Năm 2024, tòa án các cấp thụ lý, giải quyết vụ việc đạt tỷ lệ 89,72%
Năm 2024, các tòa án đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, góp phần vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước, bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Chiều 13/12, Tòa án nhân dân tối cao tổ chức Hội nghị triển khai công tác Tòa án năm 2025. Đồng chí Lê Minh Trí, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) chủ trì Hội nghị.
Hội nghị có nhiệm vụ tổng kết tình hình thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024; thảo luận đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2025.
So với năm 2023, số vụ việc giải quyết tăng cao hơn 0,56%
Báo cáo kết quả thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2024 cho thấy, năm 2024, Tòa án các cấp đã thụ lý 653.082 vụ việc, đã giải quyết được 585.932 vụ việc (đạt tỷ lệ 89,72%; cao hơn năm trước 0,56%).
So với năm 2023, số vụ việc đã thụ lý tăng 46.873 vụ việc (tăng 7,73%); đã giải quyết tăng 45.442 vụ việc (tăng 8,4%). Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,77%, thấp hơn năm trước 0,12%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội và Tòa án đề ra (không quá 1,5%).
Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo được Tòa án các cấp tổ chức xét xử nghiêm túc, đúng tiến độ, đúng pháp luật, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.
Các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh theo dõi, chỉ đạo được đẩy nhanh tiến độ, xử lý nghiêm minh, bảo đảm đúng tiến độ, yêu cầu. Các Tòa án đã phối hợp tốt với liên ngành tố tụng ở Trung ương chỉ đạo giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong quá trình giải quyết các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo.
Trong năm 2024, các Tòa án phải triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, thách thức nhưng với việc quán triệt và tích cực triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp căn cơ hiệu quả nên kết quả đạt được trên các mặt công tác cơ bản đáp ứng được yêu cầu đặt ra.
Tòa án nhân dân các cấp đã phối hợp Viện Kiểm sát tổ chức 21.261 phiên tòa rút kinh nghiệm (tăng 4.168 phiên tòa so với năm trước), qua đó giúp các Thẩm phán đề cao tinh thần trách nhiệm trong chuẩn bị xét xử, nâng cao kinh nghiệm tổ chức phiên tòa. Chất lượng giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm có tiến bộ, tỷ lệ giải quyết đạt 63,32%, tăng 0,13% so với năm 2023 và vượt 3,32% chỉ tiêu Tòa án đề ra.
Tòa án nhân dân tối cao đã chỉ đạo Tòa án các cấp tiếp tục làm tốt công tác hòa giải đối thoại theo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án. Công tác xây dựng pháp luật và hướng dẫn áp dụng thống nhất pháp luật; công tác thi hành án hình sự; công tác tổ chức, cán bộ; công tác xây dựng và hướng dẫn áp dụng pháp luật; công tác đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ… được thực hiện hiệu quả và có nhiều chuyển biến tích cực.
Tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính-tư pháp
Nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế và hoàn thành tốt các chỉ tiêu, yêu cầu các Nghị quyết của Quốc hội đề ra, ngành Tòa án nhân dân xác định trong năm 2025: Tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng; phẩm chất đạo đức; ý thức tổ chức kỷ luật; tinh thần trách nhiệm; bản lĩnh chính trị và đạo đức nghề nghiệp cho cán bộ, công chức. Quán triệt phương châm hành động “Đoàn kết, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính, đổi mới, vượt khó và hiệu quả” đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức Tòa án.
Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ và nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử các loại vụ việc; phấn đấu đạt và vượt các chỉ tiêu công tác theo Nghị quyết của Quốc hội.
Khắc phục triệt để việc để các vụ án quá thời hạn xét xử do nguyên nhân chủ quan; bảo đảm xét xử nghiêm minh, khách quan, công bằng, đúng pháp luật, không để xảy ra oan, sai, bỏ lọt tội phạm.
Thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong xét xử các vụ án, bảo đảm xử lý nghiêm các đối tượng chủ mưu, cầm đầu, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, tăng cường các biện pháp nhằm thu hồi tài sản cho nhà nước. Tích cực triển khai thi hành Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án để góp phần giảm áp lực công việc của các Tòa án.
Kiện toàn tổ chức bộ máy thanh tra để tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu quả, chất lượng công tác kiểm tra, thanh tra. Thực hiện nghiêm quy định về xử lý trách nhiệm của người đứng đầu đối với các vi phạm của công chức, viên chức, người lao động trong phạm vi quản lý và thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong nội bộ ngành.
Tiếp tục chỉ đạo công tác phối hợp các cơ quan tư pháp, nhất là Cơ quan thi hành án dân sự, Viện kiểm sát nhân dân cùng cấp rà soát, xác định, xử lý khắc phục các bản án, quyết định tuyên không rõ, khó thi hành; coi đây là một trong những nhiệm vụ phải thực hiện tốt hơn trong thời gian tới.
Tiếp tục đổi mới thủ tục hành chính - tư pháp, bảo đảm công khai minh bạch các hoạt động của Tòa án; tập trung hoàn thiện mô hình tổ chức và hoạt động của bộ phận “hành chính tư pháp” để thực hiện cơ chế một cửa liên thông và đơn giản hóa việc tiếp nhận, hướng dẫn giải quyết yêu cầu của các cơ quan, tổ chức, công dân trước và sau các phiên tòa; tiếp tục đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong ngành.