Mong muốn sớm có công trình tri ân, tôn vinh Chúa Nguyễn trên đất Triệu Phong

Tháng 10 năm Mậu Ngọ (1558), Đoan quận công Nguyễn Hoàng được vua Lê Anh Tông cử vào trấn thủ xứ Thuận Hóa. Từ đây, ông bắt đầu đứng chân trên vùng đất Ái Tử- Trà Bát thuộc huyện Vũ Xương, châu Thuận (nay xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, huyện Triệu Phong). Trong thời gian 68 năm từ năm 1558- 1626, Nguyễn Hoàng đã có 3 lần dựng đặt thủ phủ/dinh thự/dinh trấn tại 3 địa điểm trên đất Ái Tử- Trà Bát: Dinh Ái Tử (1558- 1570), Dinh Trà Bát (1570- 1600), Dinh Cát (1600- 1626).

Lễ rước bức tượng Thái phó Nguyễn Ư Dĩ về Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ được khánh thành vào ngày 11/10/2022 tại xã Triệu Giang, Triệu Phong -Ảnh: SD

Những sự kiện trong giai đoạn lịch sử này đã đánh một dấu mốc hết sức quan trọng trong quá trình Nam tiến và khai phá xứ Đàng Trong của người Việt. Nguyễn Hoàng và các thế hệ Chúa Nguyễn tiếp nối đã hoàn thành công cuộc khai phá, mở mang bờ cõi, hình thành nên một nước Việt Nam rộng lớn, bao gồm cả đất liền, hải đảo, kể cả hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, một Việt Nam hoàn chỉnh như ngày hôm nay.

Năm 2018, “Các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558- 1626)” xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử, huyện Triệu Phong được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích quốc gia.

Do trải qua một thời gian dài của lịch sử gần 500 năm cùng với sự tàn phá của chiến tranh, sự khắc nghiệt của thời tiết, thiên tai nên hầu hết các địa điểm di tích này đã bị thay đổi, biến dạng, chỉ còn lại những dấu tích khảo cổ ẩn chứa trong lòng đất.

Năm 2023 là dịp kỷ niệm 465 năm Đoan quận công Nguyễn Hoàng dựng nghiệp trên đất Triệu Phong (1558- 2023), tưởng niệm 410 năm ngày mất của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng 20/7 (1613-2023). Do đó, việc bảo quản, tôn tạo và phục hồi các địa điểm di tích này hết sức cấp bách và quan trọng.

Thời gian qua, UBND huyện Triệu Phong tập trung chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tiến hành xây dựng hồ sơ nhiệm vụ lập quy hoạch và đồ án quy hoạch bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia “Các địa điểm liên quan đến Dinh Chúa Nguyễn (1558- 1626)” xã Triệu Ái, xã Triệu Giang, thị trấn Ái Tử và đã được UBND tỉnh phê duyệt. Đây là cơ sở quan trọng để lập quy hoạch từng bước đầu tư tôn tạo, phục dựng di tích và xây dựng các công trình tri ân, tôn vinh Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, các Chúa Nguyễn và các bậc tiền nhân khai quốc công thần thời Chúa Nguyễn ở Đàng Trong.

Để việc bảo quản, tu bổ, phục hồi và phát huy giá trị di tích quốc gia thời Chúa Nguyễn cần phải xác định quy hoạch định hướng cho công tác bảo tồn, sử dụng, khai thác và phát huy giá trị di tích phục vụ cho phát triển KT-XH, nhất là hoạt động du lịch. Do đó, quy hoạch được thiết lập trên cơ sở 3 vùng: vùng lõi- vùng đệm và vùng ngoại biên/ liên kết/lan tỏa. Cả 3 không gian này được nối kết để tạo ra một chỉnh thể thống nhất, không tách rời bằng việc kết nối giữa các di tích trong vùng lõi với nhau; giữa các di tích vùng lõi với các di tích vùng đệm và giữa vùng lõi, vùng đệm với vùng ngoại biên để tạo thuận lợi trong quá trình phát huy giá trị di tích và xây dựng các tour, tuyến du lịch, tham quan.

