Một trăm năm Siddhartha
Thoáng đọc 'Siddhartha's 100th Birthday' trên Lion's Roar, tôi có chút ngỡ ngàng: Sinh nhật thứ 100 của Siddhartha! Nhưng ngỡ ngàng không lâu vì sớm nhận ra Siddhartha là ai.
Đây là đầu đề bài viết của Randy Rosenthal, giảng viên văn chương Đại học Harvard, nhà nghiên cứu Phật giáo và nhà báo nổi tiếng, viết về tiểu thuyết Siddhartha đã ra đời qua 100 năm của văn hào Hermann Hesse người Đức.
Ngay trong phần mở đầu, tác giả bài báo cho thấy tầm ảnh hưởng lớn lao của tiểu thuyết Siddhartha trên thế giới, từ khi tác phẩm ra đời năm 1922.
“Trong số tất cả các tác phẩm hư cấu của thế kỷ XX, Siddhartha của Hermann Hesse được cho là đã tác động rất nhiều người từ phương Tây đến phương Đông hơn bất kỳ tác phẩm nào khác. Được xuất bản lần đầu bằng tiếng Đức vào mùa thu năm 1922, đến nay cuốn tiểu thuyết đã tròn 100 tuổi. Nó không chỉ đánh dấu một bước chuyển quan trọng trong cuộc đời của vô số độc giả đã chịu ảnh hưởng của sách, trong đó có tôi, mà còn trong cuộc đời của chính Hesse”, Randy Rosenthal nhận định.
Tác phẩm được dịch ra nhiều thứ tiếng và phát hành rộng rãi trên thế giới. Ở nước ta, hai dịch giả Phùng Khánh (Ni sư Trí Hải) và Phùng Thăng đã chuyển ngữ thành tác phẩm “Câu chuyện dòng sông”, xuất bản năm 1965, được nhiều thế hệ người đọc nước ta yêu thích và đã tái bản nhiều lần.
Hesse sinh ngày 2-7-1877 ở nước Đức mới thống nhất và lớn lên ở thị trấn Calw. Ông nội và cha mẹ của ông là những nhà truyền đạo Ki-tô giáo, đã sống ở Ấn Độ trong nhiều năm, nhờ thế Hesse tiếp xúc với các tôn giáo phương Đông khi còn nhỏ. Ông là học trò tài năng nhưng đường đời không đưa ông vào đại học.
Cuộc sống của ông đầy rẫy những bất trắc và sóng gió, trong hoàn cảnh thế giới và nước Đức ở vào thời kỳ hai cuộc chiến tranh thế giới và sau đó nữa, nhưng nhờ thế ông đã trải qua nhiều vốn sống và trải nghiệm tâm linh, giúp ông gần gũi với triết lý phương Đông. Ông đã viễn du đến các nước ở châu Á vào mùa hè năm 1911: Sumatra, Borneo, Malaysia, Tích Lan, Miến Điện.
Khi Chiến tranh thế giới thứ nhất nổ ra, tiếng nói lý trí đơn độc của ông bị xem thường, các bài báo của ông bị coi là chống chủ nghĩa dân tộc. Năm 1916, ông bị “khủng hoảng thần kinh” do chiến tranh, bệnh tật của con trai và cái chết của cha ông. Ở tuổi 38, Hesse vào một viện điều dưỡng, nơi ông được điều trị bằng liệu pháp điện và phân tâm học Carl Jung. Ông là một trong những nhà văn lớn đầu tiên được chẩn đoán phân tâm, và trải nghiệm này đã khắc sâu vào trong tiềm thức của ông.
Ông viết nhiều và phần lớn tác phẩm đều nổi tiếng, có thể kể: Demian (1919), Siddhartha (1922), Steppenwolf (1927) (Sói đồng hoang), Narcissus and Goldmund (1930) (Nhà khổ hạnh và gã lang thang), Journey to the East (1932) (Hành trình về phương Đông), The Glass-Bead Game (1943) (Trò chơi hạt thủy tinh). Tác phẩm cuối này được đánh giá như là một sự hòa quyện giữa văn hóa phương Đông và phương Tây, và đã mang về cho Hesse giải thưởng Nobel năm 1946. Sau tác phẩm này, ông không sáng tác nữa, cho đến khi ông mất (9-8-1962 tại Montagnola, Thụy Sĩ).
Tuy nhiên, Siddhartha vẫn được biết đến như là cuốn tiểu thuyết nổi tiếng nhất của Hesse. Đây là câu chuyện hư cấu về hành trình tâm linh của một người Ấn Độ tên là Siddhartha trong thời đại của Siddhartha Gautama (Đức Phật).
Siddhartha là con của một vị Bà-la-môn, bỏ nhà ra đi để gia nhập đoàn tu sĩ khổ hạnh cùng với người bạn thân Govinda. Cả hai đều đi tìm sự khai sáng. Nhưng rồi Siddhartha từ bỏ tu khổ hạnh vì lối sống đó không giúp ích gì cho giác ngộ. Anh đã để bước chân mình lang thang như để tìm lại chính mình. Anh đã chìm sâu vào sa đọa, xuống tận cùng của dục lạc, và thế là anh càng thấy trống rỗng và chán ngấy.
Tuyệt vọng, “Anh tới một dòng sông và định trầm mình tự vẫn, bỗng nhiên anh nghe vẳng lại từ dòng sông có tiếng “Om” linh thiêng mầu nhiệm vang lên trong tâm thức đã làm anh tỉnh thức. Cuối cùng, anh đã gặp người lái đò Vasudeva và quyết định ở lại với ông. Anh và Vasudeva sống êm đềm bên cạnh dòng sông và làm nghề chèo thuyền đưa khách qua sông. Hai người thường lắng nghe dòng sông như một người thầy của mình. Dòng sông đã dạy cho anh sự lắng nghe với tâm tĩnh lặng, lòng rộng mở, không đam mê, không cầu mong, không phán xét và không thành kiến. Dòng sông nói với anh hãy sống cho hôm nay và không sống cho cái bóng của hôm qua hay cái bóng của ngày mai”.
(Trích Câu chuyện dòng sông)
Còn Govinda vẫn là một Sa-môn đi khất thực và vẫn đi tìm kiếm giác ngộ. Một hôm Govinda theo đoàn Sa-môn qua sông và gặp được Siddhartha đang chèo đò. Govinda nhìn kỹ bạn, thấy vẻ thanh thoát toát ra từ con người Siddhartha. Govinda hỏi bạn làm sao để được giác ngộ? Siddhartha trả lời: nhà ngươi đi tìm kiếm vì đã có mục đích nên khó có thể tìm ra chân lý, chân lý thì không thể truyền dạy được mà phải tự mình chứng nghiệm. Tất cả đều quy về một (Nhất thể) và tình thương là quan trọng nhất trên thế gian. Nhất thể là đại thể của vũ trụ bao la trong đó không phải chỉ riêng mình đau khổ. Cuộc đời vốn là thế (như thị).
Siddhartha là nhân vật tiểu thuyết hư cấu, nhưng có thể là Hermann Hesse, có thể là nhà báo Randy Rosenthal, và cũng có thể thấp thoáng hình bóng của mỗi chúng ta.
------------------------------------------
Tài liệu tham khảo:
- Randy Rosenthal; “Siddhartha’s 100th Birthday”; Lion’s Roar 26-7-2023.
- Phùng Khánh, Phùng Thăng; “Câu chuyện dòng sông”
- Lương Nguyên Hiền; Hermann Hesse Câu chuyện dòng sông; TVHS
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn/mot-tram-nam-siddhartha-post68501.html