Năm 'sóng gió' của vàng và tỷ giá
2024 có thể nói là một năm đầy sóng gió của vàng và tỷ giá, với những đợt tăng nóng và giảm mạnh đầy bất ngờ. Kết thúc năm, giá vàng tăng khoảng 15%, tỷ giá USD/VNĐ tăng 4,5%.
Những kỷ lục làm khó nhà điều hành
Năm 2024, giá vàng thế giới đã có hơn 40 lần lập kỷ lục mới. Cụ thể, khởi đầu với mức giá chỉ 2.063USD/ounce, sau đó vàng liên tục tạo đỉnh mới và vọt qua mốc 2.700USD/ounce, đến cuối tháng 10 chạm mức đỉnh lịch sử hơn 2.789USD/ounce.
Xu hướng tạo đỉnh mới chỉ kết thúc vào đầu tháng 11, sau khi ông Donald Trump đắc cử Tổng thống Mỹ, khiến các nhà đầu tư thấy phấn khởi, rời bỏ nơi trú ẩn là vàng. Tại thời điểm 26-12, giá vàng thế giới chỉ ở mức 2.625USD/ounce.
Biến động của giá vàng thế giới đã tác động rất mạnh đến thị trường trong nước. Hồi đầu năm, vàng miếng SJC được mua vào-bán ra ở mức 71-74 triệu đồng/lượng. Tuy nhiên những tháng sau đó, vàng miếng liên tục tăng nóng, đẩy chênh lệch giữa giá vàng miếng và vàng thế giới có lúc lên đến 18 triệu đồng/lượng.
Đến tháng 4, vàng miếng đã đạt mức 84 triệu đồng/lượng, thêm vào đó là hiện tượng người dân đổ xô đi mua vàng, gây tâm lý hoang mang trên thị trường. Ngày 23-4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) bắt đầu can thiệp bằng cách tổ chức đấu thầu bán vàng miếng tăng cung ra thị trường.
Song 9 phiên đấu thầu cung ứng ra thị trường hơn 1,8 tấn vàng vẫn không dập được cơn sốt này. Cụ thể là vàng miếng SJC đã có lúc đạt tới 92,5 triệu đồng/lượng (bán ra) trong tháng 5.
Để thu hẹp nhanh khoảng cách giữa giá vàng trong nước và quốc tế, theo chỉ đạo của Chính phủ, NHNN chuyển sang phương án chưa từng có tiền lệ là bán vàng SJC trực tiếp qua 4 NHTM có vốn nhà nước và công ty SJC, để các đơn vị này bán vàng cho người dân. Tính từ ngày 3-6 đến 29-10, NHNN đã tổ chức 44 phiên bán vàng miếng SJC trực tiếp, cung ứng ra thị trường 305.600 lượng vàng SJC (tương đương khoảng 11,46 tấn vàng).
Tổng cộng, NHNN đã bán ra thị trường gần 13,3 tấn vàng trong năm 2024. Với giải pháp này, khoảng cách chênh lệch giữa giá vàng trong nước và quốc tế từ khoảng 15-18 triệu đồng/lượng đến nay chỉ còn khoảng 3-4 triệu đồng/lượng.
Tương tự vàng, tỷ giá năm 2024 cũng liên tục biến động rất mạnh với nhiều cơn sóng lớn, giá USD nhiều lần lập kỷ lục mới, khiến việc điều hành tỷ giá của NHNN cũng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, đầu quý II, chỉ số US Dollar Index (DXY) tiến lên mốc 105-106 điểm, đã khiến tỷ giá USD/VNĐ nổi sóng trong tháng 4 và kéo dài đến tháng 5.
Giá mua - bán USD tại các NH tăng lên quanh 25.400 đồng/USD, giá USD trên thị trường tự do có thời điểm chạm mức 26.030 đồng/USD, tương ứng với mức tăng gần 5%.
Trước diễn biến căng thẳng của tỷ giá, NHNN đã can thiệp bằng giải pháp bán ngoại tệ và điều tiết thanh khoản hệ thống thông qua thị trường mở, kết hợp với việc tăng lãi suất OMO, tín phiếu với mục đích giữ lãi suất liên NH ở mức cao vừa đủ để hạn chế các giao dịch đầu cơ chênh lệch lãi suất.
Theo ước tính đến ngày 3-7, NHNN đã bán ra khoảng 6,4 tỷ USD nhằm bình ổn tỷ giá. Riêng trong tháng 6, NHNN đã bán ra khoảng 1,9 tỷ USD.
