Mùa xuân nho nhỏ
Lần đầu tiên, khoảng năm 1981, khi đang học lớp 10-11 gì đó, tôi được nghe 'Một mùa xuân nho nhỏ', biết người phổ từ bài thơ cùng tên của Thanh Hải - nhạc sĩ Trần Hoàn - tại sân khấu Nhà văn hóa trung tâm, là tiết mục mở đầu chương trình biểu diễn của Đoàn ca múa nhạc từ Hà Nội vào, với những tên tuổi đình đám thời đó, như: Ái Vân, Lệ Quyên, Quang Huy…
Hơn 20 năm sau, tôi mới “thực mục sở thị” trên giảng đường Trường đại học Sư phạm Huế ở tối giao lưu với công chúng Cố đô, do diễn viên Khánh Huyền dẫn chương trình, ông nói giọng miền Trung trầm ấm, dân dã pha chút hóm hỉnh, tác phong giản dị, gần gũi, khuôn mặt hiền từ, nhân hậu, cuốn hút người nghe. Những gì tôi biết về ông chỉ vậy, ngoài ra còn thêm giai thoại do nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường vừa kể vừa cười rung cả vai; rằng trong lúc cao hứng, một số anh em ở Huế hát nhại “Lời người ra đi”, thu âm và nhờ nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo nhân ra Hà Nội gửi ông. Ông mở nghe, lấy đàn đệm rồi điện vào phê bình: mấy chú hát nhạc anh sai nhiều quá!
Gần đây, đọc tập hồi ký “Những kỷ niệm khó quên” của Trần Hoàn, NXB Chính trị quốc gia cho ra mắt bạn đọc năm 1998, trước lúc ông đi xa tới 5 năm, tôi hiểu thêm và thực sự ấn tượng, cảm phục nhạc sĩ và thủ trưởng của ông - thiếu tướng Lê Chưởng - Trưởng ban Tuyên huấn Khu ủy Trị Thiên, tràn đầy khí chất nghệ sĩ khi cuộc chiến đang ở giai đoạn khốc liệt trong chuyến “hạ sơn” Xuân 1968, lúc ngang làng tôi lẫn thái độ trân trọng quá khứ với những tháng ngày hào hùng, oanh liệt của nhạc sĩ.
Trong hồi ức “Xung quanh hầm chỉ huy”, ông cho biết vì bất cẩn nên bị bỏng, không thể cùng đồng chí, đồng đội tiến về Huế theo đúng kế hoạch; đề đạt nguyện vọng cháy bỏng lên cấp trên, ông mới được theo đoàn lãnh đạo Quân khu, Khu ủy về Sở chỉ huy mặt trận cánh Bắc đóng ở làng An Ninh Hạ. “Ba giờ chiều ngày mồng 8 tết, theo một đồng chí giao liên, chúng tôi về Huế. Phải mất một giờ, chúng tôi mới ra tới bìa rừng. Từ đó xuống chỗ anh Nam Sinh, địa điểm liên lạc của Ban chỉ huy cánh bắc còn phải đi mất ba giờ nữa… Thấp thoáng đã thấy những cánh đồng nối tiếp nhau chạy dài. Tôi kịp nhận ra từ xa một con đường đỏ mờ ảo trong nắng chiều… Gọi là “đường chiến lược” nhưng thật ra cũng chỉ là thứ huyện lộ đã hư hỏng nhiều. Nó vòng qua làng An Đô, đưa chúng tôi lên dốc “Ông Ầm”, rồi đổ xuống vùng La Chữ.
