Mua pháo hoa chơi Tết ở đâu, dùng loại nào để không bị phạt?
Chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Hiện một trong những mặt hàng được người dân quan tâm, tìm mua nhiều là pháo hoa. Vậy theo quy định, loại pháo hoa nào được phép sử dụng và đơn vị nào được phép sản xuất pháo hoa?
Về quản lý và sử dụng pháo, Điều 17 Nghị định 137/2020/NĐ-CP quy định, cơ quan, tổ chức, cá nhân có năng lực hành vi dân sự đầy đủ được sử dụng pháo hoa trong các trường hợp lễ, tết, sinh nhật, cưới hỏi, hội nghị, khai trương, ngày kỷ niệm...
Bên cạnh đó, Điều 3 - Nghị định này cũng nêu rõ, pháo là sản phẩm có chứa thuốc pháo, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra phản ứng hóa học nhanh, mạnh, sinh khí, tạo ra hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, gây ra tiếng nổ hoặc không gây ra tiếng nổ. Pháo bao gồm pháo nổ, pháo hoa.
Pháo nổ được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện gây ra tiếng nổ hoặc gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian; Pháo nổ gây ra tiếng rít, tiếng nổ và hiệu ứng màu sắc trong không gian được gọi là pháo hoa nổ.
Pháo hoa được chế tạo, sản xuất thủ công hoặc công nghiệp, khi có tác động của xung kích thích cơ, nhiệt, hóa hoặc điện tạo ra các hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian, không gây ra tiếng nổ.
Như vậy, theo quy định trên, vào dịp Tết, người dân được phép mua và đốt các loại pháo hoa chỉ có âm thanh, ánh sáng, màu sắc trong không gian mà không gây tiếng nổ - gọi chung là pháo hoa không nổ, Luật sư Nguyễn Thị Thu - Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.
Song, việc mua pháo hoa không nổ phải được thực hiện tại nơi sản xuất, kinh doanh đã được Nhà nước cấp phép, cho phép hoạt động sản xuất, kinh doanh pháo hoa.
Do hiện nay, Công ty TNHH Một thành viên Hóa chất 21 (hay còn gọi là Nhà máy Z121) là đơn vị duy nhất được Bộ Quốc phòng cho phép sản xuất và phân phối các sản phẩm pháo hoa. Vì vậy, nếu có nhu cầu mua pháo hoa để đốt Tết, người dân có thể đến các cửa hàng pháo hoa thuộc Nhà máy Z121 trên cả nước.
Về chế tài xử lý đối với hành vi đốt pháo trái phép, theo Luật sư Nguyễn Thị Thu - Khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021 quy định, phạt tiền từ 5-10 triệu đồng đối với hành vi sử dụng các loại pháo trái phép.
Trường hợp sử dụng pháo trái phép làm ảnh hưởng đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì cá nhân thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội gây rối trật tự công cộng.
Điều 318 Bộ luật Hình sự 2015 quy định, người nào gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng - 2 năm.
Phạm tội có tổ chức; Gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc gây đình trệ hoạt động công cộng… thì bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
Với cá nhân sản xuất, buôn bán pháo trái phép, nếu đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm sẽ bị xử lý về Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm theo Điều 190 BLHS 2015, với mức hình phạt cao nhất lên tới 15 năm tù giam - Luật sư Nguyễn Thị Thu nhấn mạnh.