Quý III-2024, tỷ giá đảo chiều giảm nhanh về mức 24.500 đồng/USD, khi chỉ số DXY giảm sâu về dưới 100 điểm trước kỳ vọng Fed hạ lãi suất và bắt đầu chu kỳ nới lỏng tiền tệ. Những tưởng đã có thể “thở phào” với tỷ giá, thì đầu tháng 11, chỉ số DXY bật tăng lại trước những lo ngại về chính sách thuế mới khi ông Donald Trump tái đắc cử, lên trên 107 điểm ngày 23-12.
Theo đó, tỷ giá USD/VNĐ tại các NH đã liên tục niêm yết ở mức sát, thậm chí kịch trần cho phép gần 2 tháng qua. Đặc biệt, trong phiên 18-12, tỷ giá liên NH đã tăng vượt giá bán can thiệp của NHNN lên mức 25.453 đồng/USD.
Những ẩn số năm 2025
Sau một năm đầy biến động, dự báo giá vàng và giá USD năm 2025 sẽ diễn biến thế nào? Trong báo cáo triển vọng giá vàng 2025, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) nhận định, kim loại quý vẫn có tiềm năng tăng giá, nếu nhu cầu của các NH trung ương mạnh hơn dự báo hoặc tình hình tài chính kém đi, kéo nhu cầu trú ẩn lên cao. Dù vậy, mức tăng năm 2025 có thể chậm hơn năm nay.
Bên cạnh đó, nếu làn sóng giảm lãi suất bị đảo ngược, kim loại quý sẽ gặp nhiều thách thức. Theo WGC, tất cả đang chờ nhiệm kỳ 2 của ông Trump để xem kinh tế toàn cầu sẽ ra sao. Trong khi đó, các chuyên gia của J.P. Morgan dự báo, giá vàng có thể đạt mức 2.950 USD/ounce trong năm 2025, thậm chí vượt mốc 3.000 USD/ounce.
Song song đó, các nhóm chuyên gia phân tích khác cũng dự báo lạc quan rằng, giá vàng sẽ chạm mốc 3.000 USD/ounce, nhưng đà tăng sẽ chỉ bắt đầu vào nửa cuối năm sau.
Trong nước, các chuyên gia kinh tế nhận định, thị trường vàng năm 2025 vẫn còn diễn biến khó lường. Giá vàng thế giới tuy đã giảm trở lại, nhưng các vấn đề về địa chính trị trên thế giới vẫn còn căng thẳng, Fed dự kiến tiếp tục giảm lãi suất nhưng duy trì triển vọng thắt chặt trong năm 2025, và ảnh hưởng từ các chính sách của Tổng thống Donald Trump vẫn còn khó đoán định được.
Nhưng nhìn chung, đầu tư vào vàng vẫn nhiều rủi ro, vì mua lúc này có thể chưa phải giá thấp nhất, và cũng chưa chắc giá tăng cao trong tương lai.
Trong khi đó về tỷ giá, mặc dù có nhiều yếu tố hỗ trợ như thặng dư thương mại, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tăng trưởng tích cực, và kiều hối từ người Việt Nam ở nước ngoài, nhưng bước sang năm 2025 vẫn có nhiều thách thức đang chờ đợi.
Cụ thể theo VNDirect, ông Donald Trump có thể mang đến các chính sách thương mại và thuế quan quyết liệt hơn, khiến đồng USD duy trì sức mạnh trong dài hạn. Dù Fed dự kiến cắt giảm lãi suất vào năm 2025, mức độ giảm có thể hạn chế hơn dự báo ban đầu, dẫn đến áp lực tỷ giá với VNĐ vẫn hiện hữu.
Giới chuyên gia cho rằng, sức mạnh đồng USD đang được xem là "ẩn số quan trọng" trong năm 2025 nên cần theo dõi chặt chẽ. Chỉ khi Mỹ giảm lãi suất mạnh và đồng USD có xu hướng giảm giá, Việt Nam mới có thể “nhẹ gánh” về tỷ giá, nhưng nếu ngược lại Mỹ vẫn thực thi chính sách tiền tệ thận trọng như hiện nay, tỷ giá sẽ còn nhiều áp lực.
Bởi dự trữ ngoại hối của Việt Nam hiện nay đã giảm đáng kể sau khi NHNN can thiệp thị trường trong năm 2024.
Sức mạnh đồng USD đang được xem là "ẩn số" quan trọng trong năm 2025. Chỉ khi Mỹ giảm lãi suất mạnh và đồng USD có xu hướng giảm giá, Việt Nam mới có thể “nhẹ gánh” về tỷ giá. Ngược lại, Mỹ vẫn thực thi chính sách tiền tệ thận trọng như hiện nay tỷ giá sẽ còn nhiều áp lực.
Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/nam-song-gio-cua-vang-va-ty-gia-post119401.html