Nam Định tập trung thực hiện nhiệm vụ trọng tâm cuối năm học 2021-2022

Sau khi kết thúc 8 tuần học đầu tiên của học kỳ 2, ngành giáo dục Nam Định đã rút ra một số bài học kinh nghiệm cũng như các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian còn lại của năm học 2021-2022.

GD&TĐ - Sau khi kết thúc 8 tuần học đầu tiên của học kỳ 2, ngành giáo dục Nam Định đã rút ra một số bài học kinh nghiệm cũng như các nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian còn lại của năm học 2021-2022.

Chú trọng công tác phòng dịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục tỉnh Nam Định trong thời gian tới.

Chú trọng công tác phòng dịch là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục tỉnh Nam Định trong thời gian tới.

Khắc phục khó khăn do dịch bệnh

Theo ông Cao Xuân Hùng - Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo (GD&ĐT) tỉnh Nam Định, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 còn diễn biến phức tạp thời gian qua, ngành giáo dục tỉnh vẫn nỗ lực để hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ của học kỳ 1 năm học 2021-2022 và đạt được một số kết quả đáng khích lệ.

Đặc biệt, sau 8 tuần đầu của học kỳ 2, các cơ sở giáo dục đã phối hợp với y tế địa phương triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, xử trí linh hoạt khi có trường hợp F0, F1 tại đơn vị. Phối hợp với ngành Y tế triển khai tiêm vắc xin mũi 3 cho giáo viên, mũi 2 cho học sinh độ tuổi từ 12-17. Đến nay, tỉ lệ tiêm phủ vắcxin mũi 2 cho học sinh khối THCS từ 12-15 tuổi đạt trên 96,8%; khối THPT, GDTX là hơn 97,6%.

Bên cạnh đó, các trường đã tổ chức các kỳ thi, hội thi có nhiều sự đổi mới trên tinh thần thích ứng với tình hình dịch bệnh, đảm bảo an toàn, nghiêm túc. Trong đó, hội thi Hùng biện Tiếng Anh tổ chức trên nền tảng Zoom được phát trực tiếp qua kênh YouTube của Sở GD&ĐT, giám khảo chấm trực tuyến từ nhiều nước trên thế giới. Hội thi có 434 thí sinh (145 tiểu học, 145 THCS, 144 THPT) thuộc 10 phòng GD&ĐT và 47 trường THPT tham dự. Kết thúc hội thi đã có 251 giải cá nhân (28 giải Nhất, 75 giải Nhì, 93 giải Ba, 55 giải Khuyến khích) và 35 giải tập thể.

Với cuộc thi Khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh (kết hợp giữa trực tiếp và trực tuyến), có 55/88 dự án dự thi đạt giải (06 giải Nhất, 10 giải Nhì, 17 giải Ba và 22 giải Tư). Ban tổ chức đã chọn hai dự án của Trường THPT Nguyễn Khuyến và THPT Mỹ Lộc dự thi cấp quốc gia.

Thi chọn học sinh giỏi quốc gia THPT với 92 học sinh dự thi tại trường THPT chuyên Lê Hồng Phong. Kỳ thi chọn học sinh giỏi cấp tỉnh năm nay tăng khối lớp dự thi khi bậc THCS có thêm lớp 8, 9; THPT có lớp 11, 12 với tổng số 3.991 em. Kỳ thi nghề phổ thông được tổ chức thành hai đợt với tổng số 7.338 thí sinh được cấp giấy chứng nhận.

Các trường phổ thông tại Nam Định phải linh hoạt hình thức dạy học giữa trực tiếp và trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Các trường phổ thông tại Nam Định phải linh hoạt hình thức dạy học giữa trực tiếp và trực tuyến do ảnh hưởng của dịch bệnh.

Cũng theo lãnh đạo ngành giáo dục Nam Định, các đơn vị đã triển khai tới toàn bộ cán bộ quản lý, giáo viên nghiên cứu, đánh giá, góp ý, chọn SGK lớp 3, 7 và 10 nghiêm túc, đúng theo quy định của Bộ, Sở, tỉnh. Đối với các trường THPT đang tích cực triển khai xây dựng phương án về các tổ hợp môn học lựa chọn và chuyên đề học tập lựa chọn. Thầy cô sử dụng tài khoản được cấp để bồi dưỡng các mô-đun triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 theo quy định.

Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, dịch Covid-19 bùng phát mạnh trên địa bàn tỉnh khiến nhiều giáo viên, học sinh trở thành F0, F1 dẫn tới các trường phải liên tục chuyển đổi hình thức dạy học giữa trực tiếp và trực tuyến. Việc quản lý chất lượng dạy học của nhà trường gặp nhiều khó khăn; nhiều giáo viên khá vất vả chuẩn bị cho các bài dạy do vừa dạy học trực tiếp và trực tuyến.

Tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm

Với những kết quả đạt được qua 8 tuần đầu học kỳ 2, ngành giáo dục Nam Định cũng vạch ra một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian còn lại của năm học 2021-2022. Trong đó ưu tiên triển khai các biện pháp bảo đảm công tác phòng chống dịch khoa học, an toàn, hiệu quả tại các cơ sở giáo dục khi học sinh học trực tiếp; căn cứ vào tình hình thực tiễn để tổ chức hình thức dạy học cho phù hợp, không để học sinh học trực tuyến kéo dài; thực hiện kiểm tra, đánh giá các tác động tiêu cực của việc học trực tuyến, đặc biệt là đối với trẻ em để có giải pháp phù hợp.

Tiếp tục thực hiện kế hoạch giáo dục linh hoạt, thích ứng để đảm bảo nội dung, tiến độ thực hiện chương trình và mục tiêu chất lượng giáo dục. Đối với các trường mầm non tiếp tục phối hợp chặt chẽ với gia đình để chăm sóc, giáo dục trẻ; lựa chọn những nội dung giáo dục cốt lõi trẻ em mẫu giáo 5 tuổi, chuẩn bị cho trẻ có tâm thế tốt để vào học lớp 1.

Các hoạt động giáo dục trong 8 tuần đầu học kỳ 2 năm học 2021-2022 được các trường thực hiện nghiêm túc.

Các hoạt động giáo dục trong 8 tuần đầu học kỳ 2 năm học 2021-2022 được các trường thực hiện nghiêm túc.

Triển khai các hoạt động đẩy mạnh giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho học sinh, sinh viên. Tổ chức các sân chơi thu hút học sinh, xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh phòng, chống bạo lực học đường.

Các trường tiến hành đánh giá định kì cuối năm học theo quy định. Tăng cường dạy học, ôn tập cho học sinh khối 12 dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, thi thử tốt nghiệp THPT. Tổ chức xét công nhận hoàn thành chương trình tiểu học, tốt nghiệp THCS, tốt nghiệp THPT theo quy chế và hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Làm tốt công tác phân luồng, tư vấn hướng nghiệp; phối hợp giữa trường THCS với các trung tâm GDTX, GDNN-GDTX trong tư vấn, định hướng học nghề cho học sinh sau khi tốt nghiệp THCS.

Tiếp tục triển khai kế hoạch, lộ trình bồi dưỡng, đào tạo nâng chuẩn cho giáo viên theo Kế hoạch số 91/KH-UBND của UBND tỉnh; bồi dưỡng giáo viên để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở các cấp học; tăng cường công tác tự học, tự bồi dưỡng. Thực hiện đổi mới, sắp xếp bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ; thực hiện Nghị định số 120/2020/NĐ-CP ngày 07/10/2020 của Chính phủ; chuẩn bị đội ngũ giáo viên cho năm học 2022-2023.

Ngoài ra, Sở GD&ĐT Nam Định yêu cầu các đơn vị triển khai đồng bộ các phần mềm trong quản lý và giảng dạy; xây dựng và triển khai đề án “Xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu ngành giáo dục tỉnh Nam Định”. Nghiên cứu, ứng dụng các phần mềm, thiết bị công nghệ thông tin trong hỗ trợ tổ chức thi; hoàn thiện phần mềm xét tốt nghiệp THCS trực tuyến; xây dựng phần mềm đăng ký dự thi tuyển sinh lớp 10 THPT theo hình thức trực tuyến. "Cần đẩy mạnh công tác truyền thông trong giáo dục, nhất là truyền thông kỳ thi tốt nghiệp THPT, kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm 2022, việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, kế hoạch phát triển giáo dục mầm non, phổ thông giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn 2030 của tỉnh" - Giám đốc Cao Xuân Hùng nhấn mạnh.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/giao-duc/nam-dinh-trien-khai-mot-so-nhiem-vu-trong-tam-cuoi-nam-hoc-2021-2022-mp38YCEng.html