Mỹ phá hủy 9M729 nếu Nga không tuân thủ tối hậu thư?

Đích thân Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo vừa đưa ra tối hậu thư 60 ngày cho Nga để phá hủy tên lửa 9M729. Nếu không, Mỹ sẽ có biện pháp mạnh.

Tuyên bố trên được ông Mike Pompeo đưa ra khi phát biểu trong buổi họp báo sau Hội nghị ngoại trưởng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) hôm 4/12 rằng, Mỹ sẽ rút khỏi Hiệp ước INF, một hiệp ước thời Chiến tranh Lạnh nhằm hạn chế vũ khí hạt nhân tầm trung, nếu Moskva không tuân thủ thỏa thuận này trong vòng 60 ngày.

"Ngày hôm nay, Mỹ tuyên bố Nga vi phạm hiệp ước và trong vòng 60 ngày, chúng tôi sẽ chấm dứt nghĩa vụ của mình (đối với hiệp ước) như một biện pháp khắc phục trừ khi Nga trở lại tuân thủ một cách hoàn toàn và có thể kiểm chứng".

Hệ thống tên lửa đạn đạo Iskander của Nga.

Ngoại trưởng Pompeo cho rằng, Nga đã phát triển "nhiều tiểu đoàn tên lửa SSC-8," hay còn được biết đến là tên lửa hành trình tầm trung với tên gọi Novator 9M729. Ông khẳng định "tầm bắn của tên lửa khiến chúng trở thành một mối đe dọa trực tiếp với châu Âu".

Cùng với tuyên bố của Ngoại trưởng Pompeo, Đại sứ Mỹ tại NATO Kay Bailey Hutchison cũng nhấn mạnh, nếu Nga không dừng phát triển 9M729, Mỹ có cách phá hủy tên lửa này ngay trên mặt đất.

Theo bà Kay Bailey Hutchison, Nga phải dừng việc phát triển những tên lửa mới có khả năng mang theo đầu đạn hạt nhân, đồng thời cảnh báo Mỹ có thể loại bỏ hệ thống này ngay trên mặt đất nếu nó đi vào hoạt động.

"Đây là thời điểm để Nga ngồi vào bàn đàm phán và chấm dứt những vi phạm. Nếu hệ thống này có khả năng hoạt động thì Mỹ khi đó sẽ xem xét khả năng loại bỏ tên lửa có thể tấn công bất kỳ quốc gia nào của chúng ta tại châu Âu và tấn công Mỹ", đại sứ Mỹ tuyên bố.

Vậy nếu tấn công 9M729 trên mặt đất, Mỹ có thể chọn đòn tấn công nào? Thực tế việc Mỹ đưa ra tuyên bố trên là đã tính đến kế hoạch đánh phủ đầu bằng tên lửa tầm xa bởi chỉ mình 9M729 cũng đủ sức đe dọa Mỹ và đồng minh tại châu Âu.

Washington dự định sẽ xem xét lại kế hoạch hành động trong trường hợp xảy ra cuộc xung đột vũ trang "không lường trước" với Moscow. Trong đó, Washington nhấn mạnh khả năng tấn công phủ đầu để phá vỡ lưới lửa phòng thủ khu vực mạnh mẽ và lực lượng tên lửa tấn công tầm xa của Nga.

Ngoài ra, Washington cũng tính đến nhiều phương án tấn công khác nhau, từ các cuộc tấn công không gian mạng đến sử dụng vũ khí hạt nhân.

Được biết, Mỹ đã đơn phương ngừng cuộc thảo luận về vấn đề chiến lược với Nga, song song với việc đơn phương triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu, trong đó đặt trọng tâm là ở Đông Âu và có thể sát nách Nga như ở Ukraine hay các nước cộng hòa Baltic.

Mỹ còn xây dựng khái niệm "Tấn công nhanh toàn cầu" với hạt nhân là các vũ khí tên lửa siêu thanh, các máy bay ném bom tàng hình B-2 và chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-22 và F-35, cùng khả năng triển khai quân thần tốc trên khắp thế giới, can dự vào bất cứ khu vực nào trong vòng vài giờ.

Đồng thời, Mỹ cũng lập vòng vây xung quanh Nga bằng cách xây dựng hàng loạt căn cứ quân sự ở châu Âu, triển khai thêm các vũ khí hạng nặng, kết nạp thêm đồng minh để bao vây cô lập Moscow. Có thể nói rằng, hiện nay vòng vây xung quanh Nga đang dần dần thít chặt.

Tuy nhiên, khó có thể nói rằng Washington mong muốn viễn cảnh buộc phải lựa chọn phương án tấn công Moscow. Với tiềm lực hạt nhân còn mạnh hơn cả Mỹ, nếu cú đánh đầu tiên không đạt được hiệu quả, Lầu Năm Góc thừa biết hậu quả sẽ như thế nào khi Moscow phản đòn.

Chính vì vậy, nhiều chuyên gia cho rằng, tối hậu thư 60 ngày được Ngoại trưởng Mike Pompeo đưa ra và tuyên bố của bà Kay Bailey Hutchison không mang nhiều ý nghĩa quân sự.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/my-pha-huy-9m729-neu-nga-khong-tuan-thu-toi-hau-thu-3370446/