Mường Khương chú trọng tuyên truyền xây dựng nông thôn mới

Cuối năm 2022, khi có chủ trương mở tuyến đường nội đồng Cốc Chứ - Sang Vai có chiều dài 3 km, anh Lù Văn Đèn ở thôn Ngam Lâm, xã Nấm Lư không ngần ngại hiến hơn 1.500 m2 đất ruộng, nơi đoạn đường đi qua khu vực sản xuất của gia đình. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai cách đây đã hơn chục năm, được tuyên truyền, vận động thường xuyên qua các buổi họp thôn nên anh Đèn hiểu rất rõ những giá trị mà nông thôn mới mang lại. Anh bàn với gia đình không chỉ hiến đất mà còn sẵn sàng chặt bỏ cây cối để tuyến đường thi công được thuận lợi.

Ngoài ra, anh Đèn còn tích cực tham gia với Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Ban Công tác mặt trận khu dân cư tuyên truyền, vận động được 20 hộ khác trong thôn hiến 7.000 m2 đất để làm đường. Với thành tích đó, anh Lù Văn Đèn đã được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen trong phong trào thi đua toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh năm 2022.

Tiến độ thi công tuyến đường giao thông từ cột mốc biên giới 166 (2) đến cột mốc 167 (2) thuộc xã Pha Long rất thuận lợi nhờ các hộ tại 5 thôn biên giới trên địa bàn xã đồng thuận hiến đất. Khi có chủ trương mở tuyến đường này, 13 hộ ở thôn Tả Lùng Thắng đã hiến đất.

Cư dân biên giới trên địa bàn xã với 100% là người dân tộc thiểu số, đa phần đời sống còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với phương châm “đi từng ngõ, gõ từng nhà”, khi có chủ trương mở tuyến đường biên, 50 hộ đã tự nguyện hiến đất. Với người dân vùng cao, mặt bằng làm nhà ở vốn rất quý nhưng vì lợi ích chung, vì sự phát triển của thôn, bản nên họ sẵn sàng hiến đất.

Đồng chí Vàng Tỉn Dung, Chủ tịch UBND xã Pha Long

Không chỉ tại Pha Long, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn biên giới huyện Mường Khương đều chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới.

Huyện Mường Khương đã ban hành 35 văn bản chỉ đạo các cơ quan, địa phương, đơn vị đẩy mạnh tuyên truyền về Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đồng thời xây dựng kế hoạch tuyên truyền phù hợp với tình hình thực tế tại cơ sở và xác định rõ nội dung, hình thức tuyên truyền, gắn với việc nắm tình hình tư tưởng, dư luận trong cán bộ, đảng viên và người dân.

Đồng chí Lê Thị Phương Linh, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mường Khương

Với gần 90% cư dân là người dân tộc thiểu số, nên công tác tuyên truyền miệng được huyện Mường Khương chú trọng. Từ đầu năm 2023 đến nay, Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu quốc gia huyện chỉ đạo tổ chức tuyên truyền lưu động lồng ghép được 78 buổi và xây dựng 2 kịch bản tuyên truyền về nông thôn mới tại các xã. Cấp xã tổ chức 286 hội nghị, với 19.980 lượt người tham gia, qua đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm về xây dựng nông thôn mới của cả hệ thống chính trị và người dân.

Cùng với đó, huyện Mường Khương triển khai đa dạng hình thức tuyên truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, duy trì chuyên mục “Xây dựng nông thôn mới” trên sóng truyền thanh; xây dựng 66 chương trình truyền hình, phát thanh và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử huyện 50 tin, bài về xây dựng nông thôn mới. Bên cạnh đó, nhằm tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền, huyện Mường Khương đẩy mạnh hoạt động văn hóa, văn nghệ, tổ chức 65 buổi giao lưu biểu diễn, chiếu phim lưu động lồng ghép chủ đề xây dựng nông thôn mới, thu hút hơn 10.000 lượt người tham dự…

Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Mường Khương - Lê Thị Phương Linh khẳng định: Thông qua các hoạt động tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nhận thức của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực vùng cao, biên giới tiếp tục được nâng lên, từ đó đã có những hành động, việc làm cụ thể trong xây dựng nông thôn mới và ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương điển hình được các cấp, các ngành khen thưởng.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/muong-khuong-chu-trong-tuyen-truyen-xay-dung-nong-thon-moi-post376643.html