Nâng cao chất lượng biên soạn, tuyên truyền lịch sử Đảng
Năm 2024, công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương trên địa bàn tỉnh đã được triển khai kịp thời, tạo bước chuyển biến rõ nét trong nhận thức và hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân. Hiệu quả từ công tác này đã góp phần khơi dậy truyền thống lịch sử yêu quê hương đất nước, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.
Đảm bảo quy trình công trình Lịch sử Đảng bộ Khối
Đảng ủy Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh vừa tổ chức hội thảo Lịch sử Đảng bộ Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh Phú Yên (1949-2024).
Theo ông Trần Quốc Toàn, Phó Bí thư thường trực Đảng ủy Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh, công trình này được thực hiện trong 9 tháng, nhằm tập hợp, lưu giữ, hệ thống hóa thông tin, dữ liệu chính thống, khoa học quá trình hình thành, phát triển Đảng bộ Khối và những đóng góp của Đảng bộ Khối trong quá trình phát triển của tỉnh Phú Yên. Công trình được biên soạn trên cơ sở kế thừa Lịch sử Đảng bộ Khối cơ quan Dân chính Đảng tỉnh Phú Yên (1945-2005), bổ sung, cập nhật dữ liệu thông tin đến năm 2024.
Công trình được biên soạn theo cấu trúc gồm: lời nói đầu, kết luận, 8 chương, phần phụ lục và hình ảnh tư liệu. Tháng 9/2024, công trình hoàn thành dự thảo lần 3, lần 4; Ban Thường vụ Đảng ủy Khối gửi dự thảo xin ý kiến góp ý của các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, nguyên lãnh đạo Đảng ủy Khối.
Sau hội thảo vào cuối tháng 11/2024, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối đã chỉ đạo Ban biên soạn nghiên cứu tiếp thu, biên tập hoàn thiện toàn văn quyển Lịch sử Đảng bộ Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh Phú Yên (1949-2024) đảm bảo chất lượng, khoa học và tổ chức nghiệm thu chính thức vào đầu tháng 12/2024 trước khi trình Hội đồng thẩm định cấp tỉnh trong tháng 12/2024.
“Việc chỉ đạo và triển khai thực hiện công trình Lịch sử Đảng bộ Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh Phú Yên (1949-2024) được tổ chức đảm bảo quy trình từ xin chủ trương của Thường trực Tỉnh ủy, thành lập các ban, bộ phận đến sưu tầm, biên soạn và triển khai viết dự thảo, xin ý kiến, hoàn chỉnh quyển cơ bản theo tiến độ trong khung thời gian kế hoạch đề ra; qua đó góp phần tích cực, hiệu quả trong công tác giáo dục truyền thống lịch sử cho cán bộ, đảng viên trong toàn Đảng bộ Khối”, ông Toàn cho biết.
Quan tâm hướng dẫn kịp thời
Để tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị 20-CT/TW, ngày 18/1/2018 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XII) về tiếp tục tăng cường, nâng cao chất lượng nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tham mưu Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành công văn tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng.
Đồng thời, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã ban hành các công văn hướng dẫn xác định tên gọi và mốc thời gian các công trình lịch sử đảng bộ trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn một số nội dung liên quan đến việc thực hiện các công trình biên soạn lịch sử đảng bộ cấp huyện, xã trên địa bàn tỉnh.
Trên cơ sở các văn bản của cấp trên, cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội xây dựng kế hoạch và tổ chức học tập quán triệt, triển khai thực hiện nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền giáo dục lịch sử đảng ở cấp mình đạt chất lượng.
Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy thường xuyên nắm bắt tình hình và kịp thời hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác biên soạn lịch sử đảng bộ; thực hiện việc kết nối, giới thiệu những người có khả năng, kinh nghiệm trong việc viết sử hỗ trợ cho các huyện, xã nghiên cứu, biên soạn lịch sử đảng bộ của địa phương. Quá trình tổ chức, triển khai nghiên cứu, biên soạn các công trình được cấp ủy các cấp chỉ đạo chặt chẽ, từ khâu thông qua đề cương, hội thảo và nghiệm thu.
Phó Trưởng ban Tuyên giáo Nguyễn Thị Hoài My cho rằng: Thời gian tới, các cấp ủy địa phương, đơn vị cần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác nghiên cứu, biên soạn các công trình lịch sử đảng bộ, lịch sử truyền thống cách mạng của địa phương, cơ quan, đơn vị; gắn kết chặt chẽ giữa biên soạn, xuất bản và tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng, đảm bảo tính Đảng, tính khách quan, khoa học.
Các địa phương, đơn vị cần quan tâm xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác lịch sử Đảng; đảm bảo cơ sở vật chất, điều kiện làm việc, kinh phí phục vụ cho công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử Đảng; đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời có chế độ khen thưởng kịp thời đối với các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác lịch sử Đảng.
Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trong năm 2024, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh tổ chức nghiên cứu, biên soạn, hội thảo, in ấn, xuất bản 81 công trình lịch sử. Trong đó, cấp tỉnh, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tiến hành hội thảo lần 1, 2 và nghiệm thu cơ sở đề tài Lịch sử ngành Tuyên giáo Đảng bộ tỉnh Phú Yên 1930-2020; hiện đang hoàn tất bộ hồ sơ nghiệm thu cơ sở để gửi Sở KH&CN nghiệm thu chính thức đề tài. Cấp huyện có 5 huyện, thị xã, thành phố, Đảng ủy Khối cơ quan, doanh nghiệp tỉnh triển khai nghiên cứu, biên soạn, xuất bản lịch sử Đảng bộ đơn vị. Cấp xã có 75 xã, phường, thị trấn đã và đang biên soạn và xuất bản lịch sử Đảng bộ địa phương ở cấp mình. Dự kiến cuối năm 2025, 100% xã, phường, thị trấn của tỉnh hoàn thành việc biên soạn lịch sử đảng bộ.