'Mỹ nhân màn ảnh', NSƯT Mai Châu qua đời
NSƯT, diễn viên Mai Châu cho hay nữ diễn viên gạo cội của màn ảnh Việt đã qua đời vào 3 giờ 10 phút sáng ngày 24-5.
Chị Vũ Quỳnh Hương, cháu nội NSƯT, diễn viên Mai Châu cho hay nữ diễn viên gạo cội của màn ảnh Việt, "mỹ nhân màn ảnh" một thời đã qua đời vào 3 giờ 10 phút sáng ngày 24-5 tại Hà Nội.

NSƯT, diễn viên Mai Châu khi còn trẻ
NSƯT Mai Châu tên thật là Mai Thị Châu, sinh năm 1927 tại thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An.
Bà là con út trong một gia đình có truyền thống kinh doanh tại thành phố Vinh. Cách mạng Tháng Tám đã tạo nên bước ngoặt lớn trong cuộc đời bà Mai Châu, gia đình bà được chính quyền vận động phá nhà nhằm thực hiện kế sách "vườn không nhà trống". Cô con gái út Mai Châu cũng ủng hộ cách mạng bằng hành động: Trốn nhà nhảy tàu vào Nam theo đoàn quân Nam tiến.

NSƯT Mai Châu đóng khoảng 30 vai diễn lớn nhỏ trong các phim truyện điện ảnh và truyền hình
Bà tham gia Đoàn kịch Tiền Tuyến, năm 1956, NSƯT Mai Châu chuyển về công tác tại Xưởng phim truyện Việt Nam (tiền thân của Hãng phim truyện Việt Nam) với tư cách là diễn viên lồng tiếng trong các bộ phim nước ngoài.
Một thời gian sau, bà tham gia diễn xuất trong phim "Chung một dòng sông" (1959) - bộ phim đầu tiên của điện ảnh Cách mạng Việt Nam, mở đầu cho một loạt các vai diễn trong nhiều bộ phim nổi tiếng ra đời vào giai đoạn đầu non trẻ của ngành như "Cô gái công trường" (1960), "Chị Tư Hậu" (1963), "Đi bước nữa" (1964), đặc biệt là vai chính trong tác phẩm nổi tiếng "Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn" (1966).

Bà nổi tiếng với các vai phản diện
Thập niên 1970, 1980 là thời kỳ sôi nổi của điện ảnh nước nhà với hàng loạt bộ phim ghi dấu ấn trong lòng khán giả. Cùng với các diễn viên tốt nghiệp lớp Diễn viên K1 và K2 Trường Điện ảnh Việt Nam, NSƯT Mai Châu xuất hiện trong các bộ phim truyện nhựa 35mm và video như "Sao tháng Tám" (1976), "Chuyến xe bão táp" (1977), "Chị Dậu" (1980), "Làng Vũ Đại ngày ấy" (1982), "Đông Dương" (phim hợp tác giữa Việt Nam và Pháp, 1992), "Lá ngọc cành vàng" (1992)...
Với vẻ đẹp đài các, NSƯT Mai Châu rất hợp với các vai sắc sảo, có phần ghê gớm như bà Phó Đoan ("Sao Tháng Tám"), bà Nghị Quế ("Chị Dậu"), vợ Bá Kiến ("Làng Vũ Đại ngày ấy"), Hoàng Thái hậu ("Hoàng Lê Nhất thống chí") và người mẹ ghê gớm trong "Lá ngọc cành vàng".

NSƯT Mai Châu và NSND Lê Khanh (giữa) trong phim "Người Hà Nội"
Lúc sinh thời bà từng chia sẻ mọi người thích đóng vai chính diện, còn bà toàn bị giao vai ác, thủ đoạn. Đóng phản diện cũng có nỗi khổ riêng.
Tuy nhiên với bà diễn xuất giỏi không nằm ở việc đóng vai chính diện hay phản diện mà làm sao để nhân vật có hồn, để khán giả nhớ đến.
NSƯT Mai Châu đóng phim đến năm hơn 80 tuổi. Bộ phim cuối cùng "Bi đừng sợ" của đạo diễn Phan Đăng Di.
Như duyên tiền định, nữ diễn viên xinh đẹp của Đoàn kịch Tiền Tuyến Mai Châu quen một chàng trai Hà Nội tên là Vũ Kỳ Lân, chàng trai phong nhã, tri thức, học trường Tây, con út trong gia đình tư sản ở phố Yên Ninh, Hà Nội. Ông cũng là cháu ruột của tướng Nguyễn Sơn (Lưỡng quốc tướng quân Nguyễn Sơn). Tình yêu của ông bà nảy nở trong những năm tháng chiến tranh. Bà tham gia lực lượng phụ nữ cứu quốc và sau đó là tự vệ của thành phố Vinh, xung phong vào đội "cứu thương" ở tuyến đầu chiến trường.
Bà yêu và kết hôn với ông khi chưa tròn 20 tuổi dù ban đầu gia đình không đồng ý. Sau ngày hòa bình lập lại 1954, ông Vũ Kỳ Lân làm Chính ủy đặc khu Vĩnh Linh, rồi làm Giám đốc Điện ảnh Quân đội.
Hai ông bà sống rất hạnh phúc với các con, cháu.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/my-nhan-man-anh-nsut-mai-chau-qua-doi-196250524081337998.htm