Mỹ thúc đẩy Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc trừng phạt cứng rắn hơn với Triều Tiên

Mỹ hôm qua (25/3) kêu gọi Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc trừng phạt cứng rắn hơn nhằm vào Triều Tiên sau khi nước này xác nhận tiến hành vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất cho đến nay.

Trong bối cảnh các cuộc đàm phán về phi hạt nhân hóa bế tắc, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un dường như đang cho thấy tiếp tục mở rộng khả năng răn đe hạt nhân và sẵn sàng cho một cuộc đối đầu lâu dài với Mỹ.

Tên lửa Hwasong-17 của Triều Tiên rời bệ phóng ngày 24/3. Ảnh: KCNA.

Từ đầu năm tới nay, Triều Tiên đã tiến hành một loạt vụ thử tên lửa và vũ khí mà theo các nhà phân tích là nhằm chứng chứng minh nước này là một cường quốc hạt nhân và đạt được việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt gây ảnh hưởng đến nền kinh tế đất nước. Tại cuộc họp của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc ngày hôm qua (25/3), Đại sứ Mỹ Linda Thomas Greenfield cho biết, Mỹ sẽ đề xuất một nghị quyết “cập nhật và tăng cường” các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an.

“Giảm nhẹ trừng phạt mà không có tiến bộ ngoại giao thực chất sẽ chỉ tạo cơ hội cho Triều Tiên đẩy nhanh việc thực hiện các mục tiêu về vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo. Điều này cũng sẽ gửi đi những thông điệp sai lệch. Thực tế không thể phủ nhận là cơ chế trừng phạt đã hạn chế những tiến bộ trong chương trình vũ khí bất hợp pháp của Triều Tiên. Vì vậy giờ không phải là lúc để chấm dứt các biện pháp trừng phạt, mà là lúc thực thi chúng", bà Linda Thomas Greenfield nói.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc lần đầu áp đặt các lệnh trừng phạt với Triều Tiên là sau vụ thử hạt nhân của nước này hồi năm 2006 và thắt chặt trừng phạt trong nhiều năm. Hồi giữa năm 2021, Trung Quốc và Nga đã kêu gọi dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt khác nhau đối với Triều Tiên. Theo Phó Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Anna Evstigneeva, các biện pháp trừng phạt hơn nữa sẽ chỉ gây thiệt hại cho chính người dân Triều Tiên.

Trong khi đó Đại sứ Trung Quốc Trương Quân kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nên tập trung vào những lo ngại an ninh chính đáng của Triều Tiên và thúc đẩy đối thoại: "Chúng ta nên làm tất cả những gì có thể để duy trì hòa bình và ổn định trên Bán đảo Triều Tiên. Không bên nào được phép thực hiện bất kỳ hành động nào có thể dẫn đến căng thẳng lớn hơn. Những yêu cầu chính đáng của Triều Tiên cần được quan tâm và Mỹ nên đưa ra một đề xuất hấp dẫn để mở đường cho đối thoại sớm được nối lại".

Theo Hãng thông tấn chính thức Triều Tiên KCNA, vụ phóng tên lửa đã đáp ứng được các mục tiêu kỹ thuật và chứng minh tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể hoạt động nhanh chóng trong điều kiện thời chiến. Như một phản ứng trước vụ thử tên lửa của Triều Tiên, quân đội Hàn Quốc đã ngay lập tức tiến hành tập trận bắn đạn thật với sự góp mặt của một số loại tên lửa chủ chốt nhằm phô diễn hỏa lực, trong đó có tên lửa đất đối đất hay hệ thống tên lửa chiến thuật. Hàn Quốc cũng khẳng định sẵn sàng thực hiện các cuộc tấn công chính xác nhằm vào các điểm phóng tên lửa của Triều tiên, cũng như các cơ sở chỉ huy và hỗ trợ.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Llyod J.Austin hôm qua cũng đã có các cuộc thảo luận qua điện thoại với những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc về các biện pháp ứng phó với các hoạt động tên lửa của Triều Tiên và cam kết tăng cường hợp tác quốc phòng.

Các nhà phân tích nhận định, việc Triều Tiên nối lại và tăng cường các vụ thử vũ khí hạt nhân phản ánh quyết tâm củng cố vị thế cường quốc hạt nhân và giành sự nhượng bộ kinh tế từ Washington giữa lúc đàm phán về phi hạt nhân hóa với Mỹ và Hàn Quốc vẫn dậm chân tại chỗ. Các cuộc thử nghiệm khác gần đây của Triều Tiên bao gồm vũ khí siêu thanh, tên lửa hành trình tầm xa và tên lửa tầm trung có thể vươn tới đảo Guam, một trung tâm quân sự lớn của Mỹ ở Thái Bình Dương. Mỹ và Hàn Quốc trước đó đã đặt các lực lượng trong tình trạng sẵn sàng cao độ trước khả năng một vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Triều Tiên./.

Thu Hoài/VOV1 (Tổng hợp)

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/my-thuc-day-hoi-dong-bao-an-lien-hop-quoc-trung-phat-cung-ran-hon-voi-trieu-tien-post933099.vov