"Chiều rộng của không gian, cái đẹp của những làn khói lam chiều bốc lên từ những lũy tre xanh, màu vàng của ngò, cải đơm hoa, như tạo nên vô vàn cảm xúc. Thấy trời còn sớm, anh Đặng Kinh, Tư lệnh phó Quân khu cùng đi với anh Chín (tức đ/c Lê Chưởng) xuống núi, ra lệnh nghỉ một lát… Trong lúc đó, anh Chín đang trầm tư trên tảng đá cao. Anh nhìn quanh, nhìn quẩn qua chiếc ống nhòm, rạng rỡ và đột nhiên quay lại gọi tôi: - Hoàn ơi! Lại đây mình nói cái này. Sau này thắng lợi rồi, phải dựng ở đây, ngay chỗ này một pho tượng rất to, rất hùng vĩ. Mà không, phải là một tượng tập thể, một nhóm tượng và những người chiến sĩ giải phóng quân xuống núi. Chao ơi, đẹp biết mấy… Đến La Chữ thì trời xẩm tối. Cánh cổng gỗ đề mấy chữ “Ấp Tân Sinh”, ghi dấu tên làng trọng điểm bình định của Thiệu - Kỳ, bị đạp đổ, ngã chỏng gọng bên lối đi. Đây đó có mấy chiếc trực thăng ăn đạn của du kích năm tênh hênh giữa ruộng lúa…”.
Đất nước thống nhất, năm 1978, ông thăm lại chiến trường xưa và bộc lộ: “Đường tìm ký ức sao mà bồi hồi đến thế. Quang cảnh khác hẳn. Làng La Chữ bây giờ đã là một trọng điểm hợp tác hóa nông nghiệp của huyện Hương Điền. Đường lên An Đô, dốc Ông Ầm vẫn như xưa. Tuy đường loang lổ, hư hỏng nhiều nhưng cũng không ngăn cản được chiếc jeep 2 cầu, do sự thôi thúc của tôi mà trở nên dũng mãnh lạ thường… Tôi tìm lại đoạn đường xưa, không khó khăn lắm. Nó vẫn còn đó, với những tảng đá đã rêu phong bên cạnh đường, những bụi duối đã sinh sôi nảy nở. Bất giác tôi bùi ngùi nhớ đến anh Chín.
Tầm mắt tôi phóng ngược lên phía trên xa, xa tít, dừng lại ở khoảng xanh trùng điệp của Trường Sơn, cố gắng xác định chiếc hầm chỉ huy ngày nào mà tôi từng sống và công tác với anh rồi vòng lại ôm cả làng An Đô rẽ qua dốc Ông Ầm, dừng lại phía tảng đá trước kia anh đã ngồi. Tôi như thấy anh còn đó, bên vệ đường, tay cầm chiếc ống nhòm, đang say sưa nhìn về Huế, với mái tóc đen nhánh, đường rẽ thẳng tắp và nụ cười thường trực trên môi. Trong tôi bỗng vang lên một tiếng nói, một tiếng nói buồn buồn, thương cảm: - Anh Chín ơi, giá anh còn sống để thấy lại cảnh này. Em cũng nghĩ như anh, thế nào cũng phải tạc ở đây một bức tượng. Mà không, một tượng tập thể, một nhóm tượng về những chiến sĩ giải phóng quân xuống núi, để nhớ lại quá khứ anh hùng, và để mãi mãi nhớ tới anh…”.
Ngày 2/8/2017, UBND tỉnh quyết định công nhận dốc Ông Ầm là di tích lịch sử (lưu niệm sự kiện) cấp tỉnh. Xuân Canh Tý (2020), thị xã Hương Trà đã dựng bia chứng tích, trong phạm vi bán kính cỡ cây số nhìn nổi bật do dãy đồi núi trập trùng phía sau làm nền! Biết đâu ý tưởng của vị tướng và mối đồng cảm của nguyên Tư lệnh ngành Văn hóa - thông tin khơi nguồn cảm hứng cho các thế hệ mai sau nghiên cứu, thực hiện! Hy vọng thời gian không xa, tượng đài hay cụm tượng đài hoành tráng sẽ sừng sững trên đỉnh dốc, thỏa ước nguyện của bậc tiền bối!
Hàng chục năm qua, mỗi dịp tết đến, xuân về, giai điệu du dương của “Mùa xuân nho nhỏ” lại vang lên trên sóng phát thanh - truyền hình, chưa kể nó còn là nhạc hiệu của Đài tỉnh và Đài thành phố, chứng tỏ sức sống mãnh liệt và tầm vóc không hề “nho nhỏ” chút nào của tác phẩm. Bài hát góp phần tôn vinh “Trần Hoàn - nhà văn hóa tài ba, người nghệ sĩ, chiến sĩ ưu tú”.
Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/doi-song/mua-xuan-nho-nho-137254.html