Năm 2025: Tìm kiếm động lực hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8%

Chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo là các 'từ khóa' đang được nhắc khi nói về tương lai kinh tế. Năm 2025 kỳ vọng sẽ đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam với sự hỗ trợ đắc lực từ công nghệ 4.0.

Năm 2024, kinh tế Việt Nam chứng kiến nhiều bứt phá. (Ảnh: Vietnam+)

Năm 2024, kinh tế Việt Nam chứng kiến nhiều bứt phá. (Ảnh: Vietnam+)

Giữa những biến động địa chính trị, cuộc đua công nghệ và áp lực lạm phát toàn cầu, kinh tế Việt Nam năm 2025 được dự báo sẽ đối mặt với cả thách thức và cơ hội. Đâu là những động lực tăng trưởng chính và Việt Nam cần làm gì để tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn?

Ông Lương Văn Khôi, Phó Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã có cuộc trao đổi với VietnamPlus về đánh giá kinh tế năm 2024 và triển vọng trong năm 2025.

Nhiều bứt phá

- Xin ông chia sẻ những đánh giá về tình hình kinh tế Việt Nam năm 2024?

Ông Lương Văn Khôi: Năm 2024, kinh tế Việt Nam chứng kiến nhiều bứt phá. Đầu tiên phải kể đến sự điều hành quyết liệt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, đặc biệt trong việc tháo gỡ khó khăn cho giải ngân vốn đầu tư công. Kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng mạnh mẽ trong 11 tháng đầu năm, vượt năm 2023 và gần bằng năm 2022. Tôi đánh giá kinh tế Việt Nam năm nay sẽ tăng trưởng khoảng 7,25%, nhờ sự điều hành hiệu quả của Chính phủ cũng như nhu cầu thế giới tăng mạnh bất chấp biến động chính trị.

Thứ hai, dòng vốn đầu tư, đặc biệt là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có dấu hiệu phục hồi tích cực. Cụ thể, giải ngân vốn FDI ghi nhận trên 21 tỷ USD trong 11 tháng qua.

Tỷ lệ doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cũng giảm so với tỷ lệ đăng ký mới. Đáng chú ý, khu vực đầu tư tư nhân tăng trưởng mạnh mẽ, quanh mức 50% trong những năm gần đây, nhờ đó bù đắp cho sự sụt giảm đầu tư từ khu vực Nhà nước và FDI do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và biến động địa chính trị.

 Ông Khôi đánh giá kinh tế Việt Nam cả năm 2024 sẽ tăng trưởng khoảng 7,25%, nhờ sự điều hành hiệu quả của Chính phủ cũng như nhu cầu thế giới tăng mạnh bất chấp biến động chính trị. (Ảnh: Vietnam+)

Ông Khôi đánh giá kinh tế Việt Nam cả năm 2024 sẽ tăng trưởng khoảng 7,25%, nhờ sự điều hành hiệu quả của Chính phủ cũng như nhu cầu thế giới tăng mạnh bất chấp biến động chính trị. (Ảnh: Vietnam+)

Bên cạnh đó, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đẩy mạnh từ Trung ương đến địa phương, đây một trong những yếu tố kích thích tăng trưởng. Tôi tính toán rằng trong những ngành công nghiệp nền tảng, chủ lực và mũi nhọn, các doanh nghiệp thực hiện tự động hóa sẽ có năng suất cao (như ngành thép năng suất tăng tới 50%). Hơn nữa, nhu cầu tiêu dùng trong nước cũng tăng, kéo theo thu nhập và năng suất lao động cải thiện so với thời kỳ COVID-19.

- Bên cạnh những điểm tích cực, đâu là những tồn tại của nền kinh tế trong năm?

Ông Lương Văn Khôi: Vấn đề lớn nhất vẫn là giải ngân vốn đầu tư. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư xã hội và vốn đầu tư công 11 tháng đầu năm mới đạt lần lượt trên 73% và trên 54%. Việc đạt được mục tiêu kế hoạch đề ra cho cả năm là một thách thức, dù đã có sự quyết liệt trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân ở các địa phương trọng điểm như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh.

Thêm vào đó, khu vực kinh tế trong nước chưa đóng góp tỷ trọng lớn trong tăng trưởng. Đáng lưu ý, các khu vực kinh tế “đầu tàu” (như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Bà Rịa-Vũng Tàu) đang giảm dần tỷ trọng đóng góp trong tổng GDP hiện nay. Nguyên nhân xuất phát từ các “đầu tàu” đã tới hạn đồng thời đã xuất hiện sự vươn lên của các địa phương khác.

