Muôn màu đón Tết của giới trẻ Việt

Ngày nay, khi cuộc sống hiện đại hơn, bên cạnh việc thu xếp công việc, trở về gia đình đón Tết đoàn viên thì nhiều bạn trẻ đang lựa chọn đi du lịch, trải nghiệm các vùng đất mới để chia sẻ niềm vui đón Tết. Dù cách thức đón Tết có sự thay đổi, nhưng trong tâm thức giới trẻ, Tết vẫn là thời khắc để chia sẻ, yêu thương.

Trở về mái nhà đoàn viên

Sau 2 năm làm việc xa gia đình với bao niềm vui, nỗi buồn, chị Lê Hương (sinh năm 1997, đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc) trở về quê hương đón Tết với cha mẹ bằng niềm vui rạng ngời, hạnh phúc.

Tết là thời khắc đoàn viên của những người con xa quê.

Tết là thời khắc đoàn viên của những người con xa quê.

Năm nào cũng vậy, mỗi dịp về quê đón Tết, trong lỉnh kỉnh hành lý của Hương cũng có một vài món quà cho cha, mấy tấm áo đẹp cho mẹ, vài hộp bánh mứt biếu ông bà, bố mẹ. Lê Hương chia sẻ: “Nhiều khi la rầy vì sợ con tốn kém nhưng chẳng khó để nhận thấy sự tự hào của cha mẹ về sự trưởng thành và hiếu thảo của con cái. Thỉnh thoảng, có bà con hàng xóm sang chơi cha mẹ vẫn kể về mình bằng giọng đầy tự hào. Rằng dù ở xa nhà nhưng mỗi dịp lễ Tết con luôn nhớ tới ông bà, bố mẹ và luôn muốn trở về nhà”.

Đây cũng chính là động lực để những người con lập nghiệp xa quê như Lê Hương luôn phải cố gắng từng ngày để cha mẹ đỡ phần lo lắng cho mình.

Ngồi quây quần bên nồi bánh chưng đêm 29 Tết cùng gia đình, Lê Hương tâm sự, trở về nhà dịp Tết, ngồi trông bánh chưng, nghe cha mẹ kể chuyện một năm vất vả với đồng áng, ruộng vườn… thương biết bao nhiêu. Đây cũng chính là đông lực cho những người con làm ăn, sinh sống xa quê như cô cố gắng hơn nữa, bởi những gì cô có được ngày hôm nay chính là từ giọt mồ hôi, sự lam lũ của bố mẹ.

Ngày 29 Tết cùng ngồi quây quần bên nồi bánh chưng kể chuyện một năm đã qua.

Ngày 29 Tết cùng ngồi quây quần bên nồi bánh chưng kể chuyện một năm đã qua.

Chưa trải qua cuộc sống mưu sinh vất vả như Lê Hương nhưng Nguyễn Hà Trang (sinh viên năm nhất trường Đại học Quốc gia Hà Nội) cũng luôn đếm từng ngày để được về nhà. Lần đầu tiên xa nhà và bước vào ngưỡng cửa đại học, Trang lại càng mong ngóng Tết hơn bao giờ hết. Vậy nên Tết năm nay, cô quyết định về nhà từ 23 Tết để đi chợ với mẹ. Trang cho biết thích cảm giác rộn ràng lau dọn nhà cửa cùng cậu em trai lớp 9, háo hức khi cùng mẹ lựa chọn từng bó hoa tươi thắm, mua những hộp bánh kẹo đẹp mắt và lựa chọn nguyên liệu tươi ngon cho mâm cơm ngày Tết.

Còn Tú Uyên, sinh viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền cũng luôn mong chờ đến Tết để được về nhà, trở về với không gian gia đình truyền thống. Năm nào cũng vậy, cận Tết là Tú Uyên sẽ bắt xe khách để về quê (phường Cửa Nam, thành phố Vinh). Về để quây quần với gia đình, chờ đón khoảnh khắc giao thừa và đi hái lộc đầu năm. “Tết ở nhà là những khoảnh khắc quý giá, từ việc cùng mẹ chuẩn bị mâm cỗ Tết, trang trí nhà cửa đến các buổi chiều lang thang trên con đường quê yên bình, nơi mỗi ngôi nhà đều rực rỡ ánh đèn và màu sắc của hoa mai, hoa đào. Mình cũng dành thời gian để đi thăm ông bà, người thân, thể hiện lòng biết ơn đối với cha mẹ đã nuôi dưỡng và dạy dỗ mình”, Tú Uyên tâm sự.

Háo hức với những chuyến đi xa

Trong tâm thức của người người dân Việt Nam nói chung, Tết cổ truyền là thời điểm thiêng liêng. Tết là để trở về, quây quần bên gia đình thân yêu sau một năm làm việc vất vả. Nhưng hiện nay, nhiều người đã quan niệm rằng, việc sum họp dịp lễ Tết hay lựa chọn du lịch xả hơi sau một năm bận rộn.

“Xách ba lô lên và đi” là cách thưởng thức một cái Tết rất riêng của các bạn trẻ ham “xê dịch”. Từ khi còn học cấp 3, Lê Trần Thu Uyên (sinh năm 1997, Hà Nội) luôn chọn đón Giao thừa ở một điểm đến mà cô yêu thích. Kế hoạch năm nay của Thu Uyên và gia đình là rong ruổi trên cung đường từ Bắc vào Nam và đón giao thừa bằng việc ngắm pháo hoa tại Đà Nẵng. Trước đó, vào dịp Tết Quý Mão 2023, cô đã có một chuyến du lịch tới Ấn Độ.

