Nạn mất cắp cổ vật tại di tích: 'Lắm sãi không ai đóng cửa chùa'?

Tuy dư luận xót xa trước tình trạng hư hỏng khá nghiêm trọng của pho tượng chùa Mễ Sở mới được tìm thấy nhưng điều đau đớn hơn chính là vấn nạn trộm cắp cổ vật vẫn tràn từ năm này sang năm khác.

Cuối cùng bức tượng phật Quan Âm (hay còn gọi tượng Phật nghìn tay nghìn mắt) ở chùa Mễ Sở (Hưng Yên) đã được tìm thấy sau một tuần bị kẻ gian đánh cắp. Dư luận xót xa khi pho tượng được tìm thấy bên vệ đường, trong tình trạng hư hỏng khá nghiêm trọng. Nhiều bộ phận như tay và mũ của tượng bị hư hỏng nặng. Nhưng điều xót xa hơn nữa là vấn nạn nhức nhối này cứ tràn từ năm này sang năm khác. Những cuộc họp bàn, những văn bản chỉ đạo hết cấp này tới cấp khác đều không hạn chế được việc nhiều cổ vật quý không cánh mà bay.

Ngay trên địa bàn thành phố Hà Nội từ năm 2014 tới nay, nhiều vụ mất trộm cũng đã xảy ra. Từ cuối năm 2013 đến năm 2014 chùa Đa Sỹ (quận Hà Đông, Hà Nội) bị trộm đột nhập tới 3 lần và chúng khoắng gần như tất cả từ đỉnh thờ, bát hương cho tới sập gụ cổ. Cũng trong năm 2014, tại chùa Phù Lưu và đình Phù Lưu Hạ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội), kẻ trộm lấy đi “báu vật” trấn chùa là quả chuông cổ nặng 103 kg. Đầu năm nay, chính người viết đã có mấy bài phản ánh về tình trạng mất cổ vật tại chùa Nền (phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội). Đó là chưa kể tới những “điểm nóng” về nạn trộm cổ vật như các tỉnh: Bắc Giang, Hưng Yên …

Nói qua vậy để thấy trường hợp cổ vật bị mất ở chùa Mễ Sở (Hưng Yên) không phải là hi hữu. Ấy nhưng trong tất cả những vụ mất trộm này, chẳng có ai phải chịu trách nhiệm hay có biện pháp nào khả dĩ để khắc phục. Trong khi từ năm 2002, Chỉ thị 05 của Thủ tướng chính phủ về tăng cường quản lý, bảo vệ cổ vật trong di tích đã yêu cầu chính quyền cấp xã, phường không khoán trắng trách nhiệm bảo vệ di tích cho nhân dân địa phương hoặc người được giao trông coi di tích. Khi sự cố xảy ra thì người đứng đầu cấp xã, phường phải chịu trách nhiệm.

Bức tượng nghìn tay nghìn mắt ở chùa Mễ Sở bị hư hỏng nặng sau khi được tìm thấy

Thực tế cho thấy sự tham gia của chính quyền cấp xã, phường vào việc bảo vệ di tích, cổ vật … xem chừng vẫn còn nhiều hạn chế. Bản thân người viết trong một lần tác nghiệp ở một ngôi chùa cổ của tỉnh Hà Tây (cũ) đã gặp phải sự việc đáng suy ngẫm. Người dân nơi đây từ chối trả lời phỏng vấn về di tích vì sợ kẻ trộm biết được thông tin và tới đó trộm cắp. Việc bảo vệ các cổ vật trong di tích vẫn chủ yếu do người dân và người trông nom di tích đảm trách?

Còn nhớ khi xảy ra vụ cổ vật chùa Nền bị mất, bà Trần Thị Tuyết, Phó chủ tịch phường Láng Thượng (quận Đống Đa, Hà Nội) trả lời phóng viên một cách chỏng lỏn rằng: “Chúng tôi đã nhờ công an vào cuộc điều tra và báo cáo lên phòng văn hóa quận rồi”.

Chúng ta phải thừa nhận một điều là những cổ vật ở di tích mang giá trị tâm linh và văn hóa rất lớn. Thế nhưng việc đánh giá đúng giá trị của chúng có vẻ vẫn chưa tương xứng. Thế mới có chuyện dù hệ thống văn bản pháp luật về vấn đề này khá đầy đủ; nhiều cấp, ngành khác nhau cùng tham gia quản lý nhưng nạn mất trộm cổ vật vẫn xảy ra khá thường xuyên. Đúng thật là “lắm sãi không ai đóng cửa chùa”!

Chúng ta hô hào việc tăng cường bảo vệ di tích, hô hào sự tham gia tích cực hơn nữa của chính quyền ở địa phương trong việc bảo vệ cổ vật. Nhưng chúng ta phải làm gì khi mà sau mỗi vụ mất trộm, tất cả đều “hòa cả làng”? PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó chủ tịch hội Di sản văn hóa Việt Nam từng yêu cầu phải truy trách nhiệm đến cùng đối với chính quyền cấp xã, phường khi để xảy ra tình trạng mất trộm cổ vật.

Có lẽ đã đến lúc chúng ta làm như vậy rồi?

Phạm Văn

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/nan-mat-cap-co-vat-tai-di-tich-lam-sai-khong-ai-dong-cua-chua-a301963.html