Mỹ triệt phá nhóm tội phạm lừa chính phủ 6 tỷ USD, Ukraine phản công, bắn hạ loạt UAV Nga; Mỹ-Nhật-Hàn phối hợp chặt sau vụ Triều Tiên phóng tên lửa
Argentina - Mỹ tập trận hải quân chung, Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa không đối đất bản địa, Trung Quốc phản đối Mỹ can thiệp nội bộ Cuba, Iran loại trừ âm mưu phá hoại trong vụ tai nạn trực thăng, Bắc Kinh kêu gọi tổ chức hội nghị hòa bình Trung Đông... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Nga - Ukraine
*Nga tuyên bố bắn hạ hàng loạt tên lửa ATACMS trên Biển Azov: Hãng thông tấn TASS dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết lực lượng phòng không nước này đã bắn hạ 8 tên lửa ATACMS trên Biển Azov và chặn 8 phương tiện bay không người lái ở khu vực gần Crimea trên Biển Đen trong ngày 30/5.
Sáng cùng ngày, trên trang Telegram, một quan chức do Nga bổ nhiệm ở Crimea xác nhận các mảnh vỡ từ tên lửa Ukraine bị bắn hạ đã rơi trúng một cơ sở vận tải ở thành phố Kerch của Nga làm hư hại 2 chiếc phà.
Quan chức phụ trách giao thông ở Crimea khẳng định không có thương vong, nhưng hoạt động của phà đã bị đình chỉ để đánh giá thiệt hại. (Reuters)
*Nga tăng cường tấn công Kharkov bằng tên lửa: Giới chức địa phương cho biết các lực lượng Nga đã tấn công Kharkov - thành phố lớn thứ hai của Ukraine - bằng một loạt tên lửa vào lúc sáng sớm 30/5.
Trên trang Telegram, Thị trưởng Kharkov - ông Ihor Terekhov - xác nhận cuộc tấn công khiến ít nhất 4 người bị thương, 1 đường ống dẫn khí đốt bị hư hỏng và nhiều cửa sổ bị vỡ.
Trong khi đó, Thống đốc khu vực Kharkov - ông Oleh Syniehubov - thông báo 8 tên lửa đã được phóng vào thành phố này, vốn là mục tiêu thường xuyên của Nga trong những tuần gần đây. (Sputniknews)
*Ukraine phản công, bắn hạ hàng loạt tên lửa và UAV Nga: Chỉ huy Không quân Ukraine tuyên bố các hệ thống phòng không của nước này đã bắn hạ 7 tên lửa và 32 phương tiện bay không người lái (UAV) của Nga trong đêm 29, rạng sáng 30/5.
Trên trang Telegram, chỉ huy Không quân Ukraine cho biết Nga đã phóng tổng cộng 51 tên lửa và UAV vào “các vị trí quân sự và cơ sở hạ tầng quan trọng ở Ukraine”, song không cung cấp thêm thông tin chi tiết.
Thị trưởng Kharkov ở miền Đông Ukraine - ông Ihor Terekhov - xác nhận cơ sở hạ tầng quan trọng trong thành phố đã bị pháo kích đêm qua và 4 người bị thương. (Reuters)
*Nga coi kế hoạch cung cấp F-16 cho Ukraine là tín hiệu “hạt nhân” từ NATO: Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 30/5 tuyên bố Moscow coi kế hoạch cung cấp máy bay chiến đấu F-16 cho Ukraine là “hành động báo hiệu” của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trong lĩnh vực hạt nhân.
Trả lời phỏng vấn hãng thông tấn RIA ngày 30/5, Ngoại trưởng Lavrov nêu rõ: “Họ đang cố gắng truyền đạt cho chúng tôi rằng Mỹ và NATO sẽ không dừng lại ở Ukraine”. Trước đó, người đứng đầu ngành ngoại giao Nga lưu ý mẫu tiêm kích F-16 có khả năng mang vũ khí hạt nhân. (Reuters)
Châu Á – Thái Bình Dương
*Mỹ cáo buộc Trung Quốc ủng hộ cuộc chiến của Nga ở Ukraine: Washington ngày 29/5 cáo buộc lãnh đạo Trung Quốc ủng hộ chiến dịch đặc biệt của Nga ở Ukraine và cảnh báo rằng Bắc Kinh có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt tiếp theo của Washington và các nước thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) khác.
