Múa rồng - Nét văn hóa độc đáo ngày Xuân
Từ lâu, múa rồng đã trở thành món ăn tinh thần, nét văn hóa độc đáo trong dịp Tết đến, xuân về. Múa rồng mang theo ước vọng cầu mong mong sự thịnh vượng, phát đạt, hanh thông và hạnh phúc cho mọi nhà. Khi tiếng trống vang lên, người già, trẻ nhỏ lại háo hức dõi theo.
Múa rồng mang ý nghĩa bày tỏ sự biết ơn
Mảnh đất Thăng Long xưa được coi là cái nôi phát triển loại hình múa rồng, với Hà Nội - “Thành phố rồng bay” thì hình tượng rồng lại càng gần gũi, thân thương. Hiện nay, ở các vùng quê như Chương Mỹ, Thanh Trì, Thanh Oai… vào đầu xuân thường tổ chức các đội thi múa rồng với các điệu rồng chầu, rồng lượn, rồng bay, rồng uốn khúc… Những màn múa đã thổi hồn cho mùa xuân thêm sôi nổi, hào hứng và ý nghĩa. Điều đó là minh chứng cho thấy múa rồng vẫn đang tồn tại ở đất Thăng Long chứ không hề mai một.
Lý giải vì sao múa rồng trở thành nét văn hóa gần gũi với người dân mỗi dịp Tết đến, Xuân về, GS.TS, Nhà giáo Ưu tú, Bùi Quang Thanh - Viện Văn học nghệ thuật Quốc gia Việt Nam cho biết, Rồng là biểu tượng, là linh vật có ở nhiều nước trên thế giới, khi đến Việt Nam rồng gắn với nền nông nghiệp lúa nước, được coi là vật tổ gắn với truyền thuyết “Con Rồng, cháu Tiên”.
Trước đây, múa rồng thường diễn ra sau khi kết thúc mùa vụ, đó gần như một cuộc ăn mừng của người dân sau vụ mùa vất vả. Những động tác múa rồng thường mô tả lại hoạt động của con người chống lại lực lượng siêu nhiên để bảo vệ mùa màng. Bài múa mô phỏng lại cuộc sống của người dân, ví dụ như làm ăn, đánh nhau với thủy quái chống lại lũ lụt bảo vệ mùa màng… Những động tác ấy được người múa thể hiện lại làm sao kết hợp giữa chuyển động ở đầu rồng, thân rồng, đuôi rồng một cách nhuần nhuyễn.
“Múa rồng mang ý nghĩa bày tỏ sự biết ơn của người dân khi có một mùa màng bội thu, đồng thời thể hiện ước mơ về một mùa vụ mới mưa thuận gió hòa, được tươi tốt hơn. Ngày nay, rồng trở thành biểu tượng văn hóa mang ý nghĩa đa dạng hơn, thể hiện ước mơ của con người về một vùng đất làm ăn phát đạt, đời sống khấm khá. Ngoài ra, khi rồng đi vào không gian của triều đình, lúc này rồng gắn với hình ảnh của vua, gắn với biểu tượng sức mạnh, sự quyền uy. Múa rồng trong những dịp Tết tượng trưng cho sự thịnh vượng, hạnh phúc và hanh thông. Trong múa rồng, các đội múa thường chọn theo số lẻ, bởi theo quan niệm của dân gian những số lẻ, số 7, số 9 là biểu tượng về ước mơ, sự trọn vẹn của hạnh phúc”, GS.TS, Nhà giáo Ưu tú, Bùi Quang Thanh chia sẻ.
Trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa của cha ông
Suốt 15 năm qua, võ sư Bùi Viết Tưởng (xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) - Trưởng đoàn võ thuật lân sư rồng Tưởng Nghĩa Đường đã miệt mài lưu giữ nét đẹp văn hóa múa rồng.
Theo võ sư Tưởng: “Đội múa rồng của Câu lạc bộ có 100 thành viên cùng luyện tập và dựng các bài biểu diễn. Cùng với việc lồng ghép võ thuật chúng tôi mang đến hình ảnh những chú rồng khỏe mạnh, uy dũng. Điều tạo động lực cho chúng tôi gìn giữ nét đẹp văn hóa đó là sự yêu mến, ủng hộ ngày càng nhiều của người dân để môn nghệ thuật này ngày càng được tỏa sáng. Đặc biệt sự đón nhận thích thú của các bạn trẻ là niềm động viên thiết thực để chúng tôi lan tỏa nét đẹp múa rồng”.
Cũng theo võ sư Tưởng, điều làm nên nét đặc sắc của múa rồng Hà Nội so với các địa phương khác đó chính là hình ảnh rồng mang dáng dấp từ thời Lý, thời Trần. Trên mình rồng có sự sắc sảo, phản quang, chi tiết tượng trưng cho sự linh thiêng, oai hùng, khí thế mạnh mẽ vươn lên.
Phải trực tiếp xem những màn múa mới biết được múa rồng là một thể nhịp nhàng đến khó ngờ. Đó là sự phối hợp thống nhất giữa người múa đầu và người múa đuôi, giữa con rồng và dàn nhạc... Là sự kết hợp giữa cương và thả, giữa lỏng và cường, tất cả phải đồng điệu.
Để điều khiển một con rồng thông thường cần khoảng từ 10 - 15 người, tùy vào kích cỡ rồng. Trang phục của người tham gia múa rồng là sự đồng đều cả màu sắc và hình khối. Nghệ thuật múa rồng ngoài sự dẻo dai còn đòi hỏi người tham gia có sức khỏe tốt, đặc biệt là người điều khiển đầu rồng và đuôi rồng, vì đầu rồng, đuôi rồng cồng kềnh, to, nặng, người múa lại phải phối hợp khi lượn sóng, lúc bay lúc lượn…
“Ai cũng có thể tham gia múa rồng nhưng để là người múa rồng tốt và hay thì lại rất khó. Người trực tiếp tham gia múa rồng phải có sức bền, tâm trạng hào hứng, đặc biệt là phải thật khí chất để nhập hồn của mình vào từng vị trí, làm sao toát lên được thần thái của rồng và tinh thần của mỗi tiết mục, nhất là khi rồng cuộn mình, nhảy nhót... Trong các vai diễn thì người múa đầu rồng phải là người có nghệ thuật múa điêu luyện nhất bởi không chỉ là sự thông minh, dứt khoát mà còn cần yếu tố sức khỏe, do đó chỉ những người nắm vững kỹ thuật, có sức khỏe mới có thể đảm nhiệm vai diễn. Rồng là con vật linh thiêng trong quan niệm của người Việt, múa rồng là nét đẹp văn hóa truyền thống, bởi vậy, chúng tôi luyện tập, biểu diễn không chỉ vì đam mê mà còn vì trách nhiệm trong việc giữ gìn, phát huy nét đẹp văn hóa của cha ông”, võ sư Bùi Viết Tưởng chia sẻ.
Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/mua-rong-net-van-hoa-doc-dao-ngay-xuan-post503305.html