Một thời để nhớ: Bông tai lá trúc và cậu bạn xỏ khuyên một bên tai dịu dàng
Tôi lớn lên, đeo bao nhiêu đôi bông đẹp đẽ. Mỗi lần nhìn Bửu, cậu bạn giờ học cùng lớp 11, tôi hay liếc vội một bên dái tai của cậu. Bửu chẳng đeo khuyên. Với tôi, cái dấu xuyên nhỏ xíu kia chính là dấu khắc của tình bạn.
Có ai đó đã nói rằng những ký ức tuổi thơ êm đẹp sẽ luôn sưởi ấm người ta ngay cả khi họ đã trưởng thành. Thậm chí, đôi lúc, những ký ức dịu dàng ấy trở thành que diêm thắp lửa nhắc nhớ một người rằng họ đã từng được yêu thương, từng được trân quý.
Những ký ức từ 20 năm trước hóa thành ngọn hải đăng, dẫn lối cho người ta vượt qua khỏi một thời khắc tối tăm nào đó của cuộc đời. Cũng như những bài viết trên Hoa Học Trò từ 20 năm trước, nay đọc lại gợi nhớ cho mỗi người đọc những cảm xúc tinh khôi, trong trẻo cho một ngày chẳng may u ám.
BÔNG TAI LÁ TRÚC
Chen vào giữa con phố toàn các ngôi nhà hẹp ken nhau, căn biệt thự của ông bác sĩ Lâm bỗng có một mảnh vườn bao quanh tuyệt đẹp. Thảm cỏ xanh rờn trải dài đến sát tam cấp với những chậu hoa hồng đủ loại. Phía ngoài còn có một bụi trúc vươn cao, chìa cành lá qua chấn song hàng rào. Bọn con gái nhỏ thích rút những lá trúc non còn quấn chặt như một cây kim, uốn lại làm nhẫn, hoa tai hay xâu chuỗi móc xích vào nhau thành dây chuyền đeo cổ. Đến chiều thì những món trang sức xanh biếc ấy sẽ héo đi, bung ra, rơi rải rác trên vỉa hè.
Tôi có một thằng bạn cách nhà mấy căn. Gọi là bạn, nhưng ít khi hai đứa tỏ ra thân thiện. Khi tôi đeo lủng lẳng "đồ trang sức" chạy qua chạy lại trước mặt Bửu có ý khoe khoang, nó bĩu môi, phỏng vấn bằng cái giọng đầy "khinh bỉ":
- Đầu cổ tay chân mày dính thứ gì tùm lum xanh lè vậy?
- Đồ trang sức mà! - Tôi giải thích yếu ớt.
- Mày đừng mang mấy thứ đó nữa - Bửu nói như ra lệnh - Mai mốt, tao bứt bông hoa đẹp cho mày chơi.
Một ngày nọ, bỗng nghe ngoài đường tiếng quát lẫn tiếng la chói lói. Thằng Bửu bị ông bác sĩ Lâm xách tai đưa về trả cho ba má nó. Ông bác sĩ già kể tội nó với mọi người: "Thằng nhỏ trèo vô bứt trụi cả một chậu hồng Pháp. Nếu tui mà không ra cứu kịp, con chó đã cắn thằng nhỏ nát giò rồi. Lúc đó biết tính sao?"
Người lớn thì chặc lưỡi khi nghe chuyện suýt bị chó cắn. Nhưng đám con nít lại cười rúc rích, không ngờ thằng Bửu chơi liều vậy lại chỉ để bứt bông hoa, cái trò của con gái. Tên bạn bị má tặng một trận chổi lông gà tơi bời. Ăn đòn xong, Bửu đi cà nhắc bước ra kiếm tôi. Nó dở áo lên. Có mấy cành hoa còn cài trong cạp quần, giấu kỹ dưới bụng áo.
Tụi con gái bắt đầu mê mấy bông tai bằng nhựa gắn hột đá lấp lánh bán ngoài chợ. Đeo vô gương mặt đứa nào đứa nấy sáng rạng. Tôi mê lắm, nhưng không đeo bông tai được, vì chưa xỏ lỗ tai. Thấy tôi buồn hiu, Bửu xáp vô phỏng vấn. Nghe tôi dãi bày, nó xì một tiếng: "Thích thì đi xỏ tai, đeo bông!". Tôi nhăn nhó: "Trong xóm, đâu ai có nghề xỏ lỗ tai!" Vậy là tôi vẫn đeo bông lá trúc. Là hai vòng tròn xanh móc lên cả vành tai, ngó xấu xí, thô vụng.
Một sáng chủ nhật, Bửu kêu tôi ra đường, đi sau lưng nó một quãng. Gặp ông bác sĩ già đi lễ về, nó hỏi lễ phép: "Ông ơi, ông có thuốc tê không?" Ông bác sĩ ngạc nhiên, gật. Bửu nói gì đó. Ông cụ bỗng phì cười, gật đầu. Bửu ra hiệu tôi đi theo.
Thật kỳ diệu, tôi được bước vào khu vườn tuyệt đẹp nhà ông bác sĩ. Nhưng mục đích chính cuộc viếng thăm là... xỏ lỗ tai. Vừa nhìn thấy cây kim nhọn, tôi giãy nảy. Và Bửu quyết định làm gương. Nó chỉ xỏ một lỗ tai. "Không đau chút nào!" - Nó quả quyết. Thế là tôi chìa tai cho ông bác sĩ bôi thuốc tê, xỏ kim, cột chỉ. Tiễn hai đứa nhỏ ra cổng, ông bác sĩ mỉm cười: "Lần đầu tiên ông phẫu thuật lỗ tai kiểu này đó nghen!"
Tôi lớn lên, đeo bao nhiêu đôi bông đẹp đẽ. Mỗi lần nhìn Bửu, cậu bạn giờ học cùng lớp 11, tôi hay liếc vội một bên dái tai của cậu. Bửu chẳng đeo khuyên. Với tôi, cái dấu xuyên nhỏ xíu kia chính là dấu khắc của tình bạn thân thiết, hết lòng vì nhau thuở thiếu thời mà Bửu đã dành tặng cho tôi.
Bài viết được đăng trong chuyên mục “Ấu thơ trong tôi là”, báo Hoa Học Trò số587, phát hành ngày 28/2/2005.