Theo ông Kurt Campbell, sự hỗ trợ của Bắc Kinh đang giúp Moscow khôi phục các năng lực của quân đội, bao gồm các khả năng về tên lửa tầm xa, pháo binh và máy bay không người lái, cũng như khả năng theo dõi các biến động trên chiến trường.
Tháng trước, Mỹ đã áp đặt trừng phạt 20 công ty có trụ sở tại Trung Quốc và Hong Kong, sau nhiều lần cảnh báo về sự hỗ trợ của Trung Quốc cho quân đội Nga.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết Bắc Kinh giám sát việc xuất khẩu các mặt hàng lưỡng dụng phù hợp với luật pháp và quy định, đồng thời nhấn mạnh rằng các tương tác kinh tế và thương mại bình thường giữa Trung Quốc và Nga phù hợp với các quy định và nguyên tắc thị trường của Tổ chức Thương mại Thế giới. (AFP)
*Ấn Độ phóng thử thành công tên lửa không đối đất bản địa: Ngày 29/5 (giờ địa phương) Bộ Quốc phòng Ấn Độ thông báo nước này đã thử nghiệm thành công tên lửa không đối đất RudraM-II từ máy bay Su-30 MK-I của lực lượng không quân. Vụ phóng thử diễn ra ngoài khơi bờ biển Odisha, miền Đông Ấn Độ vào khoảng 11h30 sáng.
Trên mạng xã hội X, Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng (DRDO) thông báo rằng cuộc thử nghiệm đã đáp ứng tất cả các mục tiêu đặt ra. Theo Bộ Quốc phòng Ấn Độ, RudraM-II là hệ thống tên lửa bản địa được phóng từ trên không, sử dụng nhiên liệu rắn. Tên lửa này có thể vô hiệu hóa nhiều loại khí tài của đối phương. Một số công nghệ bản địa tiên tiến nhất được các phòng thí nghiệm DRDO phát triển đã được tích hợp vào hệ thống tên lửa này. (Sputniknews)
*Trung Quốc phản đối EU điều tra trợ cấp thuế đối với xe điện: Ngày 30/5, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này kêu gọi Ủy ban châu Âu (EC) chấm dứt điều tra thuế đối với xe điện Trung Quốc, gọi đây là điều "vô lý" và không phù hợp với các quy định quốc tế.
Tháng 10/2023, EC đã mở cuộc điều tra nghi vấn xe điện chạy pin sản xuất tại Trung Quốc được nhận trợ cấp thuế. Tuy nhiên, EC đã hoãn đưa ra quyết định về thuế tới sau cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vào ngày 9/6 tới.
Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc nhấn mạnh Trung Quốc hy vọng Liên minh châu Âu (EU) tính đến mối quan tâm của tất cả các lĩnh vực và giải quyết các xung đột kinh tế và thương mại với Bắc Kinh thông qua tham vấn. (Reuters)
*Hàn, Mỹ, Nhật nỗ lực phối hợp sau vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên: Các đặc phái viên hạt nhân của Hàn Quốc, Mỹ và Nhật Bản ngày 30/5 đã thảo luận về nỗ lực chung sau khi Triều Tiên phóng nhiều tên lửa đạn đạo tầm ngắn.
Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho hay ông Lee Jun-il, Tổng giám đốc chính sách Bán đảo Triều Tiên, đã chia sẻ đánh giá về các vụ phóng tên lửa mới nhất với những người đồng cấp là Jung Pak (Mỹ) và Yukiya Hamamoto (Nhật Bản), đồng thời giải thích về vụ Triều Tiên thả bóng bay và cố tình gây nhiễu tín hiệu GPS của Hàn Quốc.
Trước đó cùng ngày, quân đội Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã phóng khoảng 10 tên lửa đạn đạo tầm ngắn ra vùng biển phía Đông, 1 ngày sau khi Bình Nhưỡng cho thả hàng trăm quả bóng bay lớn vào Hàn Quốc. (Yonhap)
Châu Âu
*Nga tung đòn răn đe hạt nhân nếu Mỹ triển khai tên lửa ở Âu-Á: Hãng thông tấn RIA dẫn lời Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow có thể thực hiện các bước đi trong lĩnh vực răn đe hạt nhân nếu Mỹ triển khai tên lửa tầm trung và tầm ngắn ở châu Âu và châu Á.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi năm 2022, Moscow đã nhiều lần cảnh báo về tình trạng rủi ro hạt nhân gia tăng - những cảnh báo mà Washington cho rằng cần phải xem xét một cách nghiêm túc, mặc dù giới chức Mỹ khẳng định không phát hiện bất kỳ thay đổi nào trong lập trường hạt nhân của Nga. (TASS)
*Xả súng ở thủ đô London: Ngày 29/5, một vụ xả súng kinh hoàng đã xảy ra ở thủ đô London của Anh khiến 4 người bị thương, trong đó có 1 trẻ em nhập viện trong tình trạng nguy kịch.
