Mỹ công bố kế hoạch áp thuế mới, EU và các đối tác nỗ lực đàm phán vào phút chót
Ngày 3/7 theo giờ địa phương, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Washington sẽ bắt đầu gửi thư cho các quốc gia từ ngày 4/7 nhằm thông báo mức thuế cụ thể mà hàng hóa của họ sẽ phải chịu khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Đây là một thay đổi rõ rệt so với định hướng ban đầu là ký kết các thỏa thuận song phương riêng biệt.
Phát biểu trước báo giới tại Nhà Trắng trước chuyến đi đến bang Iowa, Tổng thống Trump cho biết mỗi ngày Mỹ sẽ gửi thư cho 10 quốc gia, trong đó nêu rõ các mức thuế dự kiến là 20 phần trăm, 25 phần trăm hoặc 30 phần trăm.
Ông thừa nhận rằng việc đàm phán thuế quan với hơn 170 quốc gia là quá phức tạp và việc gửi thư trực tiếp sẽ đơn giản và hiệu quả hơn.

Thông báo này được đưa ra trước thời hạn ngày 9/7, là mốc thời gian do Nhà Trắng ấn định để kết thúc giai đoạn tạm hoãn áp thuế nhằm tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán. Trong thời gian qua, chính quyền Tổng thống Trump đã đạt được một số tiến triển, bao gồm thỏa thuận thương mại với Vương quốc Anh và khuôn khổ hợp tác sơ bộ với Trung Quốc.
Tuy nhiên, đàm phán giữa Mỹ và Liên minh châu Âu vẫn còn nhiều khúc mắc. Phát biểu tại Đan Mạch, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết mục tiêu hiện nay của EU là đạt được một thỏa thuận mang tính nguyên tắc với Mỹ trước ngày 9/7, thời điểm kết thúc giai đoạn hoãn áp thuế kéo dài 90 ngày mà Tổng thống Trump đưa ra để các đối tác có thêm thời gian thương lượng.
Bà von der Leyen nhấn mạnh rằng đây là một nhiệm vụ đầy thách thức do quy mô thương mại song phương giữa hai bên hiện đạt khoảng 1.500 tỷ euro mỗi năm. Bà cho rằng việc hoàn tất một thỏa thuận chi tiết trong khung thời gian 90 ngày là điều không khả thi.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu cũng khẳng định EU ưu tiên giải pháp đàm phán, song đã chuẩn bị các phương án tạm thời nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế trong trường hợp không đạt được thỏa thuận như mong muốn.
Bà cho biết EU đã tiến hành tham vấn nội bộ và sẵn sàng đưa ra các mức thuế đáp trả đối với hàng hóa Mỹ trị giá khoảng 100 tỷ euro nếu đàm phán không đem lại kết quả.
Trước đó, Thủ tướng Đức Friedrich Merz cũng kêu gọi hai bên nhanh chóng đạt được một thỏa thuận đơn giản và hiệu quả để bảo vệ các ngành công nghiệp chủ chốt của châu Âu như dược phẩm, cơ khí và ô tô.
Tại Washington, Ủy viên châu Âu phụ trách thương mại và an ninh kinh tế Maros Sefcovic hiện đang có mặt và dự kiến sẽ tiếp tục gặp gỡ các đối tác Mỹ trong ngày 3/7 để thúc đẩy tiến trình đàm phán.