Mặt khác, hiệu quả doanh nghiệp là rất quan trọng. Theo tính toán của CIEM, hiệu quả kinh doanh nghiệp đã tăng lên gần gấp đôi so với 10 năm trước, nhưng mức độ này nhìn chung chưa đạt kỳ vọng. Cụ thể, các ngành da giày, điện tử, may mặc… là lĩnh vực xuất khẩu chủ lực và mang về giá trị ngoại hối lớn, song hiệu quả kinh doanh chỉ đạt khoảng 50% (xét theo hiệu quả kỹ thuật và hiệu quả quy mô). Nguyên nhân đến từ những yếu tố nội tại doanh nghiệp (như chất lượng nguồn nhân lực, quản lý…), cộng thêm các yếu tố bên ngoài (như môi trường đầu tư kinh doanh, những cú sốc tại thị trường toàn cầu và phản ứng của Việt Nam trước những cú sốc…). Hơn nữa, các ngành công nghiệp vẫn chủ yếu là đang gia công và giá trị mang lại thấp. Nếu khai thông được hiệu quả doanh nghiệp thì Việt Nam có thể đạt được tăng trưởng hai con số, không có gì khó khăn.

Mục tiêu tăng trưởng GDP 8%

- Vậy triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2025 sẽ ra sao, thưa ông?

Ông Lương Văn Khôi: Với mục tiêu tăng trưởng GDP 8%, tôi cho rằng Việt Nam có nhiều cơ hội đạt được. Xuất khẩu dự kiến tiếp tục tăng trưởng nhờ hệ thống các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt là các FTA thế hệ mới. Nhiệm kỳ mới của Tổng thống Mỹ Donald Trump dù có thể mang đến những chính sách ảnh hưởng đến Việt Nam, nhưng cũng mở ra cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển từ các nước trong khu vực. Chính phủ cũng đang đẩy mạnh thu hút FDI chất lượng cao vào các ngành công nghiệp mới (như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo-AI).

Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng. Việc ban hành Nghị định về AI sắp tới, cùng với Nghị định 52 về chuyển đổi số, sẽ tạo khung pháp lý thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ 4.0, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

 Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng. (Ảnh: Vietnam+)

Chuyển đổi số và trí tuệ nhân tạo sẽ là động lực tăng trưởng quan trọng. (Ảnh: Vietnam+)

Trên nền tảng đó, chúng ta cần đầu tư mạnh mẽ hơn vào nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Trong năm tới, vốn đầu tư tư nhân dự kiến tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ. Đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, đặc biệt là các dự án lớn như đường sắt Bắc-Nam, điện hạt nhân, sẽ tạo động lực tăng trưởng mới. Đặc biệt trong năm 2025, 63 tỉnh thành sẽ thực hiện đồng loạt quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội, đây cũng là yếu tố hỗ trợ tích cực. Trong bối cảnh Chính phủ đang thực hiện tinh gọn bộ máy, đó sẽ là tiền đề rất tốt để kinh tế tăng trưởng trong năm 2025.

- Chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump sẽ tác động như thế nào đến kinh tế Việt Nam, thưa ông?

Ông Lương Văn Khôi: Chính sách của Mỹ có ảnh hưởng đáng kể đến Việt Nam vì đây là thị trường xuất khẩu lớn với thặng dư thương mại cao. Do đó, việc áp thuế lên hàng hóa xuất siêu vào Mỹ có thể gây khó khăn hay việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris cũng đặt ra thách thức cho cam kết Net Zero 2050 của Việt Nam.

Về chính sách tiền tệ, ông Trump kế thừa khoản nợ Chính phủ rất lớn. Vì vậy, không gian chính sách tài khóa sẽ hướng tới thu hút với chính sách tiền tệ nới lỏng. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tỷ giá hối đoái và xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.

Tuy nhiên, chính sách cứng rắn của Mỹ với Trung Quốc có thể tạo cơ hội cho Việt Nam thu hút dòng vốn đầu tư dịch chuyển. Việt Nam có thể trở thành trung tâm sản xuất mới, thu hút đầu tư vào cả lĩnh vực công nghệ cao và các lĩnh vực khác.

- Xin cảm ơn ông!

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/nam-2025-tim-kiem-dong-luc-huong-toi-muc-tieu-tang-truong-8-post1002329.vnp