Nâng cao chất lượng dân số
Đến nay, An Giang đã thực hiện cơ bản đạt yêu cầu các chỉ tiêu về dân số. Công tác dân số ngày càng được quan tâm theo tinh thần Nghị quyết 21-NQ/TW, chuyển trọng tâm công tác dân số từ kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) sang dân số và phát triển. Huy động được các cấp, ngành tích cực tham gia, đặc biệt là các hoạt động về truyền thông, giáo dục.
BS.CKI Nguyễn Hồng Nam, Chi cục trưởng Chi cục Dân số - KHHGĐ tỉnh An Giang cho biết, Nghị quyết 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) về công tác dân số trong tình hình mới đã đề ra mục tiêu: “Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững”. Một điểm nhấn quan trọng của nghị quyết là "Tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ KHHGĐ sang dân số và phát triển...". Đồng thời, đặt ra yêu cầu “đưa công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số thành nội dung trọng tâm trong công tác lãnh, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp”.
Để cụ thể hóa Nghị quyết 21-NQ/TW, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch 49-KH/TU; UBND tỉnh ban hành Quyết định 1937/QĐ-UBND kế hoạch thực hiện Kế hoạch 49-KH/TU. Qua đó, hệ thống chính sách, pháp luật về dân số - KHHGĐ được tăng cường, tạo cơ sở pháp lý cho việc thực hiện các chương trình dân số - KHHGĐ thời gian qua và đạt một số kết quả đáng ghi nhận. Tỷ lệ tăng tự nhiên dân số giảm còn < 0,9%; tổng tỷ suất sinh 1,89 con/phụ nữ; tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên đạt 8,86%; tỷ số giới tính khi sinh đạt 108,76 trẻ em trai/100 trẻ em gái; tỷ lệ cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại đạt 70%; tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 71,32%. Đồng thời, phụ nữ mang thai được sàng lọc trước sinh đạt 54,34%; số trẻ sơ sinh được sàng lọc đạt 67,15%...
Cùng với đó, nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp Nhân dân về ý nghĩa, vị trí, tầm quan trọng, các quan điểm của Đảng về công tác dân số trong tình hình mới được nâng lên. Các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, thu hút đông đảo cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân tích cực tham gia. Các chính sách, chương trình dân số được cụ thể hóa bằng các kế hoạch phù hợp tình hình thực tế. Nguồn lực cho công tác dân số dần được đảm bảo; nhân lực thực hiện công tác dân số phân bố đều cả 3 tuyến, đảm bảo cung cấp các dịch vụ về dân số, KHHGD cho người dân.
Câu lạc bộ tiền hôn nhân, câu lạc bộ chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại các xã, phường, thị trấn duy trì hoạt động thường xuyên. Mạng lưới cung cấp các dịch vụ tầm soát, sàng lọc chẩn đoán sớm bệnh, tật trước sinh, sơ sinh, hỗ trợ sinh sản, tư vấn kiểm tra sức khỏe sinh sản trước hôn nhân được tăng cường.
Tuy nhiên, theo BS.CKI Nguyễn Hồng Nam, công tác dân số - KHHGĐ vẫn còn một số hạn chế, như: Một số cán bộ chuyên trách cấp xã và cộng tác viên mới chưa có nhiều kinh nghiệm, dẫn đến các thông tin, số liệu đôi lúc bị sai lệch. Cán bộ chuyên trách công tác dân số cấp xã phải hỗ trợ thêm một số nhiệm vụ, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện chỉ tiêu. Nguồn lực đầu tư cho công tác dân số chưa đáp ứng yêu cầu: Thù lao cộng tác viên dân số còn thấp (200.000 đồng/tháng/cộng tác viên) dẫn đến tình trạng thường xuyên thay đổi cộng tác viên ở một số địa phương.
An Giang thuộc tỉnh có mức sinh thấp, nhưng các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân sinh đủ 2 con và các mô hình can thiệp để nâng mức sinh (các can thiệp đối với đối tượng vị thành niên, thanh niên, dự phòng vô sinh tại cộng đồng, khóa học trước khi kết hôn...) chưa đủ mạnh. Chương trình sàng lọc sơ sinh tại tuyến huyện chưa đủ năng lực thực hiện tầm soát đủ 5 bệnh bẩm sinh phổ biến.
BS.CKI Nguyễn Hồng Nam đề xuất, UBND tỉnh tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, UBND huyện, thị xã, thành phố quan tâm hơn nữa công tác dân số. Đồng thời, bố trí đủ kinh phí để công tác dân số thực hiện hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ công tác dân số giai đoạn 2021 - 2025. Cần có chính sách cụ thể khuyến khích sinh đủ 2 con, khen thưởng các gia đình sinh đủ 2 con trước 35 tuổi theo quy định tại Thông tư 01/2021/TT-BYT, để nâng tỷ lệ sinh của tỉnh nhằm đạt mức sinh thay thế.
Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh tham mưu UBND cấp huyện thực hiện tốt công tác dân số. Tiếp tục thực hiện thu thập thông tin, số liệu, báo cáo về công tác dân số kịp thời và sát với tình hình thực tế. Tăng cường thực hiện các chỉ tiêu miễn phí, như: Vòng tránh thai, thuốc tiêm, thuốc cấy, thuốc viên tránh thai và chỉ tiêu sàng lọc trước sinh, sơ sinh.
“Để thực hiện hiệu quả quan điểm, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân số, đặc biệt là nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bên cạnh sự nỗ lực của ngành y tế, cần có sự quan tâm lãnh, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội”- BS.CKI Nguyễn Hồng Nam kỳ vọng.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/nang-cao-chat-luong-dan-so-a405422.html