Cảnh sát đã nhận được cuộc gọi vào khoảng 21h30 tối cùng ngày báo cáo về một vụ nổ súng gần nhà hàng Evin trên phố Kingsland chạy qua khu vực Hackney và Dalston. Nhân chứng cho biết một chiếc xe máy lao tới, người trên xe đã xả súng về phía các thực khách trước khi phóng đi.
Lực lượng ứng phó khẩn cấp đã có mặt tại hiện trường, phát hiện 3 người lớn và một trẻ em bị thương do trúng đạn. Tất cả nạn nhân đã được chuyển đến bệnh viện ở phía Đông London. (AP)
*Pháp 'có thể" công nhận nhà nước Palestine: Văn phòng Tổng thống Pháp cho biết ngày 29/5, Tổng thống Emmanuel Macron đã kêu gọi người đứng đầu Chính quyền Palestine Mahmud Abbas thực hiện những cải cách cần thiết, đồng thời nêu triển vọng công nhận nhà nước Palestine của Paris.
Trong cuộc điện đàm với ông Abbas, Tổng thống Macron nhấn mạnh Paris ủng hộ "một chính quyền Palestine được cải cách, củng cố và có thể thực thi trách nhiệm trên khắp các vùng lãnh thổ của Palestine, bao gồm cả Dải Gaza".
Cùng ngày, văn phòng của ông Mahmud Abbas cho biết trong cuộc điện đàm, nhà lãnh đạo này nhấn mạnh chính quyền Palestine cam kết thực hiện cải cách, đồng thời kêu gọi các quốc gia châu Âu khác công nhận nhà nước Palestine.
Trước đó, ngày 28/5, Tây Ban Nha, Ireland và Na Uy đã chính thức công nhận nhà nước Palestine. Tổng thống Macron cho biết ông sẵn sàng công nhận một nhà nước Palestine, nhưng sẽ được đưa ra "vào thời điểm hữu ích" và không "cảm tính". (AFP)
Trung Đông – châu Phi
*Iran loại trừ âm mưu phá hoại trong vụ tai nạn trực thăng chở Tổng thống Raisi: Truyền thông địa phương ngày 29/5 đưa tin Iran loại trừ khả năng xảy ra một vụ nổ phá hoại dẫn đến vụ rơi trực thăng chở Tổng thống Ebrahim Raisi và đoàn tùy tùng ngày 19/5.
Theo hãng Thông tấn nhà nước Iran (IRNA), Bộ Tổng tham mưu Lực lượng vũ trang Iran đã công bố báo cáo thứ hai về nguyên nhân vụ tai nạn máy bay trực thăng khiến Tổng thống Raisi và một số quan chức Iran thiệt mạng.
Báo cáo cho biết dựa trên kết quả kiểm tra các mảnh vỡ và các bộ phận còn lại của chiếc trực thăng, cũng như cách các mảnh vỡ nằm rải rác tại hiện trường và khoảng cách của chúng với thân máy bay, không có khả năng xảy ra một vụ nổ do hành động phá hoại trong chuyến bay hoặc trước khi chiếc trực thăng đâm vào núi.
Không có dấu hiệu nào cho thấy một hành động chiến tranh điện tử trên chiếc trực thăng, và cần điều tra thêm về điều kiện thời tiết trong thời gian xảy ra vụ tai nạn.
Theo báo cáo, tổng trọng lượng của hành khách và thiết bị trên máy bay tương ứng với giới hạn tải trọng tối đa của trực thăng tại thời điểm cất cánh và trong suốt chuyến bay. (IRNA)
*Trung Quốc kêu gọi tổ chức hội nghị hòa bình Trung Đông: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 30/5 đã kêu gọi tổ chức hội nghị hòa bình về cuộc chiến Hamas-Israel.
