Mỹ đặt tàu Nga trong tầm ngắm tại Bắc Cực

Để có thể giám sát hoạt động của tàu Nga tại Bắc Cực, Mỹ đã quyết định chi 1,3 tỷ USD để mở lại sân bay Adak và triển khai P-8A.

Trang Breaking Defense dẫn nguồn tin Hải quân Mỹ cho biết, đường băng nhỏ nằm trên đảo Adak thuộc chuỗi đảo Aleutian là sân bay cực tây có thể tiếp nhận máy bay chở khách ở Mỹ. Sân bay nhỏ này hiện mỗi tuần đón 2 chuyến bay của hãng Air Alaska.

Có tên gọi đầy đủ là Cơ sở hàng không hải quân Adak, sân bay nhỏ này vận hành thương mại từ khi Hải quân Mỹ rút đi vào năm 1997. Tuy nhiên do hoạt động ngày càng tăng của Nga và Trung Quốc ở Bắc Cực khiến Mỹ quyết định tăng cường khả năng tuần tra vùng cực Bắc.

Máy bay P-8A.

Ước tính ban đầu, công việc tu sửa sân bay Adak có thể tiêu tốn của Hải quân Mỹ ít nhất là 1,3 tỷ USD. "Đường băng hiện trong tình trạng rất tốt", ông Richard Spencer, người đứng đầu Hải quân Mỹ cho biết.

"Sân bay có cơ sở nhiên liệu mà Air Alaska hiện dùng để bơm nhiên liệu cho máy bay của hãng. Sân bay cũng có các cơ sở khử băng mà chúng ta có thể dùng để rửa máy bay P-8A bằng nước ngọt", ông Spencer cho biết.

Nói về lý do khiến Mỹ chi tiền cải tạo sân bay và triển khai P-8A, vị lãnh đạo này cho biết: "Những người bạn Nga đang khởi động 5 đường băng và 10.000 lính Spetsnaz (ở Bắc Cực) phục vụ hoạt động tìm kiếm, cứu nạn. Trung Quốc cũng tăng cường hiện diện ở đó. Mọi người đều ở đó".

Được biết, ngoài cải tạo sân bay và điều P-8A, Bộ Quốc phòng Mỹ cũng không giấu giếm kế hoạch triển khai tiêm kích tàng hình F-35 đến Alaska.

Để hiện thực hóa kế hoạch của mình, chiến đấu cơ thế hệ 5 này đã thực hiện nhiều cuộc thử nghiệm trong điều kiện nhiệt độ cực thấp, thậm chí là thử nghiệm các tính năng tác chiến, tấn công mục tiêu giả định trong môi trường trên để xem xem liệu các thiết bị cảm biến của F-35 có thể hoạt động trong môi trường không tưởng này hay không.

Với các dòng máy bay hiện đại ngày nay không chỉ riêng chiến đấu cơ, việc sở hữu khả năng bay ở môi trường có nhiệt độ cực kỳ thấp và cực kỳ cao là yếu tố bắt buộc phải có để phù hợp với nhiều kiểu tác chiến trong tương lai.

Bên cạnh việc có thể hoạt động tốt trong môi trường khắc nghiệt, quá trình thử nghiệm cũng đã kiểm tra các thiết bị hỗ trợ sự sống trên chiếc F-35 có đủ khả năng bảo vệ phi công trong điều kiện nhiệt độ ngoài trời tụt xuống -40 độ C hay không

Thông thường, bên trong buồng lái của máy bay chiến đấu sẽ được khóa kín không khí, đảm bảo áp suất bên trong luôn không đổi bất kể áp suất không khí bên ngoài thay đổi ra sao.

Việc F-35 có thể hoạt động tốt ở độ cao 18.500 mét cũng đồng nghĩa với việc chiếc chiến đấu cơ này có khả năng hoạt động rất tốt trong môi trường có nhiệt độ luôn ở mức âm như Alaska.

F-35 thử sức tại Alaska.

Ngoài ra, hệ thống chống đóng băng dầu và chống đóng băng nhiên liệu cũng sẽ được kiểm tra lại một lần nữa vì có nhiều báo cáo của Không quân Mỹ cho rằng F-35 đã "bị đóng băng dầu" trong quá trình hoạt động ở sân bay quân sự Eglin, Florida.

Một điểm yếu khác của chiến đấu cơ tàng hình F-35 đó là nó có khoang bom được đóng kín, khi khoang vũ khí này được mở ra không khí lạnh sẽ tràn vào. Điều này có thể sẽ ảnh hưởng tới khả năng hoạt động của các kết cấu bên trong khoang vũ khí.

Tất cả những vấn đề trên đều đã được Mỹ thử nghiệm với chiếc F-35 tại Alaska, tuy nhiên kết quả không được Mỹ công bố. Và nếu kết quả khả quan thì đây sẽ là động lực mới của Mỹ trong cuộc chơi ở Bắc Cực - cuộc chơi Mỹ luôn bị đánh giá lép về trước Nga.

Thùy Dung

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/tin-tuc-24h/my-dat-tau-nga-trong-tam-ngam-tai-bac-cuc-3371280/