'Muốn 'yêu' đẹp bạn cũng cần phải thông minh'

Đây là lời chia sẻ của TS Phạm Sỹ Cường - Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Đại học Sư phạm Hà Nội) tại buổi tư vấn hướng nghiệp cho học sinh. Câu nói hàm chứa thông điệp về sự hiểu biết thấu đáo của bản thân trước những quyết định định trọng đại của cuộc đời mình, trong đó có việc chọn nghề.

Học sinh tham gia chương trình Tư vấn hướng nghiệp “Khám phá bản thân, định hướng tương lai” (Ảnh Bá Đại)

Học sinh tham gia chương trình Tư vấn hướng nghiệp “Khám phá bản thân, định hướng tương lai” (Ảnh Bá Đại)

Tư vấn hướng nghiệp là “chìa khóa” giúp học sinh lựa chọn ngành nghề đúng với niềm đam mê và năng lực của bản thân, mở ra nhiều cánh cửa tươi sáng trong tương lai.

Trước mỗi mùa tuyển sinh, câu chuyện chọn ngành học, trường học lại trở thành vấn đề nóng đối với cả học sinh, phụ huynh và giáo viên. Không ít học sinh cho hay, chỉ còn vài tháng nữa là đến kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, nhưng đến giờ các em vẫn chưa biết mình thực sự có thế mạnh nào, nên chọn ngành nào, trường gì?.

Để đến cận kề mùa tuyển sinh mới đi tìm câu trả lời “nên chọn nghề gì?” thì đã là rất muộn. Bởi chương trình giáo dục THPT hiện nay có định hướng nghề nghiệp rất rõ, đòi hỏi học sinh phải có sự lựa chọn môn học ngay từ những năm đầu cấp, phù hợp với nguyện vọng nghề nghiệp tương lai của mình.

Thậm chí, có những em hiểu năng lực học tập phù hợp với khối học của mình, nhưng vẫn hoang mang khi không biết lựa chọn ngành nghề nào cho phù hợp với bản thân. Cái giá của sự hoang mang đó là nhiều em đã phải bỏ dở chương trình đại học, khi nhận ra đây không phải là nghề phù hợp với mình.

Chương trình tư vấn hướng nghiệp “Khám phá bản thân, định hướng tương lai” dành cho học sinh khối 10, khối 11 với sự tham dự của nhiều chuyên gia giáo dục. (Ảnh Bá Đại)

Chương trình tư vấn hướng nghiệp “Khám phá bản thân, định hướng tương lai” dành cho học sinh khối 10, khối 11 với sự tham dự của nhiều chuyên gia giáo dục. (Ảnh Bá Đại)

Đánh giá về tầm quan trọng của việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh, TS Phạm Sỹ Cường, Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành, khẳng định tư vấn hướng nghiệp là công việc rất quan trọng của nhà trường.

“Chương trình GDPT 2018 chú trọng rất nhiều đến hướng nghiệp. Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành cũng rất quan tâm đến công tác hướng nghiệp. Điều này thể hiện ở nhận thức nhất quán với chủ trương của Bộ GD-ĐT cùng nguyên tắc ba chữ vàng là nhân cách, trí tuệ và thích ứng. Cụ thể hơn, đó là giáo dục nhân cách, trang bị trí tuệ cho học sinh, giúp các em thích ứng trên nền tảng của đôi chân nhân cách và trí tuệ” – TS Phạm Sỹ Cường nhấn mạnh.

Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành nói thêm, để học sinh có thể mở ra nhiều cánh cửa tươi sáng trong tương lai, trước hết, các em phải biết được bản thân mình đam mê ngành nghề nào và tiếp xúc sớm với những ngành nghề đó thông qua các buổi tư vấn, hội thảo, trao đổi kết hợp với các cơ sở đào tạo đại học… Các thầy cô giáo chủ nhiệm cũng như giáo viên bộ môn rất chú trọng việc định hướng cho học sinh sao cho các em có thể chọn ngành nghề đúng với niềm đam mê và năng lực của bản thân.

“Nhà trường lên kế hoạch cụ thể và tổng thể, theo từng chặng đường của học sinh, giúp các em có định hướng, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng nhất. Chúng tôi cũng cùng ban phụ huynh và các chuyên gia, các thầy cô, cả các cựu học sinh phối hợp rất chặt chẽ.

Tôi có ba câu châm ngôn muốn chia sẻ, đó là không phải nghề nghiệp làm danh giá cho con người, mà chính con người làm danh giá cho nghề nghiệp (Luis Pasteur)… Chúng ta có thể có một nghề hoặc nhiều nghề, hoặc ta không chọn nghề mà nghề chọn ta, nhưng dù chúng ta làm gì, chúng ta vẫn phải làm hết mình, tốt nhất có thể.

