Nâng Bước Người Lao Động: Thạo Cợt - gương sáng trên đất bạn Lào

Không chỉ giỏi nghề, anh Thạo Cợt còn tận tình giúp đỡ bà con nghèo tại địa phương có việc làm để ổn định cuộc sống

Vào làm cao su từ năm 2009, với bản tính cần cù, chịu khó học hỏi, từ một công nhân (CN) trồng mới, chăm sóc cao su, nay anh Thạo Cợt đã là một "tay dao" lành nghề thuộc Đội khai thác 14 - Nông trường Bachiang 4 - Công ty CP Cao su Việt Lào. Nhiều năm liền anh được chọn vào đội tuyển thợ giỏi, tham dự hội thi thợ giỏi khai thác mủ cao su cấp ngành. Cuộc sống ấm no, ổn định nhờ làm CN cao su.

Vượt khó

Huyện Bachiang, tỉnh Champasak - Lào trước đây là một huyện nghèo, đời sống của người dân chủ yếu là trồng trọt hoa màu, thu nhập không ổn định. Hơn 15 năm về trước, khi Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam bắt đầu triển khai trồng cao su tại Lào theo ký kết giữa hai Chính phủ Việt Nam - Lào, nơi đây được chọn là địa điểm thực hiện dự án của tập đoàn. Cũng từ đó, bộ mặt của địa phương này đã thay đổi rõ rệt.

Thu nhập ổn định từ nghề cạo mủ cao su giúp vợ chồng anh Thạo Cợt cải thiện đời sống

Thu nhập ổn định từ nghề cạo mủ cao su giúp vợ chồng anh Thạo Cợt cải thiện đời sống

Anh Thạo Cợt chính là một trong số những lao động bản địa được tuyển dụng vào làm việc tại các nông trường cao su khi dự án trồng cao su bắt đầu được triển khai. Đứng giữa lô cao su xanh mướt, bạt ngàn của Đội khai thác 14, anh Thạo Cợt bồi hồi kể lại: "Tôi được nhận vào làm CN cao su từ những ngày đầu khai hoang trồng mới, nên hiểu rõ những khó khăn, vất vả mà người lao động công ty trải qua".

Theo anh Thạo Cợt, trước khi có cao su, nơi đây là vùng đất bỏ hoang, dân cư thưa thớt, người dân sống chủ yếu theo tập quán du canh, du cư. Công việc chính chỉ là phát nương, làm rẫy, săn bắt... nên cuộc sống nhiều khó khăn, không ổn định.

Khi có dự án trồng cao su, tuyển dụng lao động thì nơi đây có nhiều thay đổi. Cũng như nhiều người khác, ban đầu, nơi anh ở, bà con cũng không ai biết cây cao su là gì chứ chưa nói đến việc chăm sóc. Khi mới vào làm, anh đã được cán bộ kỹ thuật người Việt Nam hướng dẫn tận tình về cách trồng cây sao cho có hiệu quả.

Sau khi thuần thục công việc trồng mới và chăm sóc vườn cây, anh tiếp tục được hướng dẫn cách cạo mủ, quy trình khai thác mủ cao su và được nhận vào làm CN khai thác chính thức cho đến nay.

Giúp dân thoát nghèo

Là người tiên phong đi làm CN cao su, nhận thấy công việc này ổn định và mang lại thu nhập tốt, anh Thạo Cợt bắt đầu hướng dẫn người thân và gia đình cùng vào làm cao su. Vợ anh, chị Nàng Dên, cũng đã theo anh vào nông trường làm việc, được công ty ký hợp đồng chính thức từ năm 2012 đến nay.

Anh Phan Thế Giang, Đội trưởng Đội khai thác 14, cho biết: "Vợ chồng anh Thạo Cợt là gương CN cạo giỏi. Kỹ thuật cạo của anh chị luôn đạt và đúng quy trình khai thác. Anh chị là tấm gương sáng cho nhiều bà con noi theo, làm việc có trách nhiệm, hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao".

Ngoài công việc chính tại đơn vị, anh Thạo Cợt còn là phó bản kiêm trưởng thôn có uy tín, được người dân nể trọng. Nhà anh trồng hơn 2 ha cao su đã vào mùa thu hoạch, 3 ha trồng cây mì cao sản và hơn 200 gốc điều đang cho trái. Hằng năm, nguồn lợi thu về hơn 100 triệu đồng. Cộng thêm thu nhập từ công việc chính, mỗi tháng gần 5 triệu đồng/người, anh chị đang có cuộc sống đủ đầy trong căn nhà mới khang trang nhất nhì bản.

Chị Lương Thị Thanh Đào, Phó Giám đốc Nông trường Bachiang 4, cho biết: "Vợ chồng anh Thạo Cợt rất chịu khó, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao hằng năm. Dù trời nắng hay mưa luôn miệt mài đeo bám vườn cây, bảo đảm cạo đúng, cạo đủ phần cây của mình với chất lượng mủ đạt tiêu chuẩn cao. Là thợ giỏi, có kinh nghiệm, anh Thạo Cợt luôn sẵn sàng chia sẻ, trao đổi với những CN mới, CN còn yếu tay nghề để cùng nhau tiến bộ. Anh chị là tấm gương sáng để CN người bản địa noi theo".

"Không riêng gia đình tôi, mà đời sống của người dân ở Bachiang cũng cải thiện rõ rệt nhờ làm CN cao su" - anh Thạo Cợt chia sẻ.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

Bài và ảnh: PHONG VŨ

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/nang-buoc-nguoi-lao-dong-thao-cot-guong-sang-tren-dat-ban-lao-196241004203501853.htm