'Mượn cớ' làm đường, nhà thầu tự ý khai thác đá

Sau 3 năm thi công, các tuyến đường ở xã vùng cao huyện Phước Sơn (Quảng Nam) vẫn dang dở. Điều đáng nói, ngoài sự chậm trễ trong thi công, nhà thầu còn tự ý khai thác đá dù chưa được cấp phép.

Công ty TNHH Minh Khang (nhà thầu dự án tuyến đường ĐH1) đang tự ý khai thác đá

Công ty TNHH Minh Khang (nhà thầu dự án tuyến đường ĐH1) đang tự ý khai thác đá

Thi công ì ạch

Sau đợt sạt lở kinh hoàng vào mùa mưa năm 2020, các tuyến đường giao thông ĐH1, ĐH2, ĐH5 bị hư hỏng nặng, ảnh hưởng đến giao thông, đi lại của nhân dân 5 xã vùng cao huyện Phước Sơn. Trung ương và tỉnh Quảng Nam đã bố trí kinh phí để khôi phục, tái thiết các tuyến giao thông này. Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng và phát triển quỹ đất huyện Phước Sơn được giao làm chủ đầu tư.

Theo đó, Dự án khôi phục, tái thiết tuyến ĐH1 (đoạn Phước Kim - Phước Thành), huyện Phước Sơn có tổng mức đầu tư 150 tỷ đồng. Đến nay, khối lượng thực hiện so với hợp đồng là 60,783/135,65 tỷ đồng, đạt 44,81% giá trị hợp đồng.

Dự án khôi phục, tái thiết tuyến ĐH2 (đoạn Phước Thành - Phước Lộc) có tổng mức đầu tư 152 tỷ đồng. Đến nay, khối lượng thực hiện so với hợp đồng là 62,75/130,1 tỷ đồng, đạt 48,23% giá trị hợp đồng.

Dự án đường ĐH5 (đoạn Phước Công - Phước Lộc) có tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng. Đến nay, khối lượng thực hiện so với hợp đồng là 23,5/78,5 tỷ đồng, đạt 29,94% giá trị hợp đồng.

Lý giải về nguyên nhân chậm trễ, ông Trần Phú Hòa, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn đầu tư xây dựng Trung Trung Bộ cho hay, công ty ông đang thi công 2 tuyến đường ĐH2, ĐH5, nhưng tại địa phương không có mỏ cát, đá, nên phải lấy cát, đá từ địa phương khác, cùng với khí hậu khắc nghiệt làm ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.

“Một khối cát, đá vận chuyển từ Đông Giang đến công trình ĐH2, ĐH5, doanh nghiệp lỗ khoảng 200.000 đồng. Ngoài khó khăn về vật liệu, thời tiết, thì nguồn vốn cũng là vấn đề nan giải, bởi doanh nghiệp không đủ vốn để thực hiện dự án, trong khi Nhà nước chỉ cho tạm ứng 10% khối lượng công trình”, ông Hòa nói.

UBND huyện Phước Sơn cho biết, huyện thường xuyên tổ chức kiểm tra hiện trường và làm việc với các đơn vị, nhà thầu để đôn đốc tiến độ triển khai cũng như tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai thi công. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân, tiến độ triển khai thực hiện còn chậm so với yêu cầu. Ngoài những nguyên nhân khách quan như giao thông khó khăn, thời tiết bất lợi, mưa nhiều trong năm 2022 và 2023, giá vật tư, vật liệu tăng cao…, thì còn nguyên nhân chủ quan là hầu hết nhà thầu không đảm bảo các điều kiện thi công theo hồ sơ dự thầu.

Ông Lê Quang Trung, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho biết, huyện đã chỉ đạo chủ đầu tư làm việc với các nhà thầu, yêu cầu có cam kết tiến độ triển khai thực hiện đối với dự án. Đồng thời, huyện cũng đặt ra yêu cầu phải có khối lượng thi công thì mới tiếp tục đề nghị các cấp thẩm quyền gia hạn dự án, nếu không sẽ thực hiện các biện pháp mạnh như chấm dứt hợp đồng đối với nhà thầu. UBND huyện đặt mục tiêu hoàn thành các công trình này trước tháng 6/2025.

Dù UBND huyện Phước Sơn thường xuyên chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh tiến độ, nhưng theo ghi nhận của phóng viên Báo Đầu tư, trên công trường rất ít công nhân, máy móc thi công.

Tương tự, ông Lê Văn Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thừa nhận, các dự án đã tiến hành được 3 năm, nhưng tiến độ thi công còn rất chậm. Năng lực thi công của các nhà thầu chưa đảm bảo theo điều kiện hợp đồng.

Để khắc phục tình hình này, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đề nghị lãnh đạo địa phương tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa. Các sở, ngành tham mưu UBND tỉnh những giải pháp trong việc đôn đốc thi công.

Về nguồn vốn, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam chỉ đạo, nơi nào có khối lượng nhiều mà tiền ít thì lấy tiền ở nơi không có khối lượng, chuyển cho nơi có khối lượng để thanh toán, giải ngân cho tốt.

“Đây là công trình cấp thiết, phòng chống thiên tai, tạo thuận lợi cho giao thông đi lại của nhân dân. Do đó, tỉnh quyết không để thiếu vốn cho các dự án này. UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu về nguồn vốn khi huyện Phước Sơn đề xuất, nhưng phải đảm điều kiện cho phép”, ông Lê Văn Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo ông Dũng, tỉnh sẽ trích vốn từ nguồn tăng thu tiết kiệm chi, nguồn Trung ương thưởng vượt thu cho tỉnh để ưu tiên thực hiện các dự án này.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu huyện Phước Sơn phải quyết liệt hơn, thậm chí nhà thầu nào thiếu tích cực thì chấm dứt hợp đồng với nhà thầu đó, tìm nhà thầu khác.

Dấu hiệu khai thác đá trái phép

Điều đáng nói, Dự án Khôi phục, tái thiết tuyến ĐH1 (đoạn Phước Kim - Phước Thành) không chỉ chậm tiến độ, mà nhà thầu thi công dự án này (Công ty TNHH Minh Khang), có dấu hiệu khai thác khoáng sản trái phép để phục vụ dự án.

Ghi nhận tại hiện trường, nhà thầu đã khai thác, chế biến đá để làm vật liệu xây dựng, không chỉ đá tận thu, mà cả các loại đá cuội lấy từ sông, suối...

Việc tự ý khai thác, chế biến đá xây dựng tại đây diễn ra từ năm 2022. Đến ngày 6/5/2024, Công ty TNHH Minh Khang mới có tờ trình đề nghị tỉnh cho phép lập hồ sơ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường để thi công đường ĐH1. Như vậy là, dù chưa được cấp phép, nhưng nhà thầu đã tự ý khai thác đá xây dựng trong 2 năm trời.

Liên quan vấn đề này, ngày 30/8, Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Nam báo cáo UBND tỉnh xem xét chủ trương cho phép Công ty Minh Khang lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, Chủ tịch UBND huyện Phước Sơn cho hay, hiện UBND tỉnh vẫn chưa có quyết định cuối cùng về việc tận thu đá để làm vật liệu thông thường phục vụ công trình. Có nghĩa, nhà thầu chưa được phép tận thu đá trên tuyến ĐH1.

Thanh Chung

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/muon-co-lam-duong-nha-thau-tu-y-khai-thac-da-d225541.html