Nam Định: Hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp
Bằng các biện pháp đồng bộ, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh Nam Định đã nỗ lực hỗ trợ tối đa cho sự phát triển của doanh nghiệp, đúng theo phương châm 'thành công của doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng chính là thành công của tỉnh', góp phần tăng nhanh nội lực cho nền kinh tế.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Nam Định, 8 tháng năm 2024, toàn tỉnh có 949 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 39.385 tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký 12.702 lao động, tăng 13,9% về số doanh nghiệp, gấp 4,7 lần về vốn đăng ký và giảm 22,5% về số lao động so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt 42 tỷ đồng, gấp 4,1 lần so với cùng kỳ năm 2023.
Bên cạnh đó, có 309 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 1% so với cùng kỳ năm trước. Số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2024 đạt 1.258 doanh nghiệp, tăng 10,2%. Bình quân một tháng có 157 doanh nghiệp thành lập mới và quay trở lại hoạt động.
Để đạt được kết quả đó, bên cạnh việc duy trì hỗ trợ nhóm doanh nghiệp đang hoạt động, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh Nam Định luôn quan tâm hỗ trợ nhóm doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng nhà xưởng, các doanh nghiệp mới đưa nhà máy vào vận hành sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh đó, tập trung giải quyết hiệu quả nhu cầu, mong muốn chủ yếu của doanh nghiệp và các lĩnh vực như: Xây dựng, bảo vệ môi trường, tiếp cận tín dụng, tìm kiếm khách hàng, ổn định chính sách và nâng cao hiệu quả thực thi của đội ngũ cán bộ các cấp.
Đặc biệt, 8 tháng năm 2024, Nam Định đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 24 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 181,3 triệu USD, trong đó cấp mới cho 17 dự án FDI với tổng số vốn đăng ký 151,9 triệu USD.
Thời gian tới, Nam Định tiếp tục tập trung chỉ đạo, đôn đốc các sở, ngành, địa phương và đơn vị liên quan thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch để làm cơ sở hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư.
Cùng với đó, các ngành, các địa phương trong tỉnh cũng tích cực đổi mới chiến lược hỗ trợ thúc đẩy phát triển doanh nghiệp theo hướng: Duy trì phát triển các doanh nghiệp sản xuất trong các lĩnh vực công nghiệp giữ vai trò chủ đạo, xương sống của tỉnh như: Dệt may, cơ khí chế tạo và gia công kim loại, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ xuất khẩu, sản xuất thuốc, hóa dược, dược liệu, sản xuất da giày và các sản phẩm liên quan, sản xuất, chế biến nông, lâm, thủy sản và đồ uống.
Đồng thời, quan tâm hỗ trợ nhóm doanh nghiệp đang đầu tư xây dựng nhà xưởng, các doanh nghiệp mới đưa nhà máy vào vận hành sản xuất, kinh doanh, nhất là các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư các dự án quy mô lớn, tiêu biểu.
Riêng nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa, nhất là những doanh nghiệp khởi sự, doanh nghiệp chuyển đổi từ hộ kinh doanh cá thể để gia nhập thị trường, mở rộng quy mô được các ngành, các địa phương hỗ trợ tham gia nhiều chương trình, dự án góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thị trường và sản phẩm mới, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp theo Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa và theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ./.