Phát biểu tại Diễn đàn Hợp tác Trung Quốc-Arab, ông Tập Cận Bình nêu rõ Bắc Kinh ủng hộ hội nghị hòa bình “trên diện rộng” để giải quyết xung đột. Nhà lãnh đạo Trung Quốc chia sẻ: “Trung Đông là vùng đất có nhiều triển vọng phát triển, nhưng chiến tranh vẫn đang tiếp diễn. Chiến tranh không nên tiếp tục vô thời hạn. Công lý không nên vắng bóng mãi mãi”.
Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh Bắc Kinh “ủng hộ tư cách thành viên đầy đủ của Palestine tại Liên hợp quốc và ủng hộ hội nghị hòa bình quốc tế có thẩm quyền và hiệu quả hơn”. (AFP)
Châu Mỹ - Mỹ Latinh
*Mỹ triệt phá mạng lưới tội phạm lừa chính phủ 6 tỷ USD: Bộ Tư pháp Mỹ (DOJ) ngày 29/5 (giờ địa phương) cho biết một người đàn ông Trung Quốc đã bị bắt ở Singapore với khối tài sản trị giá hàng triệu USD trong chiến dịch triệt phá mạng lưới tội phạm toàn cầu đã lừa Chính phủ Mỹ hàng tỷ USD.
Theo thông báo, đối tượng YunHe Wang, 35 tuổi, bị bắt hôm 24/5 với cáo buộc cầm đầu mạng lưới chuyên dùng máy tính cài mã độc để đe dọa đánh bom, lừa đảo tài chính, quấy nhiễu và vi phạm quy định xuất cảnh. Đường dây của Wang đã nộp hàng chục nghìn đơn xin trợ cấp giả mạo trong thời kỳ đại dịch COVID-19, làm Chính phủ Mỹ thiệt hại khoảng 5,9 tỷ USD.
Chính phủ Mỹ đang yêu cầu dẫn độ Wang tới Mỹ và cơ quan chức năng vẫn đang điều tra những đối tượng khác có thể là nghi can trong vụ án. DOJ cho biết, lực lượng của Singapore và Thái Lan đã hợp tác với FBI trong chiến dịch này. (Reuters)
*Trung Quốc phản đối Mỹ can thiệp nội bộ Cuba: Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh ngày 29/5 khẳng định Bắc Kinh kiên quyết phản đối chính sách can thiệp của Mỹ vào các công việc nội bộ của Cuba với lý do chống khủng bố cũng như đàn áp chính trị và trừng phạt kinh tế đối với đảo quốc Caribe.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc ca ngợi những nỗ lực của La Habana trong cuộc chiến chống khủng bố và kêu gọi Mỹ quản lý quan hệ với Cuba theo mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, cũng như các chuẩn mực điều chỉnh quan hệ quốc tế.
Theo bà Mao Ninh, Mỹ phải dỡ bỏ toàn bộ lệnh bao vây cấm vận và trừng phạt đối với Cuba, giải quyết thỏa đáng các tranh chấp và khác biệt thông qua đối thoại và đàm phán, đồng thời góp phần cải thiện quan hệ song phương, giữ gìn hòa bình và ổn định cho châu Mỹ. (AFP)
*Argentina - Mỹ tập trận chung: Ngày 29/5 (giờ địa phương), Phủ Tổng thống Argentina, cho biết 750 binh sĩ hải quân nước này sẽ tham gia cuộc tập trận chung trong 2 ngày 30 và 31/5, với hải quân Mỹ tại vùng biển thành phố Mar del Plata, tỉnh Buenos Aires.
Siêu hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng nguyên tử George Washington của Mỹ và 4.500 binh sĩ tham gia cuộc tập trận mang tên “Passex Gringo-Gaucho II” với 4 tàu khu trục, 3 tàu tuần tra đại dương, 3 máy bay trực thăng và 1 máy bay chiến đấu.
Sau tập trận chung, tàu sân bay hạt nhân George Washington, một trong những tàu sân bay lớn nhất thế giới, sẽ tới vùng biển Nhật Bản.
Đây là lần thứ sáu Argentina và Mỹ chia sẻ hoạt động huấn luyện hải quân, sau các cuộc tập trận được thực hiện vào các năm 1990, 1991, 1993, 2004 và 2010. Quan hệ giữa Argentina và Mỹ đã được tăng cường kể từ khi Tổng thống cực hữu Javier Milei nhậm chức ngày 10/12/2023. (Reuters)