Một dòng sông dạt dào, chung thủy

Viết những câu thơ đẹp như nước mắt nhưng chất chứa âm hưởng hào hùng; với tình cảm thiết tha, bền bỉ, Hoài Vũ tạo dựng một không gian thơ riêng biệt mà vẫn rất gũi gần

"Anh ở đầu sông em cuối sông/ uống chung dòng nước Vàm Cỏ Đông/ thương nhau đã chín ba mùa lúa/ chưa ngày gặp lại nhớ mênh mông/ ôi bát ngát chân trời miền hạ/ tím tình yêu, tím cả ước mong"…

Thơ đi vào nhạc, nhạc chắp cánh cho thơ

Có lẽ nhiều người trong chúng ta đều quen thuộc giai điệu và ca từ của bài hát "Anh ở đầu sông, em cuối sông". Bài ca về Vàm Cỏ Đông - một dòng sông, một biểu tượng của Long An, của miền Nam trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Nhạc phẩm này do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ từ bài thơ của nhà thơ Hoài Vũ (tên thật là Nguyễn Đình Vọng, sinh năm 1935), một nhà thơ, nhà báo nổi tiếng, một người con của Quảng Ngãi song lớn lên ra miền Bắc học tập rồi vào Nam tham gia kháng chiến chống Mỹ từ những năm 1960, công tác ở nhiều cơ quan văn hóa, báo chí, từng là Tổng Biên tập Báo Văn Nghệ Giải Phóng, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn TP HCM, Phó Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng...

Nhà thơ Hoài Vũ và bìa tập thơ “Thì thầm với dòng sông”

Nhà thơ Hoài Vũ và bìa tập thơ “Thì thầm với dòng sông”

Gần như cả đời ông sống ở miền Nam, trở thành người con của miền Nam trong văn chương và cốt cách đời thường. Mới đây, ngày 23-6, chương trình "Mai Vàng tri ân" của Báo Người Lao Động với sự đồng hành của Ngân hàng TMCP Nam Á đã tặng ông món quà tri ân nhân kỷ niệm ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam.

Ngoài ca khúc trên, ông còn là tác giả của khoảng 100 bài thơ được phổ nhạc, trong đó có những nhạc phẩm đi vào lòng người như "Vàm Cỏ Đông" (nhạc sĩ Trương Quang Lục), "Đi trong hương tràm", "Chia tay hoàng hôn" (Thuận Yến), "Người ấy bây giờ đang ở đâu" (Phan Huỳnh Điểu)…

Trọn văn nghiệp, nhà thơ Hoài Vũ có trên 20 tác phẩm, gồm thơ, truyện và truyện dịch. Năm 2021, ông ra mắt 2 tập truyện gồm tập truyện ngắn "Gái thời chiến" và "Hoa trong tuyết" (truyện dịch văn học Trung Quốc hiện đại).

Năm nay, ông xuất bản thi phẩm "Thì thầm với dòng sông" - NXB Hội Nhà văn, tập hợp gần 60 bài thơ ông sáng tác trong thời gian tham gia kháng chiến chống Mỹ và giai đoạn 1975-2010. Đây có thể xem là tác phẩm tổng kết một đời thơ tài hoa của ông, thể hiện rõ phẩm chất thơ của một người nặng lòng với quê hương, đất nước, sống tình nghĩa, thủy chung.

Sâu nặng ân tình

Trước hết, phải nói rằng thơ Hoài Vũ đầy nhạc tính, nhiều thi ảnh đặc trưng, sáng đẹp. Đó là lý do nhiều nhạc sĩ đọc thơ ông đã bật lên những giai điệu trong đầu và chảy tràn trên khung nhạc, thành những ca khúc hay cho đời. Con sông Vàm Cỏ Đông qua thơ Hoài Vũ được cả nước biết đến "nước xanh biêng biếc chẳng thay dòng". Con sông như dòng sữa mẹ, như dòng lịch sử, vào thơ hào hùng với những con người trung dũng, kiên cường "tóc còn xanh lắm tuổi hai mươi/ dám đổi thân mình lấy tàu giặc/ nụ cười khi chết hãy còn tươi"…

