Mỹ, Israel, Anh, Đức, Thụy Điển... mở rộng tiêm tăng cường vaccine ngừa Covid-19
Hiện nay dịch bệnh COVID-19 đã và đang được kiểm soát, số người nhiễm bệnh giảm sâu. Tuy nhiên, sự xuất hiện của các biến thể mới cho thấy căn bệnh này sẽ chưa sớm biến mất. Chính vì thế, nhiều nước đã tăng cường tiêm mũi tăng cường (mũi 3, 4) cho người dân.
Chính phủ Mỹ dự kiến sẽ triển khai chiến dịch tiêm mũi tăng cường thứ 2 vaccine ngừa COVID-19 cho người dân trong tháng 9 tới, sử dụng loại vaccine được hiệu chỉnh để nhắm tới các dòng phụ của biến thể Omicron - vốn đang là nguyên nhân làm tăng các ca nhập viện tại Mỹ.
Tổng thống Mỹ JOE BIDEN: “Những ai từ năm tuổi trở lên nên tiêm nhắc lại. Nếu bạn trên 50 tuổi, bạn nên tiêm hai mũi tăng cường. Như tôi đã làm”.
Tiến sĩ RICHARD NOVAK, Chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm: “Chúng tôi có một tháng nữa để triển khai chiến dịch tiêm tăng cường vaccine Covid-19 cho mùa Thu năm nay, mục tiêu là bảo vệ người dân chống lại các biến thể phụ của Omicron”
Trong bối cảnh lo ngại về khả năng bảo vệ của vaccine phòng COVID-19 suy yếu dần, không chỉ Mỹ mà nhiều quốc gia khác trên thế giới như Israel, Anh, Đức, Thụy Điển, Nhật Bản… đều đang mở rộng các chương trình tiêm mũi tăng cường thứ 4 hoặc rút ngắn khoảng cách giữa các mũi tiêm nhằm nỗ lực chống lại biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2.
Tiến sĩ SARAH OTTO, Đại học Bristish Columbia (Canada): “Lợi ích lớn nhất của mũi tăng cường là nâng cao nồng độ kháng thể chống lại virus, bao gồm cả các biến thể phụ của Omicron”.
Ông FENG ZIJIAN, Phó Giám đốc CDC Trung Quốc:“Chúng tôi vẫn đang đẩy mạnh việc tiêm chủng. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các vaccine hiện tại vẫn có hiệu quả cao với các biến thể Omicron, và các mũi tăng cường sẽ giúp giảm thiểu các triệu chứng nghiêm trọng, nguy cơ nhập viện và tử vong”.
Nghiên cứu cho thấy, những người được tiêm chủng và tiêm mũi tăng cường có nguy cơ mắc COVID-19 thấp hơn 5 lần so với nhóm không tiêm. Nguy cơ nhập viện điều trị và tử vong cũng thấp hơn lần lượt là 7,5 lần và 15 lần.
Ông TEDROS ADHANOM, Tổng Giám đốc của Tổ chức Y tế Thế giới: “Điều quan trọng là các chính phủ phải tập trung thúc đẩy việc tiêm chủng mũi tăng cường cho những cộng đồng có nguy cơ cao nhất, tìm ra những người chưa được tiêm chủng, xây dựng bức tường miễn dịch hướng tới mục tiêu tiêm chủng 70%”.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khẳng định, chúng ta không thể coi COVID-19 là bệnh nhẹ vì ngay cả khi tiêm vaccine rồi, con người vẫn có nguy cơ mắc bệnh, trong khi các biến thể mới vẫn đang tiếp tục xuất hiện. Vì vậy, việc tiêm liều tăng cường là vô cùng cần thiết trong việc bảo vệ bản thân, gia đình và cộng đồng trước COVID-19. Cho tới nay, vaccine ngừa COVID-19 vẫn là vũ khí quyết định trong công cuộc phòng chống đại dịch.
Thực hiện : Phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam