Mong mỏi đóng góp vào thành tích chung

Trong thành phần Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32, khai mạc vào ngày 5-5 tới, nhiều địa phương, ngành đã đóng góp huấn luyện viên (HLV), vận động viên (VĐV) và xem như là vinh dự, là sự ghi nhận nỗ lực phát triển thể thao thành tích cao của mình. Các đơn vị đều mong mỏi VĐV của mình sẽ đóng góp tối đa vào thành tích chung của Đoàn thể thao Việt Nam tại kỳ SEA Games được dự báo là đầy khó khăn này.

Phản ánh đúng định hướng phát triển

Trong nhiều lần chia sẻ với giới truyền thông, nhà vô địch boxing SEA Games 31 và vừa giành ngôi Á quân thế giới năm 2023 Nguyễn Thị Tâm của Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội kể rằng, mỗi lần thi đấu quốc tế, luôn có sự quyết tâm, niềm tự hào khoác áo đội tuyển quốc gia cũng như ý thức không để phụ lòng các HLV, nhà quản lý của đơn vị chủ quản.

Tương tự vậy cũng là câu chuyện của VĐV điền kinh Ngần Ngọc Nghĩa của thể thao Công an nhân dân khi anh luôn khẳng định trách nhiệm với đội tuyển quốc gia cũng như với thể thao Công an nhân dân tại mỗi lần tham dự các giải quốc tế. Nguyễn Thị Tâm, Ngần Ngọc Nghĩa và nhiều VĐV khác đều hiểu rằng đơn vị chủ quản sẽ rất tự hào với mỗi tấm huy chương quốc tế mà họ giành được. Còn các đơn vị chủ quản cũng hiểu rằng, để có VĐV của mình được góp mặt ở đội tuyển quốc gia tham dự những sự kiện thể thao quốc tế, trong đó có SEA Games, phải có sự đầu tư không ngừng nghỉ với định hướng rõ ràng. Số lượng VĐV của đơn vị đóng góp vào thành phần Đoàn thể thao Việt Nam dự SEA Games cũng phần nào phản ánh sự hiệu quả cũng như đường hướng đầu tư của đơn vị.

Đội tuyển đấu kiếm quốc gia tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội chuẩn bị cho SEA Games 32. Ảnh: Nguyễn Quang

Đội tuyển đấu kiếm quốc gia tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội chuẩn bị cho SEA Games 32. Ảnh: Nguyễn Quang

Như tại SEA Games 32 này, thể thao Hà Nội đóng góp tới gần 160 VĐV ở 32 môn, phân môn trong tổng số 702 VĐV ở 37 môn, phân môn của Đoàn Thể thao Việt Nam. Chỉ tính riêng số VĐV cũng chiếm khoảng hơn 22% tổng số VĐV của Đoàn Thể thao Việt Nam. Trong đó, Hà Nội đóng góp 8/18 VĐV ở đội tuyển vật, 10/14 VĐV ở đội tuyển wushu, 16/24 VĐV ở đội tuyển đấu kiếm… Hầu hết các môn, phân môn này đều nằm trong định hướng phát triển thể thao thành tích cao của Hà Nội trong những năm qua. Tại giải vô địch quốc gia những môn này, đoàn Hà Nội cũng thường vô địch toàn đoàn.

Cùng với thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội là đơn vị phát triển nhiều môn thể thao thành tích cao nhất. Sự đầu tư đó cũng mang lại hiệu quả nhất định nên ở nhiều kỳ SEA Games qua và ngay ở SEA Games 32, Hà Nội luôn đóng góp nhiều VĐV nhất trong thành phần Đoàn Thể thao Việt Nam. Đáng chú ý, nhiều môn trong chương trình thi đấu Olympic và ASIAD như bắn cung, bắn súng, rowing không có mặt ở SEA Games 32 lại là thế mạnh của thể thao Hà Nội. Nếu những môn này có trong chương trình thi đấu của SEA Games 32, dự kiến thể thao Hà Nội sẽ đóng góp thêm ít nhất 20 VĐV.

Ngoài ra, một số môn tại SEA Games 32 lại hạn chế nội dung thi đấu khiến một số VĐV Hà Nội không thể góp mặt. Nếu không, thể thao Hà Nội hoàn toàn có thể đóng góp ít nhất khoảng 25% tổng số VĐV của Đoàn thể thao Việt Nam. Trong khi đó, với định hướng phát triển các môn võ, điền kinh, thể thao Công an nhân dân cũng đóng góp 15 VĐV trong đó có nhiều cái tên đã khẳng định được tài năng như Ngân Ngọc Nghĩa (cự ly ngắn, điền kinh), Nguyễn Thị Ngọc Trâm (karate), Phạm Quốc Tài (đấu kiếm)... Các VĐV này từng đóng góp không ít thành tích cho thể thao Công an nhân dân. Tại SEA Games 32, họ tiếp tục được kỳ vọng sẽ hoàn thành nhiệm vụ.

