Mỹ liên tiếp hứng bão, Bồ Đào Nha trong tình trạng báo động do cháy rừng
Sau khi bão Hanna suy yếu và di chuyển tới miền bắc Mexico, Mỹ khẩn trương chuẩn bị đối phó với bão Douglas đang tiến gần tới quần đảo Hawaii. Trong khi đó, Bồ Đào Nha đang trong tình trạng báo động cao do cháy rừng lan rộng tại một khu vực ở miền trung nước này.
Sau khi bão Hanna suy yếu và di chuyển tới miền bắc Mexico, Mỹ khẩn trương chuẩn bị đối phó với bão Douglas đang tiến gần tới quần đảo Hawaii. Trong khi đó, Bồ Đào Nha đang trong tình trạng báo động cao do cháy rừng lan rộng tại một khu vực ở miền trung nước này.
Bão Hanna đổ bộ vào đảo Padre từ ngày 25-7 và được xếp vào bão cấp 1 theo thang đo năm cấp Saffir-Simpson. Sau đó, bão đổ bộ lần hai vào hạt Kenedy, bang Texas. Đến ngày 26-7, bão Hanna suy yếu thành áp thấp nhiệt đới.
Là cơn bão đầu tiên trong mùa bão Đại Tây Dương năm 2020, bão Hanna đã gây nhiều thiệt hại dọc bờ biển bang Texas, làm gián đoạn các đường điện, gây ngập úng và khiến nhiều xe tải 18 bánh bị lật.
Cơ quan Thời tiết quốc gia Mỹ ghi nhận, nhiều tuyến đường bộ tại bang Texas ngập sâu trong nước (khoảng 30 cm), các dòng suối và sông ở phía nam bang này cũng vỡ bờ. Có thời điểm, hơn 283 nghìn hộ gia đình và cơ sở kinh doanh bị mất điện. Tuy nhiên, theo trang Poweroutage.us, tối qua, con số này giảm xuống còn 98 nghìn.
Dù đã suy yếu và di chuyển tới miền bắc Mexico nhưng bão Hanna vẫn có thể gây nguy hiểm. Theo chuyên gia dự báo thời tiết, các khu vực bị cô lập tại phía nam Texas sẽ hứng chịu lượng mưa 45 cm trong ngày 27-7.
Trong khi Mỹ đang thống kê thiệt hại mà bão Hanna để lại, ngày 26-7, tại Thái Bình Dương, bão Douglas đã tiến tới gần quần đảo Hawaii kèm theo mưa xối xả và gió giật mạnh.
Một cầu tàu tại Texas, chiều 25-7. (Ảnh: Reuters)
Người dân dọn dẹp, làm vệ sinh sau khi cơn bão đi qua. (Ảnh: Reuters)
Bồ Đào Nha ban bố “tình trạng báo động” toàn quốc
Bồ Đào Nha đang trong tình trạng báo động cao khi hơn 850 lính cứu hỏa dốc sức dập đám cháy lan rộng tại một khu vực ở miền trung nước này. Tuy nhiên, gió lớn và nhiệt độ cao đang cản trở các nỗ lực kiểm soát đám cháy.
Từ chiều 25-7, đám cháy rừng hoành hành tại khu vực Oleiros và lan tới hai khu vực lân cận, buộc các nhà chức trách phải di dời nhiều người dân. Một nhân viên cứu hỏa 21 tuổi đã tử vong trong vụ tai nạn đường bộ xảy ra đêm cùng ngày khi đang làm nhiệm vụ. Ngoài ra, vụ tai nạn còn làm bảy người khác bị thương, trong đó có một dân thường. Trong một thông cáo, Thủ tướng Bồ Đào Nha Antonio Costa đã gửi lời cảm ơn lực lượng lính cứu hỏa vì những việc họ đã làm cho đất nước và nhân dân.
Tình nguyện viên tham gia dập đám cháy rừng tại Bồ Đào Nha. (Ảnh: Reuters)
Trước tình hình nêu trên, Chính phủ Bồ Đào Nha đã ban bố “tình trạng báo động” toàn quốc trong hai ngày 27 và 28-7, nhằm nâng cao năng lực sẵn sàng ứng phó của các lực lượng cứu hỏa, cảnh sát và y tế khẩn cấp. Nước này cũng cấm đốt lửa và hạn chế cho phép người dân đi vào rừng.
Cơ quan Khí tượng Bồ Đào Nha IPMA dự báo, nhiệt độ sẽ tăng, đặc biệt là nhiệt độ tại Castelo Branco, nơi có nhiều khu vực chịu ảnh hưởng của cháy rừng, sẽ lên tới 38 độ C trong ngày 27-7. Một số ngôi nhà tại Castelo Branco có nguy cơ bị cháy khi lửa lan gần tới một số ngôi làng đang bị cô lập. Người dân đã được sơ tán, tuy nhiên, nhiều người đã trở về nhà.
Hiện, chưa rõ thiệt hại về tài sản do hỏa hoạn gây ra. Bộ trưởng Nội vụ Bồ Đào Nha Eduardo Cabrita cho biết, có thể phải đến ngày 28 hoặc 29-7 lực lượng cứu hỏa mới có thể kiểm soát đám cháy.
Trên mạng xã hội Twitter, Ủy viên châu Âu phụ trách quản lý khủng hoảng Janez Lenarcic cho biết, giới chức Liên hiệp châu Âu (EU) đang theo sát diễn biến các đám cháy rừng tại Bồ Đào Nhà.
Theo dữ liệu của EU, Bồ Đào Nha là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nhiều nhất của các đám rừng tại khối này hằng năm. Một trong những nguyên nhân sâu xa dẫn đến thực trạng nêu trên là nhiều khu vực nội địa bị bỏ hoang do người dân chuyển tới các thành phố và sang nước khác để sinh sống. Do đó, việc phát quang cây cối và bụi rậm không được quan tâm, tạo lỗ hổng cho đám cháy rừng bùng phát.