Tập trung chính vào việc đầu tư, tôn tạo một số công trình chính yếu để tạo ra không gian lưu niệm sự kiện lịch sử thời Chúa Nguyễn phù hợp; kết hợp với việc bảo tồn các yếu tố gốc có được từ kết quả nghiên cứu khảo cổ học năm 2016 và các năm tiếp theo, đồng thời phục hồi, phục dựng một số công trình đã bị xóa dấu vết (phủ thờ, Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, Miếu Trảo Trảo Phu nhân,…). Bảo tồn giá trị văn hóa vật thể gắn với giá trị văn hóa phi vật thể, giá trị văn hóa, lịch sử làm nền tảng cho hoạt động giáo dục truyền thống lịch sử, khắc sâu tinh thần yêu nước cho các thế hệ, thúc đẩy phát triển KT- XH của địa phương.

Chú trọng vừa tôn tạo, phục hồi khu vực di tích, vừa hỗ trợ khu vực phát huy giá trị di tích, đảm bảo hài hòa, bền vững. Đối với khu vực di tích cần lựa chọn những điểm di tích có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và có tương đối đầy đủ các căn cứ (về tư liệu lịch sử, báo cáo khảo cổ học…) để phục hồi nhằm thấy được quy mô và tái hiện hình ảnh một thủ phủ/dinh thự/dinh trấn, một đại bản doanh của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

Đối với khu vực hỗ trợ phát huy giá trị di tích là khu vực kết nối và lan tỏa liên quan đến cả một khu vực rộng hơn trên địa bàn. Vùng này được xác định lấy theo trục sông Thạch Hãn với điểm bắt đầu kéo từ di tích Dinh Ái Tử - chợ Hôm đến Dinh Trà Bát- Dinh Cát Ghềnh Phủ theo đúng thời gian lịch sử, đồng thời gắn với vùng cảnh quan, địa danh lịch sử ghi dấu ấn liên quan đến thời kỳ Chúa Nguyễn với các địa điểm đồn trú ngũ kiên (về sau thành 5 làng), bến đò xưởng, chợ Sãi... kết nối với các địa điểm du lịch khác của huyện, của tỉnh bằng đường sông hoặc đường bộ như các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo (Sắc Tứ Tịnh Quang tự, thị trấn Ái Tử, chùa Long An, Sắc Tứ Linh Quang tự, thôn Ngũ Hiệp, xã Triệu Thượng; di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu: Khu lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn, Thành Cổ Quảng Trị);...

Trên cơ sở những tài liệu, cứ liệu về thời Chúa Nguyễn có thể quy hoạch tôn tạo và xây dựng theo ba không gian: không gian lễ hội với việc xây dựng và tổ chức lễ hội gắn liền với những sự kiện liên quan đến thời Chúa Nguyễn cũng như các lễ hội của địa phương. Đặc biệt là Lễ hội “Ái Tử và hành trình mở cõi” được tổ chức định kỳ để tôn vinh công lao của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và các Chúa Nguyễn. Trong không gian lễ hội xây dựng quảng trường và tượng đài Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, bảo tàng lịch sử thời Chúa Nguyễn và các công trình khác.

Không gian tưởng niệm là không gian tri ân, tưởng niệm các Chúa Nguyễn và các công thần có công giúp Chúa Nguyễn dựng nghiệp và mở mang bờ cõi, có thể đầu tư xây dựng các công trình như Đền thờ Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và các Chúa Nguyễn, phối thờ An Thành Hầu Nguyễn Kim, cha của Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và Thái phó Nguyễn Ư Dĩ cậu ruột Chúa Tiên Nguyễn Hoàng, cùng các bậc tiền nhân khai quốc công thần thời Chúa Nguyễn ở Đàng Trong cũng như phục dựng phủ thờ, Đền thờ Thái phó Nguyễn Ư Dĩ, Miếu Trảo Trảo Phu nhân.

Không gian kết nối vị trí dọc sông Thạch Hãn, kết nối không gian lễ hội và không gian tưởng niệm. Đây cũng là điểm kết nối với các điểm di tích khác của huyện và tỉnh dọc sông Thạch Hãn.

Để những ý tưởng quy hoạch thành hiện thực và xứng tầm, cần có sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cấp chính quyền, nhà nghiên cứu, nhà khoa học và những tập thể, cá nhân có tâm huyết nghiên cứu về Chúa Tiên Nguyễn Hoàng và các Chúa Nguyễn.

Đặng Sỹ Dũng

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/chinh-tri/mong-muon-som-co-cong-trinh-tri-an-ton-vinh-chua-nguyen-tren-dat-trieu-phong/177151.htm