc đã tích hợp áp dụng tiêu chuẩn ISO 9001:2015, tiêu chuẩn HACCP vào sản xuất kinh doanh than hoạt tính, than đá Athracite, than BBQ; xơ dừa, thảm xơ dừa, cơm dừa sấy khô.
Hay công ty Cổ phần Đầu tư Dừa Bến Tre với mục tiêu đáp ứng ko chỉ tiêu chuẩn trong nước mà còn tạo dựng được uy tín với thị trường có yêu cầu khắt khe, mang tính đặc thù như Mỹ, Châu Âu, các nước hồi giáo, Do Thái ... đã đầu tư áp dụng hiệu quả các tiêu chuẩn tiên tiến: BRC, HALAL, Organic EU, IFS ...
Hoặc TH True Milk áp dụng các tiêu chuẩn ISO 22000 (quản lý an toàn thực phẩm), Global GAP (thực hành nông nghiệp tốt), và ISO 14001 (quản lý môi trường) trong sản xuất sữa tươi và các sản phẩm từ sữa.
Thứ năm, chất lượng trong chuỗi giá trị: Kiểm soát chất lượng không chỉ trong nội bộ doanh nghiệp mà còn ở toàn bộ chuỗi cung ứng để đảm bảo rằng từ nguyên vật liệu đầu vào đến sản phẩm cuối cùng đều đạt tiêu chuẩn chất lượng cao.
Thứ sáu, chú trọng đến nguyên liệu và chuỗi cung ứng bền vững:
(i) Doanh nghiệp cam kết ưu tiên sử dụng các nguyên liệu thân thiện với môi trường, đẩy mạnh việc sử dụng nguyên liệu tái chế hoặc có khả năng tái chế, nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường. Lựa chọn các nhà cung cấp tuân thủ tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội như SA8000, đảm bảo được nguồn nguyên liệu đáp ứng cả về chất lượng và trách nhiệm xã hội;
(ii) Đa dạng hóa nguồn cung: Doanh nghiệp nên chủ động thiết lập nhiều nguồn cung ứng thay thế để đảm bảo tính bền vững và giảm rủi ro từ tính độc quyền hoặc khan hiếm của nguồn nguyên liệu.
"Đối với vấn đề này, các cơ quan quản lý cần có chế tài chặt chẽ để nâng cao trách nhiệm của các nhà cung cấp. Những thỏa thuận, cam kết giữa các nhà cung cấp sẽ bước đầu đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất hàng hóa và từng bước nhân rộng mô hình. Chúng ta cần có cơ chế kiểm tra, giám sát hiệu quả đối với chuỗi cung ứng để đảm bảo rằng tất cả các khâu đều tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp luật và tiêu chuẩn đạo đức.
Chủ động thúc đẩy, áp dụng văn hóa trách nhiệm xã hội trong doanh nghiệp và tăng cường đào tạo & phát triển nhân lực cũng là giải pháp cần được Doanh nghiệp quan tâm, áp dụng vào hoạt động của Doanh nghiệp góp phần thay đổi, nâng cao ý thức về việc nâng cao chất lượng hàng hóa tiêu dùng gắn với đáp ứng các tiêu chuẩn trách nhiệm xã hội." - Bà Thủy thông tin thêm
Bà Thủy ví dụ, doanh nghiệp Hội viên VACOD - Công ty CP đầu tư Dừa Bến Tre đã áp dụng thành công bộ tiêu chuẩn BSCI dùng để đánh giá tuân thủ Trách nhiệm xã hội trong kinh doanh, góp phần nâng cao uy tín thương hiệu Bienco, cải thiện năng suất lao động và chất lượng sản phẩm đáp ứng các thị trường khó tính trong và ngoài nước.
"Theo đó, với sự nỗ lực và quyết tâm của tất cả chúng ta, thị trường hàng tiêu dùng Việt Nam sẽ ngày càng khẳng định vị thế chất lượng của mình không chỉ trong nước mà còn trên trường quốc tế." - Bà Thủy bày tỏ tin tưởng.