Mưa lớn gây ngập, đổ hàng trăm hecta lúa ở Cà Mau
Mưa lớn liên tiếp trong những ngày qua khiến hàng trăm hecta lúa hè thu ở Cà Mau bị ngập, đổ.
Ngày 7/9, thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau, vụ lúa hè thu năm 2024 toàn tỉnh xuống giống hơn 35.000ha, hiện lúa đang trong giai đoạn đẻ nhánh, làm đòng và trổ chín.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng mưa lớn liên tiếp thời gian qua khiến hơn 600ha lúa của hơn 480 hộ dân bị ngập, đổ, ảnh hưởng năng suất (gần 300ha lúa bị thiệt hại trên 70%, còn lại thiệt hại từ 30 đến 70%).
Huyện Trần Văn Thời là một trong những địa phương của tỉnh Cà Mau có diện tích xuống giống lúa hè thu nhiều nhất với hơn 28.000ha. Đến thời điểm này, nông dân trong huyện chỉ mới thu hoạch khoảng 10% diện tích.
Một phần diện tích lúa trên địa bàn huyện đang bị ngập, đổ, nông dân gặp khó khăn trong thu hoạch, nhất là tại những vùng trũng, thấp.
Gia đình ông Nguyễn Thanh Thái (ấp Kinh Cũ, xã Trần Hợi) có 5ha lúa đang trong giai đoạn trổ bông nhưng hơn 1 nửa diện tích lúa đang bị ngập, đổ.
“Những ngày qua gia đình tôi nỗ lực bơm tát nước cứu lúa nhưng bất thành, do mực nước các kênh, mương nội đồng đều cao, việc bơm tát không hiệu quả. Vụ này xem như lỗ nặng”, ông Thái buồn bã nói.
Ngụ cùng ấp với ông Thái, ông Đặng Hoàng Nam cũng đứng ngồi không yên khi diện tích lúa của gia đình bị đổ.
“Nếu lúa không bị đổ, vụ này 1 công thu hoạch khoảng trên 30 giạ, còn giờ bị ngập kiếm 10 giạ chưa chắc có, sợ bán không được nửa, lỗ tiền phân, tiền thuốc là chắc. Giờ cũng không thể đưa máy gặt vào gặt lúa vì mực nước ở ruộng đang cao”, ông Nam nói.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cơn bão số 3 (bão Yagi) sẽ tiếp tục ảnh hưởng trong vài ngày tới, đồng nghĩa với việc thu hoạch lúa hè thu của nông dân Cà Mau còn gặp nhiều khó khăn, mức độ thiệt hại khả năng sẽ còn tăng cao.
Ông Hồ Song Toàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời cho biết, nhằm tạo thuận lợi cho việc bơm nước, tháo úng của người dân, những ngày qua UBND huyện đã phối hợp với ngành chức năng tỉnh vận hành các trạm bơm ven tuyến sông Ông Đốc.
“UBND huyện cũng chỉ đạo các ngành có liên quan khẩn trương rà soát các hợp tác xã, đẩy mạnh liên kết bao tiêu sản phẩm cho nông dân; tăng cường tuyên truyền tới người nông dân chọn và thực hiện ký kết bao tiêu với các doanh nghiệp, hợp tác xã có uy tín để đảm bảo về giá và đầu ra sản phẩm”, ông Toàn nêu giải pháp.