Còn thể thao Bắc Giang với việc tập trung đầu tư ở các môn như điền kinh, cầu lông… cũng có 6 VĐV góp mặt trong Đoàn Thể thao Việt Nam. Trong số này, Nguyễn Thị Oanh (đứng đầu danh sách VĐV tiêu biểu Việt Nam năm 2022) vẫn là cái tên sáng giá nhất.

Với thể thao Thanh Hóa, việc có 20 VĐV trong danh sách Đoàn thể thao Việt Nam tham dự SEA Games 32 cũng phản ánh gần như đầy đủ định hướng phát triển thể thao thành tích cao của tỉnh khi đầu tư mạnh vào môn điền kinh, pencak silat, taekwondo, judo, vật nữ, lặn… Còn thể thao Quân đội với vị thế thứ ba toàn quốc dù không đầu tư nhiều môn như Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh song cũng cho thấy hiệu quả rõ rệt. Trong đó, có tới hơn 60 VĐV của thể thao Quân đội góp mặt ở 19 đội tuyển như điền kinh, bơi, vật, boxing, bóng chuyền, bóng đá nam, bi sắt…

Hy vọng khẳng định vị thế

Khi có VĐV cho đội tuyển quốc gia, các tỉnh, thành, ngành cũng mong muốn VĐV của sẽ đóng góp số HCV nhất định cho Đoàn thể thao Việt Nam tại SEA Games 32.

Với thể thao Hà Nội, khi đóng góp hơn 22% trong tổng số VĐV của Đoàn thể thao Việt Nam thì cũng mong muốn VĐV Hà Nội sẽ đóng góp ít nhất 22% tổng số HCV của thể thao Việt Nam. Tất nhiên, ở đây chỉ tính theo chỉ tiêu huy chương của Đoàn thể thao Việt Nam là giành từ 89 HCV đến 120 HCV tại SEA Games 32. Trong khi đó, thể thao Công an nhân dân cũng kỳ vọng các VĐV của mình tại đội tuyển quốc gia giành khoảng 1-2 HCV tại SEA Games 32.

Còn thể thao Bắc Giang với mũi nhọn là nhà vô địch SEA Games 31 Nguyễn Thị Oanh (điền kinh), Phạm Tiến Sản (2 môn phối hợp - chạy và đạp xe) cũng hy vọng đóng góp khoảng 3 HCV cho Đoàn Thể thao Việt Nam. Các VĐV của thể thao Thanh Hóa cũng được kỳ vọng giành 3-4 HCV, VĐV của thể thao Quân đội được kỳ vọng giành 10-15 HCV tại SEA Games 32. Đương nhiên, các địa phương, ngành không chỉ mong muốn mà còn có những hỗ trợ cụ thể để VĐV của đơn vị mình đóng góp tốt nhất cho Đoàn thể thao Việt Nam.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hải - Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Công an nhân dân (Bộ Công an) trao đổi. "Chúng tôi hỗ trợ tối đa, trong khả năng tốt nhất của đơn vị cho các VĐV của thể thao Công an nhân dân đang góp mặt trong các đội tuyển thể thao quốc gia dự SEA Games 32 lúc này. Chúng tôi tin rằng, từng VĐV của thể thao Công an nhân dân sẽ nỗ lực đạt kết quả cao nhất, đóng góp vào thành tích chung của Đoàn thể thao Việt Nam cũng như khẳng định vị thế của thể thao ngành".

Trong khi đó, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội Đào Quốc Thắng cho hay, ngay sau SEA Games 31, Hà Nội đã xác định hỗ trợ tối đa các đội tuyển quốc gia tập huấn tại các địa điểm thuộc sự quản lý của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội. Cũng vì thế, nhiều đội tuyển quốc gia như điền kinh, bóng bàn, boxing, bi sắt, đấu kiếm, kickboxing… đã chọn các điểm tập luyện tại Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội (Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội) để tập huấn. Đồng thời, chung tay cùng ngành Thể thao tổ chức tập huấn, thi đấu nước ngoài cho các VĐV Hà Nội trong thành phần đội tuyển quốc gia để vừa phục vụ các mục tiêu cấp châu lục, thế giới, vừa có sự chuẩn bị tốt nhất cho SEA Games 32. Vì vậy, trong thời gian qua, nhiều VĐV Hà Nội trong thành phần đội tuyển quốc gia ở các đội như đấu kiếm, boxing… đã đi thi đấu, tập huấn quốc tế bằng nguồn kinh phí từ ngành Thể thao Hà Nội.

Quá trình tham dự SEA Games sẽ có những biến số khó lường nhưng có thể thấy, tại mỗi kỳ SEA Games, các địa phương, ngành đều thể hiện rõ vai trò, vị thế của mình bắt đầu từ sự đầu tư, đóng góp lực lượng đến sự đóng góp về số lượng huy chương.

Minh Hà

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/seagames32/mong-moi-dong-gop-vao-thanh-tich-chung-i692261/