Mỹ cảnh báo tham vọng của Trung Quốc ở Bắc Cực, châu Âu
Đô đốc James Foggo lo ngại Trung Quốc sẽ hạn chế khả năng tiếp cận tự do các cảng biển, sân bay và tìm cách lấy thông tin nhạy cảm của các nước châu Âu.
Một đô đốc của Hải quân Mỹ kêu gọi các đồng minh NATO phản ứng trước sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Trung Quốc ở Bắc Cực và lục địa châu Âu, báo South China Morning Post đưa tin.
Phát biểu trong một hội nghị trực tuyến do Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (Anh) tổ chức ngày 26-6, Đô đốc James Foggo, Tư lệnh Hải quân Mỹ ở châu Âu - châu Phi, cảnh báo tham vọng của Trung Quốc có thể là mối đe dọa an ninh cho cả Mỹ và các quốc gia đồng minh châu Âu.
Ông Foggo: Trung Quốc đang muốn tiếp cận Bắc Cực
Ông Foggo cho rằng Mỹ và các đồng minh NATO cần duy trì quan hệ chặt chẽ để bảo vệ lợi ích của mình trước các động thái mở rộng khả năng tiếp cận Bắc Cực của Trung Quốc.
Ông Foggo cho rằng Trung Quốc đang "tăng cường tìm cách khai thác Bắc Cực", gây ra những mối lo ngại mới cho Mỹ và các thành viên khác thuộc NATO.
Ông Foggo đề cập việc Trung Quốc tự định hình bản thân là một "quốc gia gần Bắc Cực" và đang triển khai "con đường tơ lụa vùng cực" để tìm kiếm cơ hội đầu tư khai thác tài nguyên thiên nhiên và thương mại hàng hải qua vùng Cực Bắc.
Tuy nhiên, ông Foggo lo ngại thông qua các tuyên bố và dự án như vậy, Trung Quốc sẽ cố tình "bẻ cong luật pháp" theo hướng có lợi cho mình để đưa ra những "yêu sách phi pháp" ở Bắc Cực.
Ông Foggo: Trung Quốc cũng đe dọa an ninh các nước châu Âu
Trên đất liền, ông Foggo cảnh báo các khoản đầu tư hạ tầng cảng biển và những tác động của việc phát triển công nghệ 5G của Trung Quốc tại châu Âu.
"NATO không thể tiếp tục phớt lờ những hoạt động của Trung Quốc ở châu Âu", nhất là các khoản đầu tư thuộc "Sáng kiến Vành đai con đường" - ông Foggo nói.
Hơn 125 quốc gia đã tham gia vào các dự án thuộc chương trình tham vọng này của Bắc Kinh, theo South China Morning Post.
Ông Foggo cảnh báo Trung Quốc có thể sử dụng các khoản đầu tư ở châu Âu và châu Phi để gây ảnh hưởng lên các chính phủ và làm tổn hại lợi ích của Mỹ trên toàn cầu.
"Kiểu gây ảnh hưởng này là một mối lo ngại về an ninh và điều này có thể được dùng để giới hạn khả năng tiếp cận tự do các cảng biển và sân bay trọng yếu" - ông Foggo nói.
Đồng thời, vị đô đốc Mỹ cho rằng thông qua sáng kiến này và ưu thế trong phát triển 5G, Bắc Kinh có "cơ hội tiếp cận các thông tin nhạy cảm về chính quyền và quân sự (của các nước nhận đầu tư - PV) thông qua công nghệ của các công ty thuộc sở hữu hoặc quyền kiểm soát của chính phủ Trung Quốc".
Chuyên gia Hong Kong: Mỹ muốn lôi kéo cả NATO chống Trung Quốc
Nhà phân tích quân sự Hong Kong Tống Trung Bình cho rằng các phát ngôn của ông Foggo là một phần nỗ lực của Mỹ nhằm lôi kéo các đồng minh NATO cùng chống Trung Quốc.
"Mỹ đang tìm cách mở rộng năng lực của NATO đến khu vực tây Thái Bình Dương và Bắc Cực và với sự thúc đẩy của Mỹ, NATO đã bắt đầu chú ý tới Trung Quốc" - ông Tống nói.
Tuy nhiên, vị chuyên gia Hong Kong cho rằng với tư cách là "một liên minh quân sự có trụ sở ở châu Âu, NATO nên coi Nga là đối thủ chính", thay vì chú tâm quá nhiều vào Trung Quốc.
Ông Tống cho rằng Trung Quốc không có lợi ích cốt lõi ở Bắc Cực và sự bất đồng giữa Bắc Kinh và NATO là "rất thấp".
Theo đó, Trung Quốc chỉ là một "quốc gia quan sát viên" và "chỉ có thể hợp tác với một trong tám quốc gia ở Bắc Cực, ví dụ như Nga, để phát triển năng lượng hay xây dựng con đường giao thương" - ông Tống nói.