Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp
Đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có vai trò quan trọng trong nâng cao chất lượng đào tạo tại các cơ sở GDNN. Để phát huy vai trò đội ngũ nhà giáo, các cơ sở GDNN chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực chuyên môn, kỹ năng nghề, nghiệp vụ sư phạm, phương pháp giảng dạy…
Giờ thực hành tại Trường Cao đẳng Cơ điện và Thủy lợi
Mỗi năm, Trường cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Tô Hiệu Hưng Yên có kế hoạch tuyển sinh hàng nghìn học sinh, sinh viên để đào tạo các cấp trình độ. Để đào tạo học sinh, sinh viên sau khi ra trường có đầy đủ các kỹ năng, đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, trường luôn chú trọng nâng cao trình độ, chuyên môn cho đội ngũ nhà giáo. Hằng năm, trường tăng cường bồi dưỡng đội ngũ giáo viên đạt chuẩn chuyên môn nghiệp vụ; đẩy mạnh chuyển giao các chương trình, tài liệu bồi dưỡng giáo viên dạy nghề; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề và nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giảng viên, giáo viên; thường xuyên tổ chức bồi dưỡng kỹ năng nghề nghiệp cho đội ngũ giảng viên, giáo viên ở các ngành, nghề trọng điểm. Tập trung huy động các nguồn lực đầu tư hoàn thiện hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị thực hành. Đặc biệt, trường chú trọng liên kết với doanh nghiệp trong đào tạo, qua đó giúp giáo viên tích lũy được kinh nghiệm nghề nghiệp và thực tiễn sản xuất để truyền đạt cho học sinh những kiến thức, kỹ năng sát với thực tiễn. Bên cạnh đó, trường tạo môi trường làm việc thuận lợi, chăm lo đời sống cho giáo viên dạy nghề để họ yên tâm công tác.
Đồng chí Tô Thị Thanh Bình, Phó Hiệu trưởng Trường cao đẳng Công nghiệp Hưng Yên cho biết: Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác đào tạo trong các cơ sở GDNN đang là yêu cầu cấp thiết để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Muốn vậy, đội ngũ nhà giáo cần phải đổi mới. Hằng năm, nhà trường thường xuyên cử giáo viên đi bồi dưỡng kỹ năng nghề, nâng cao cấp bậc tay nghề cho đội ngũ giáo viên; bồi dưỡng kỹ năng mềm. Cử giáo viên đến doanh nghiệp để tiếp cận các thiết bị mới, cách quản lý mới của doanh nghiệp, tạo điều kiện để giáo viên tiếp cận thực tế nhiều hơn. Bên cạnh đó, trường tổ chức cho giáo viên tham gia các cuộc thi thiết bị đào tạo tự làm; hội giảng nhà giáo GDNN; hướng dẫn học sinh, sinh viên tham gia kỳ thi kỹ năng nghề quốc gia. Với đặc thù của giáo viên nghề là phải dạy được thực hành, do vậy, ngay trong việc đánh giá chất lượng giáo viên nghề cũng được nhà trường đổi mới bằng việc đánh giá chính các sản phẩm nghề cụ thể của giáo viên. Nhờ đó, giáo viên nhà trường tích cực hơn trong các hoạt động thiết kế bài giảng, thiết bị giáo dục, nghiên cứu khoa học, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.
Hiện nay, toàn tỉnh có 26 cơ sở GDNN với 1.119 nhà giáo GDNN. Hầu hết đội ngũ nhà giáo đạt chuẩn về nghiệp vụ sư phạm và đạt chuẩn về trình độ đào tạo, đạt chuẩn chức danh nghề theo quy định. 330 người (chiếm tỷ lệ 29,5%) có trình độ trên đại học; 523 người (chiếm tỷ lệ 46,7%) có trình độ đại học; 73 người (chiếm tỷ lệ 6,5%) có trình độ cao đẳng, cao đẳng nghề và 192 người (chiếm tỷ lệ 17,2%) có trình độ trung cấp chuyên nghiệp hoặc trung cấp nghề; còn lại là trình độ khác. Hệ thống GDNN ở tỉnh đã và đang thực hiện đổi mới đồng bộ. Chương trình đào tạo, nhà giáo, cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo… đã được cải thiện đáng kể, từng bước chuẩn hóa, hiện đại hóa. Để nâng cao chất lượng cán bộ quản lý và đội ngũ nhà giáo, hằng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tập huấn về chuyên môn nghiệp vụ cho các cơ sở GDNN trong tỉnh; phối hợp với Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Hưng Yên tổ chức các lớp đào tạo nghiệp vụ sư phạm và bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề cho nhà giáo GDNN. Ngoài ra, cơ sở GDNN thường xuyên xây dựng và thực hiện kế hoạch bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo theo hướng chuẩn hóa; quan tâm, bố trí, tạo điều kiện cho nhà giáo có năng lực tham gia học tập nâng cao trình độ; bồi dưỡng tham gia các cuộc thi, hội giảng cấp tỉnh, cấp quốc gia về giáo dục nghề nghiệp; tổ chức cho nhà giáo tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, đề tài, sáng kiến kinh nghiệm; thực tập tại doanh nghiệp để nâng cao trình độ và kỹ năng nghề…
Kế hoạch số 139/KH-UBND, ngày 29/7/2022 của UBND tỉnh thực hiện chiến lược phát triển GDNN tỉnh Hưng Yên đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 xác định: Để đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh bảo đảm về số lượng, có trình độ, có kỹ năng nghề, góp phần nâng cao năng suất lao động, thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động và nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh trong tình hình mới cần thực hiện đồng bộ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp. Trong đó, phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN là một trong những giải pháp có tính quyết định. Cụ thể, để phát triển đội ngũ nhà giáo, nghệ nhân, chuyên gia, người dạy nghề và cán bộ quản lý trong GDNN phải đổi mới, nâng cao chất lượng, đa dạng hóa các chương trình, phương thức tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo. Đào tạo, bồi dưỡng tại các nước có hệ thống giáo dục nghề nghiệp phát triển đối với nhà giáo giảng dạy ngành, nghề trọng điểm cấp độ Asean, quốc tế. Định kỳ, thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý cơ sở GDNN, cán bộ quản lý nhà nước về GDNN các cấp…