“Xách ba lô lên và đi” là cách thưởng thức một cái Tết rất riêng của các bạn trẻ ham “xê dịch”. (Ảnh: NVCC)

“Xách ba lô lên và đi” là cách thưởng thức một cái Tết rất riêng của các bạn trẻ ham “xê dịch”. (Ảnh: NVCC)

Thu Uyên cho hay: “Bố mẹ mình suy nghĩ rất thoáng, không gò ép ngày Tết phải là những ngày sum họp cùng gia đình. Vì mình còn trẻ nên bố mẹ cũng không phản đối việc trải nghiệm những vùng đất mới mà luôn đồng hành với mình. Mình nghĩ rằng việc đi du lịch vào những ngày Tết cũng góp thêm kiến thức vào cuốn “bách khoa toàn thư” của chúng ta. Những chuyến đi giúp ta có cơ hội giao lưu, học hỏi nền văn hóa giữa các nước”.

Cùng đam mê du lịch xuyên Tết, Đặng Lan Hương (sinh năm 2000, sống tại thành phố Hồ Chí Minh) chia sẻ. Đây là năm thứ 2 Hương chọn đón Tết xa nhà, ban đầu bố mẹ cô không hài lòng lắm, nhưng sau khi được cô thuyết phục, bố mẹ không còn phản đối nữa.

Tết năm nay, điểm đến của Lan Hương là mảnh đất Hà Giang xinh đẹp. “Tết ở Hà Giang của mình thật khác biệt. Thời tiết rất đẹp, buổi sáng trời lạnh, trưa chiều có nắng. Mình di chuyển giữa những triền núi bằng xe máy, ngắm mai anh đào nở rộ. Thi thoảng tôi đứng sững trước vẻ đẹp của hoa mơ, hoa cải…”, Hương nói.

Cô cho biết đã được ăn Tết cùng người Lô Lô. Trước thềm giao thừa, họ sẽ mổ lợn để cúng tất niên (tương tự người Kinh). Con lợn gia đình nuôi cả năm được cúng tổ tiên sau đó đưa đi làm thành nhiều món đãi họ hàng, bạn bè, hàng xóm xung quanh. Phần thịt còn lại thì treo ở bếp thành món thịt treo gác bếp. Các gia đình sẽ lần lượt ăn tiệc từ nhà này đến nhà khác. Ngoài ra, dịp Tết là thời điểm cho các cô gái người H'Mông, người Dao khoác lên mình những bộ trang phục rực rỡ. “Mình cũng đã thử và chúng thật đẹp…”, Lan Hương khoe.

Ngày mùng 1 Tết, gia đình Thu Uyên đi chùa Linh Ứng (Đà Nẵng) cầu may.

Ngày mùng 1 Tết, gia đình Thu Uyên đi chùa Linh Ứng (Đà Nẵng) cầu may.

Ngày nay, nhiều người trẻ dường như đã “cởi trói” cho văn hóa đón Tết truyền thống. Dường như Tết chỉ dành cho sự hưởng thụ, nghỉ ngơi và tận dụng thời gian để khám phá du lịch.

Không chỉ riêng giới trẻ, nhiều gia đình ở Hà Nội cũng chọn đi du lịch vào dịp Tết. Theo chị Kim Chi (quận Tây Hồ, Hà Nội) 5 năm gần đây gia đình chị chủ yếu đón Tết ở những điểm đến du lịch. Chị Chi cho biết, trước đây đón Tết ở nhà chị cảm thấy áp lực và mệt mỏi khi phải lo đủ thứ từ sắm Tết đến nấu cỗ, rửa bát. Theo thời gian chị dần sợ Tết.

“Cả một năm làm việc mệt mỏi nên chỉ mong đến Tết để được nghỉ ngơi. Tuy nhiên tôi chỉ quanh quẩn ở nhà cơm, nước cỗ bàn. Thấy gia đình một vài người bạn cũng thường đi du lịch xuyên Tết để giải tỏa áp lực, tôi đã áp dụng và vẫn duy trì thói quen này trong suốt 5 năm qua”, chị Chi chia sẻ.

Năm nay, gia đình 4 thành viên của chị Chi đã có kế hoạch đón Tết ở Phú Quốc. Chị Chi đã lên kế hoạch cho chuyến du lịch dịp Tết bằng việc đặt vé máy bay và khách sạn ngay từ tháng 11. Chị cho biết sau khi hoàn tất việc sắm sửa lễ Tết ở cả 2 bên nội ngoại, sáng mùng 2 Tết cả gia đình sẽ lên máy bay để đón Tết ở “nơi xa”. “Trong năm, các con đi học, vợ chồng tôi cũng đi làm nên khó có thể sắp xếp được những chuyến đi đông đủ như thế này. Chúng tôi chỉ mong chờ đến Tết để có chuyến đi nghỉ dưỡng cùng nhau”, chị Chi cho hay.

Lê Thắm

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/muon-mau-don-tet-cua-gioi-tre-viet-166183.html