Mường Chanh phát huy truyền thống cách mạng
Chúng tôi về xã Mường Chanh, huyện Mai Sơn - khu căn cứ cách mạng năm xưa, vào một ngày đầu tháng 8. Đón chúng tôi trong căn phòng làm việc còn vương mùi sơn mới, đồng chí Nguyễn Văn Nam, Bí thư Đảng ủy xã, phấn khởi nói: Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các chính sách đầu tư, hỗ trợ sản xuất được triển khai hiệu quả; hệ thống điện, đường, trường, trạm khang trang; đường bê tông nối trung tâm xã với các bản; đời sống nhân dân ổn định và nâng lên, diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc.
Ngược dòng lịch sử, đầu năm 1943, khi điều kiện đã chín muồi, Chi bộ Nhà ngục Sơn La đã bí mật thành lập tổ chức cách mạng đầu tiên ở Sơn La - đó là “Đoàn thanh niên cứu quốc (tiếng Thái gọi là “Mú nóm chất mương”) gồm 2 tổ ở tỉnh lỵ và huyện Mường La. Sau cuộc vượt ngục thành công của các chiến sĩ cách mạng trong nhà tù Sơn La, thực dân Pháp khủng bố gắt gao, các tổ thanh niên cứu quốc rút vào hoạt động bí mật, hoặc tạm thời ngừng hoạt động để chờ thời cơ. Theo chỉ đạo của Chi bộ, đồng chí Chu Văn Thịnh được giao nhiệm vụ tìm địa bàn thuận lợi để xây dựng cơ sở cách mạng và căn cứ địa cách mạng sau này. Sau thời gian khảo sát, tìm hiểu, đồng chí Chu Văn Thịnh báo cáo với Chi bộ nhà ngục Sơn La chọn địa bàn xã Mường Chanh (châu Mai Sơn) để xây dựng phong trào. Mường Chanh có địa thế “Tiến có thể đánh, lui có thể giữ”, là địa bàn có điều kiện để phát triển thành căn cứ địa lâu dài. Tổ thanh niên cứu quốc Mường Chanh “Mú nóm chất mương” ra đời, gồm 12 hội viên, đã tuyên truyền, vận động đông đảo quần chúng nhân dân hưởng ứng và tham gia. Cả 8 bản của khu căn cứ cách mạng Mường Chanh đều có cơ sở cách mạng. Các tổ thanh niên cứu quốc, đội du kích được thành lập, chuẩn bị mọi điều kiện để khi thời cơ đến sẽ phát động tổng khởi nghĩa trong toàn tỉnh. Ngày 19/8/1945, Trung đội du kích Mường Chanh cùng đông đảo nhân dân tiến vào bao vây nhà chánh phìa, buộc chúng đầu hàng và giao nộp ấn tín cho cách mạng. Cuộc khởi nghĩa ở Mường Chanh thắng lợi nhanh chóng. Từ căn cứ Mường Chanh, khởi nghĩa giành chính quyền đã liên tiếp thắng lợi ở các châu Mường La, Thuận Châu, Mai Sơn, Yên Châu và ngày 26/8/1945, Ủy ban cách mạng lâm thời ra mắt đồng bào, tuyên bố khởi nghĩa ở Sơn La hoàn toàn thắng lợi.
Với những đóng góp to lớn cho cách mạng, năm 1998, xã Mường Chanh vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”. Năm 2006, khu căn cứ cách mạng Mường Chanh được UBND tỉnh xếp hạng di tích lịch sử.
Tiếp nối truyền thống vẻ vang, khu căn cứ cách mạng năm xưa nay đang ngày một đổi thay. Cấp ủy, chính quyền xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, đưa những loại cây, con có năng suất, chất lượng vào sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Đến nay, cây cà phê trở thành cây trồng chủ lực, với tổng diện tích gần 450 ha, liên kết sản xuất gắn với chế biến; duy trì hơn 137 ha lúa nước. Chăn nuôi mở rộng quy mô đàn, với gần 2.000 con gia súc, hơn 22.000 con gia cầm. Các hộ làm gốm, dệt thổ cẩm tiếp tục phát huy và duy trì nghề truyền thống; kinh doanh thương mại, dịch vụ ở trung tâm xã được đầu tư phát triển với đa dạng các mặt hàng thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân trong xã.
Năm 2012, xã Mường Chanh thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, huyện Mai Sơn đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động; thực hiện tốt các cơ chế, chính sách, huy động nguồn lực của địa phương và nhân dân tham gia xây dựng nông thôn mới. Sau gần 7 năm thực hiện, tổng kinh phí đầu tư cho xã Mường Chanh hơn 38 tỷ đồng; trong đó, nhân dân đóng góp trên 12 tỷ đồng, hàng nghìn ngày công lao động và trên 5.100m2 đất xây dựng các công trình phục vụ đời sống, sản xuất. Cuối năm 2017, xã Mường Chanh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.
Ông Lò Văn Liêm, Chủ tịch UBND xã Mường Chanh cho biết: Năm 2023, xã vận động nhân dân đóng góp ngày công mở rộng 2 tuyến đường nội bản từ 5,5m lên 7,5m, với tổng chiều dài gần 1,5 km; xây dựng 5 cổng bản và một số hạng mục công trình nhằm đáp ứng các tiêu chí, xã có 6 HTX thu mua, sơ chế cà phê, sản xuất lúa nếp tan nhe... Đến nay, xã đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới nâng cao. Cấp ủy, chính quyền đang tập trung chỉ đạo, triển khai các giải pháp hoàn thiện 5 tiêu chí chưa đạt, là giao thông, thu nhập, văn hóa, tiếp cận pháp luật, chất lượng môi trường sống, phấn đấu đến cuối năm 2025 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Vui mừng chứng kiến sự đổi thay của quê hương, ông Lò Văn Chung, bản Cang Mường, nói: Từ vùng đất còn nhiều gian khó ngày nào, nay đã khoác lên mình diện mạo mới. Nhân dân tích cực thi đua lao động sản xuất, khai thác hiệu quả và phát huy thế mạnh địa phương, cuộc sống vật chất, tinh thần của bà con ngày càng được nâng cao.
Mường Chanh hôm nay đang tiếp nối truyền thống vẻ vang của khu căn cứ cách mạng, nhân dân đoàn kết, chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, vững bước xây dựng xã nông thôn mới nâng cao, xứng đáng với danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.