Mùa gió chướng quê tôi

Chiếc chuông gió bên cửa sổ phía Đông khẽ khàng leng keng từng giọt thi thoảng, e dè, mỏng manh, dấu hiệu sự xuất hiện của những đợt chướng non. Trong tôi, như đang có một sự đợi chờ... Và sáng nay, tiếng chuông bỗng rộn ràng, cuồng nhiệt, tôi cảm nhận được cái se lạnh, hiu hiu thông ngọn gió chướng tháng Chạp bắt đầu mạnh mẽ, đâu đây thoảng mùi hương quen thuộc mà tôi hằng đợi chờ.

Quê tôi, nơi có sáu tháng nước ngọt và sáu tháng nước mặn, hàng năm đến Rằm tháng Mười một âm lịch thì bắt đầu mùa nước mặn kéo dài đến tận tháng Năm của năm sau, nửa năm còn lại là mùa nước ngọt. Mùa nước ngọt, bà con trồng lúa, mùng năm tháng Năm âm lịch là gieo mạ và chờ cấy, khi lúa nở bụi là cá rô đầy đồng, khi lúa đứng, chờ gió chướng để trổ đòng đòng, cá rô ăn lớp phấn rụng, mập múp, béo ngậy.

Một đặc ân nữa của thiên nhiên dành cho quê tôi, so đũa cũng chờ chướng để đơm bông, những chùm hoa trắng muốt đong đưa xen lẫn nụ búp lúng liếng tinh nghịch như bọn trẻ ngây thơ chúng tôi ngày ấy. Vào sáng sớm, những chùm hoa chiều hôm qua còn búp, giờ đã bung nở tươi ngon còn đọng hơi sương, dịu dàng, e ấp để lộ chùm nhụy vàng tinh khiết. Chị em tôi rất mê cái túi mật nằm nơi đài hoa thơm ngọt, ba tôi không cho leo trèo nên làm cây sào dài có cái móc để hái bông so đũa. Chú Bảy Long và chú Út Thọ leo tót lên cây chọn những chùm tươi ngon nhất hái thảy xuống. Nhỏ Ngọc Nhi giơ cái nón lá ra hứng, tôi thì mê hái bông so đũa bằng cây sào, tôi thích ngước lên để ngắm bầu trời thiên thanh có những vân mây trắng nhẹ nhàng trôi và tán cây so đũa xinh đẹp từ lá đến hoa, đong đưa... đong đưa...

Chú bảy Long lớn hơn tôi một con giáp, chú hay bày nhiều trò mà chị em tôi mê tít. Chú dẫn chúng tôi và chú Út Thọ đi tìm tổ kiến vàng lấy trứng đẻ làm mồi câu cá rô, chú dùng cây sào bằng trúc dài để chọt tổ kiến vàng, một cái nón lá cột vào sợi dây và treo ngược vào đầu cây sào trúc để hứng trứng kiến, chú Bảy Long cầm sào đã treo cái nón chọt vào tổ kiến từ phía dưới lên, rung nhẹ, trứng kiến sẽ rơi vào nón treo bên dưới, kiến vàng cũng rơi xuống theo, có khi bọn tôi bị cắn đau điếng nhưng vẫn thích thú đi chọt trứng kiến, khi cái nón được hạ xuống thì tôi và nhỏ Ngọc Nhi phải nhanh chóng giũ bỏ kiến lớn, nếu không nó sẽ tha trứng đi hết, chú Bảy Long đem chiến lợi phẩm về rang với cám cho thơm, nhồi thêm cơm nguội vo thành viên làm mồi đi câu, mồi trứng kiến rất nhạy, cá rô rất khoái.

Mặt trời lên khoảng một sào là chú Bảy Long dẫn cả đám lóc nhóc chúng tôi đi câu, tôi phải năn nỉ má dữ lắm mới được cho đi, mùa cá cũng đã theo gió chướng về. Trên đồng thì nước rút, cá theo nước về kênh để chuẩn bị vào đìa, ở các đầu kênh, mặt đập, cá đớp móng như cơm sôi, mặt nước lăn tăn những vòng tròn cứ lan tỏa liên tục. Người quê bắt cá bằng nhiều cách: giăng lưới, cắm câu, làm hầm, những cái hầm đào đón luồng cá từ đồng rút về đìa, có khi nước rút nhanh quá cá xuống kênh không kịp, nằm thoi thóp chịu trận giữa đồng, thế là mọi người đi bắt gọi là bắt cá cạn.

Do ba tôi không cho chúng tôi lội bùn bắt cá cạn, ba sợ các con dẫm nhầm gai hoặc ngạnh cá chém đứt tay nên chú Bảy Long mới dẫn chúng tôi đi câu, đi câu sạch sẽ và nhàn nhã hơn bắt cá cạn. Hai cần câu, một túm nhỏ trứng kiến vàng rang cám. Dạo mồi xong, móc mồi trứng hình hạt đậu, gác lên bụi lúa chờ phao động, cái thứ phao làm từ cuống của củ tỏi. Chú Bảy Long và chú Út Thọ câu, ba chị em tôi xách cái thùng thiếc đi theo đựng cá, những đôi mắt mở tròn nhìn theo sợi dây câu vừa thả xuống, cá cắn phao giật búng đầu cần, mỗi lần giật lên con cá rô cong mình vàng ươm quẩy trong không trung là bọn tôi reo hò chiến thắng, chú Bảy Long là người gỡ cá ra khỏi lưỡi câu, mỗi lần giật cá mồi sẽ tan một phần vào nước kích thích cá đến nhiều hơn, cá cắn câu liên tục, ngoài cá rô còn có cá sặc và vài con cá lóc nữa. Tôi thèm thuồng năn nỉ chú Út Thọ nhường cho cầm câu một lát, tôi cũng câu được mấy con cá rô, mê lắm luôn nhưng phải nhường cho nhỏ Ngọc Nhi câu nữa, nhỏ Ngọc Nhiên còn nhỏ quá nên không được câu, mặt nó buồn thiu muốn khóc... thấy thương.

Với bàn tay "ngự trù" của má, mâm cơm thịnh soạn mùa gió chướng được dọn lên nghi ngút khói. Cá rô kho tộ, ớt hiểm cay nồng, tô canh chua bông so đũa... Có hôm má làm món cá rô chiên giòn rộm, nước mắm tỏi ớt, chanh chua ngọt và bông so đũa luộc cũng ngon xoắn lưỡi. Các mùi vị ấy cứ hòa quyện in sâu vào ký ức.

Ngoài những món ăn ngon mùa gió chướng, tôi còn thèm lắm cái mát của đồng quê, những cánh cò trắng muốt bay lượn những chú sáo đậu trên bờ đê... và gió, gió chướng thông ngọn của quê tôi.

LÊ THỊ NGỌC NỮ

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/van-hoa-the-thao/mua-gio-chuong-que-toi-35588.html