Câu thứ hai, là bằng cách ghi lại ước mơ và mục tiêu ấy trên giấy, bạn đã bắt đầu hành trình trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Hãy nắm giữ tương lai trong bàn tay của bạn.

Câu thứ ba, tôi đã ghi trong sổ tay từ những năm còn học cấp 3, muốn yêu đẹp bạn cũng cần phải thông minh. Yêu ở đây không chỉ là tình yêu đôi lứa, mà có cả tình yêu nghề nghiệp, tình yêu lớn. Muốn yêu đẹp phải thông mình, có sự hiểu biết để có lựa chọn đúng đắn” – TS Phạm Sỹ Cường chia sẻ với các học sinh.

Ông cũng cho hay Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành luôn chú trọng hai bộ môn ngoại ngữ và tin học. 95% học sinh của trường trước khi tốt nghiệp có chứng chỉ ngoại ngữ IELTS.

Chia sẻ tại chương trình tư vấn hướng nghiệp “Khám phá bản thân, định hướng tương lai” dành cho học sinh do Trường THCS Nguyễn Tất Thành phối hợp với Ban đại diện Cha mẹ học sinh khối 10 và 11 tổ chức, TS Trương Thị Hoa, giảng viên Trường ĐH Sư phạm Hà Nội - người đồng hành cùng nhiều học sinh qua nhiều mùa tuyển sinh - nhấn mạnh: Tư vấn hướng nghiệp là “chìa khóa” giúp học sinh mở ra nhiều cánh cửa cho tương lai.

“Tư vấn hướng nghiệp giúp các em chọn ngành nghề đúng với niềm đam mê và năng lực của bản thân. Hướng nghiệp đúng và kịp thời sẽ giúp học sinh và phụ huynh biết được năng lực học tập, điều kiện phù hợp với thiên hướng ngành nghề nào để có những lựa chọn chính xác nhất” – TS Trương Thị Hoa nói.

Chuyên gia này cũng đưa ra nhiều bài test trực tiếp cùng những ví dụ sinh động giúp học sinh có những bước chọn ngành nghề hợp lý nhất sau khi tốt nghiệp THPT. Đó là hiểu về bản thân: Hiểu ngành, nghề; Hiểu trường đào tạo; Trải nghiệm và ra quyết định. Cuối cùng là lập kế hoạch. Bà cũng nhấn mạnh, tư vấn hướng nghiệp không phải đợi đến cuối cấp học mới thực hiện mà cần triển khai xuyên suốt.

Phụ huynh học sinh tham gia trao đổi tại chương trình. (Ảnh Bá Đại)

Phụ huynh học sinh tham gia trao đổi tại chương trình. (Ảnh Bá Đại)

Cũng tại chương trình, thạc sĩ Đặng Thị Ngọc Quyên, Trưởng phòng hợp tác, Trường ĐH Anh quốc Việt Nam (BUV), PGS Lê Thái Phong, Chủ nhiệm khoa Quản trị Kinh doanh, Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội, ông Đặng Việt Bách, Chủ tịch HDQT tập đoàn Sóng Thần, em Nguyễn Hoàng Dương, thủ khoa đầu ra khóa K62 Trường ĐH Kinh tế quốc dân, cựu học sinh Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành… đã dành nhiều thời gian trả lời các câu hỏi của nhiều các học sinh.

Những băn khoăn về việc làm sao hiểu được điểm mạnh của bản thân để chọn nghề; nên lựa chọn công việc ý nghĩa hay lựa chọn công việc để kiếm sống? Khi các trường ĐH chuộng xét tuyển sớm, kế hoạch học tập của học sinh cần được chuẩn bị như thế nào đã được các chuyên gia giải đáp chi tiết, thuyết phục…

Chia sẻ về chương trình, ông Đặng Việt Bách – Trưởng Ban đại diện Cha mẹ học sinh trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành nói: “Là người làm cha mẹ, chúng tôi thấu hiểu con mình đang cần gì. Bản thân chúng tôi cũng rất hoang mang không biết những sự định hướng của mình, sự lựa chọn của con có thực sự phù hợp với năng lực của con không? Chương trình này đã “khai mở” cho các con, cho những người làm cha mẹ những kiến thức thực sự hữu ích. Bởi một trong những yếu tố quan trọng dẫn tới sự thành công của mỗi người là phải hiểu được bản thân mình.”

Thầy cô giáo và các diễn giả, phụ huynh học sinh tham gia buổi Tư vấn hướng nghiệp. (Ảnh Bá Đại)

Thầy cô giáo và các diễn giả, phụ huynh học sinh tham gia buổi Tư vấn hướng nghiệp. (Ảnh Bá Đại)

Hoàng Lan - Vân Tùng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/muon-yeu-dep-ban-cung-can-phai-thong-minh-post526241.html