Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội
Sáng nay (5/10), VKSND tối cao tổ chức Hội nghị tập huấn 'Nâng cao chất lượng thực hành quyền tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới'. Đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Ủy viên Ban cán sự đảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao dự và chỉ đạo Hội nghị.
Tham dự Hội nghị có các đồng chí Kiểm sát viên VKSND tối cao; lãnh đạo, Kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát việc giải quyết các vụ án hình sự một số đơn vị thuộc VKSND tối cao, Viện kiểm sát quân sự trung ương, các VKSND cấp cao; Viện kiểm sát quân sự cấp quân khu, Viện kiểm sát quân sự khu vực, Viện kiểm sát cấp tỉnh, Viện kiểm sát cấp huyện cùng toàn thể lãnh đạo, công chức thuộc Vụ thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội (Vụ 2), VKSND tối cao…
Hội nghị được tổ chức bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, kết nối điểm cầu chính tại trụ sở VKSND tối cao đến các điểm cầu trong toàn ngành KSND.
Tại Hội nghị, lãnh đạo Vụ 2, VKSND tối cao đã trình bày 3 chuyên đề, gồm: Chuyên đề 1: Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị các vụ án xâm phạm trật tự xã hội.
Chuyên đề 2: Nhận diện một số hành vi, phương thức, thủ đoạn phạm tội liên quan đến tín dụng đen, đòi nợ thuê, tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội phạm công nghệ cao trong tình hình mới.
Chuyên đề 3: Một số vấn đề cần lưu ý khi thực hành quyền công tố, kiểm sát việc thu thập, kiểm tra, đánh giá và sử dụng các chứng cứ trong các vụ án liên quan đến tín dụng đen, đòi nợ thuê và các vụ án dùng thủ đoạn sử dụng công nghệ cao.
Theo báo cáo chuyên đề, nhìn chung công tác theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị trong thời gian qua đã có kết quả tích cực, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết các vụ án xâm phạm trật tự xã hội. Công tác theo dõi, hướng dẫn, chỉ đạo nghiệp vụ đã được Viện kiểm sát cấp trên chú trọng, tăng cường và thực hiện có hiệu quả.
Thông qua công tác này, Viện kiểm sát cấp trên kịp thời nắm chắc, đánh giá chính xác kết quả công tác của Viện kiểm sát cấp dưới và kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn Viện kiểm sát cấp dưới giải quyết những khó khăn vướng mắc trong công tác. Đồng thời phát hiện những tồn tại, hạn chế, thiếu sót của Viện kiểm sát cấp dưới để uốn nắn, rút kinh nghiệm khắc phục những vi phạm, thiếu sót, hạn chế tình trạng oan sai, bỏ lọt tội phạm.
Trong công tác hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị, Viện kiểm sát các cấp đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 03/CT-VKSTC ngày 28/12/2017 của Viện trưởng VKSND tối cao, đã “tăng cường thỉnh thị, trả lời thỉnh thị, hướng dẫn giải đáp vướng mắc...” xác định đây là công tác trọng tâm trong việc thực hiện chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, là nhiệm vụ rất quan trọng để thực hiện tốt mục tiêu “Hướng về cơ sở”.
Kết quả đã đổi mới nâng cao chất lượng công tác chỉ đạo điều hành. Để thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi, chỉ đạo và hướng dẫn trả lời thỉnh thị, ngay từ đầu năm các đơn vị kiểm sát đã xây dựng chương trình công tác, xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm, khâu đột phá là “thực hiện có hiệu quả công tác theo dõi, hướng dẫn chỉ đạo địa phương đảm bảo tăng cường hơn nữa vai trò, trách nhiệm công tố trong giải quyết các vụ án xâm phạm trật tự xã hội”.
Cũng tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo một số VKSND địa phương đã trình bày tham luận nêu lên những kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc cũng như đề xuất, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng thực hành quyền tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội của Ngành trong thời gian tới.
Phát biểu chỉ đạo, kết luận Hội nghị, đồng chí Nguyễn Duy Giảng, Phó Viện trưởng VKSND tối cao nêu rõ, sau một buổi sáng làm việc khẩn trương, nghiêm túc và trách nhiệm, Hội nghị tập huấn “Nâng cao chất lượng thực hành quyền tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới” đã hoàn thành nội dung theo chương trình đề ra.
Đồng thời, biểu dương Vụ 2, VKSND tối cao đã chủ trì và phối hợp với các đơn vị liên quan, chuẩn bị tốt nội dung, tài liệu để tổ chức Hội nghị.
Điểm lại những kết quả đạt được trong công tác thực hành quyền tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội trong ngành KSND; đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng cũng đề cập và lưu ý về một số nội dung của các chuyên đề được trình bày tại Hội nghị.
Theo đó, đối với chuyên đề “Một số biện pháp nâng cao hiệu quả công tác theo dõi, chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị các vụ án xâm phạm trật tự xã hội”, Viện kiểm sát cấp trên phải quản lý được công việc của Viện kiểm sát cấp dưới thì mới theo dõi, chỉ đạo được. Muốn làm được điều này thì phải tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; phát hiện được những vấn đề cần tập trung chỉ đạo ở địa phương, đơn vị; phát hiện ra những vấn đề mới liên quan đến áp dụng pháp luật, tội phạm mới; đánh giá được chất lượng, hiệu quả của từng đơn vị, địa phương…
Đối với công tác hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị liên quan đến các vụ án xâm phạm trật tự xã hội, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng yêu cầu cần quan tâm đến thời hạn, chất lượng trả lời thỉnh thị; đồng thời, phát huy trách nhiệm của người đứng đầu Viện kiểm sát các cấp trong hướng dẫn nghiệp vụ, trả lời thỉnh thị.
Đối với 2 chuyên đề còn lại, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng nêu rõ, tội phạm liên quan đến tín dụng đen, đòi nợ thuê, tội phạm lừa đảo, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội phạm công nghệ cao dự báo sẽ xảy ra ngày càng nhiều, do đó ngoài các chuyên đề được trình bày tại Hội nghị, các Viện kiểm sát cần phải có kế hoạch nghiên cứu chuyên sâu hơn. Viện kiểm sát địa phương có thể tự xây dựng chuyên đề đối với các tội phạm này; đồng thời, các cơ sở đào tạo cần quan tâm đến các loại tội phạm này để nghiên cứu, xây dựng tài liệu phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát điều tra án trật tự xã hội của ngành KSND trong thời gian tới, đồng chí Phó Viện trưởng VKSND tối cao Nguyễn Duy Giảng cũng yêu cầu các đơn vị, Viện kiểm sát địa phương tiếp tục quán triệt và thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị của Viện trưởng VKSND tối cao; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành.
Đồng thời, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, Kiểm sát viên để nâng cao trình độ, kiến thức trên nhiều lĩnh vực, trong đó có kiến thức về công nghệ thông tin, mạng viễn thông…; tăng cường công tác hợp tác quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm; tăng cường công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng với các cơ quan chuyên môn về công nghệ thông tin, mạng viễn thông…