Miền hạ Long An, qua thơ Hoài Vũ, đầy nhớ nhung, ân tình: "Ơi miền hạ, đêm nào chẳng nhớ/ chẳng ở buồng tim như một mũi kim/… ơi miền hạ vàng thơm mùa cốm/ nhớ chày ai… đêm mộng lên đường" ("Anh ở đầu sông, em cuối sông"). Còn khi về với sông Vàm Cỏ Tây, "Đi trong hương tràm" - bài thơ mênh mang một nỗi buồn thương rưng rức. Bài thơ này, ông viết về một cô giao liên đã chăm sóc ông khi ông bị sốt rét. Cô giao liên để lại thương mến trong lòng nhà thơ, sau này đã hy sinh ngay bên gốc tràm. Nên trong thơ lồng lộng gió Tháp Mười, hương tràm bay, bóng hình người xưa thăm thẳm cõi vô cùng:

"Dù đi đâu và xa cách bao lâu/ dù gió mây kia đổi hướng thay màu/ dù trái tim em không trao anh nữa/ một thoáng hương tràm cho ra bên nhau/ gió Tháp Mười đã thổi, thổi rất sâu/ có nỗi thương đau có niềm hy vọng/... dù đi đâu và xa cách bao lâu/ anh vẫn có bóng em giữa bóng tràm bát ngát/ anh vẫn thấy mắt em trên lá tràm xanh ngát/ anh vẫn nghe tình em trong hương tràm xôn xao"…

Em - Vàm Cỏ Tây, anh - Vàm Cỏ Đông, hai sông rồi gặp nhau trước khi hòa dòng ra biển nhưng lúc này là xa cách. "Mỗi tối triều lên chao sóng nước/ bìm bịp kêu xao xác cả hai dòng/ nỗi nhớ đằm sâu trong hương lúa/ tìm hơi nhau qua hun hút gió đồng" ("Thì thầm với dòng sông").

Thiết tha một tiếng lòng

Những người con gái trong thơ Hoài Vũ không chỉ mang vẻ đẹp đặc trưng của con gái miền Nam mà còn là những người dấn thân và góp sức trẻ, tuổi thanh xuân vào cuộc chiến đấu giành độc lập tự do. "Là dũng sĩ mà tâm hồn thi sĩ/ mảnh vườn em bát ngát hương thơ/ yêu mùa xuân, nhớ tóc người xanh rợi/ cành bưởi đu đưa, cho bông rụng thơm lừng". Cô gái ấy hy sinh trong niềm tiếc thương vô hạn:

"Vâng, em vẫn còn đây với đất này/ nên vườn vẫn mát những hàng cây/ gió vẫn mang về hương bông bưởi/ dành cho em ủ mái tóc dày" ("Trên mảnh vườn cô dũng sĩ").

Với Hoài Vũ, những câu thơ đẹp như nước mắt mà không bi lụy bởi ngời lên tin yêu, bởi những người con gái gieo lúa nàng Thơm trên cánh đồng miền hạ:

"Và để lúa ngậm đòng, bụ sữa/ có máu em hòa trộn dưới chân/ để quân no, em chịu phần cay đắng/ sương dày rơi, ướt đẫm mái đầu" ("Nàng Thơm").

Gần trọn đời chiến đấu, sống ở miền Nam nên Hoài Vũ dành nhiều tình cảm khi viết về các vùng đất ông qua, như Cần Thơ, Cà Mau, Kiên Giang…, song ông vẫn dành nhiều trang viết nhất cho đất Long An, bởi đây là nơi ông gắn bó nhiều nhất. "Có ai đã qua những nghìn ngày cay đắng/ những con sông vơi đầy và những dòng nước mắt đầy vơi/ mới thấy hết nỗi vui giữa ngày rực nắng/ gặp một đóa hoa hồng chợt xòe nở đỏ tươi" ("Long An, ngày trở lại").

Thơ Hoài Vũ, từ đó, mãi như một dòng sông. Dạt dào. Chung thủy. Bền bỉ. Thiết tha một tiếng lòng.

"Hôm nay, 1-7, tại trụ sở Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP HCM - 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, TP HCM, Liên hiệp Các hội Văn học Nghệ thuật TP HCM và Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức chương trình giới thiệu thơ Hoài Vũ “Thì thầm với dòng sông”. Đây cũng được xem là sự kiện nhằm ghi nhận đời thơ và những đóng góp của nhà thơ Hoài Vũ vào văn chương nước nhà.

BÙI PHAN THẢO

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/van-nghe/mot-dong-song-dat-dao-chung-thuy-20230630201803498.htm