Mối quan hệ Mỹ - Trung Quốc: 'ba nên' và 'một không'

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo đã có cuộc hội đàm với người đồng cấp Trung Quốc Vương Văn Đào tại Bắc Kinh sáng 28.8. Đây là chuyến thăm Trung Quốc thứ 4 trong vài tháng qua của các quan chức Mỹ, cho thấy nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc nên dựa trên 4 chữ C: 'cooperation' - (hợp tác) khi có thể, 'compete' - (cạnh tranh) khi thích hợp, 'confront' - (đối đầu) khi cần thiết và tuyệt đối tránh 'conflict' - (xung đột) trực tiếp.

Tương tác thường xuyên để tránh xung đột

Phát biểu trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Vương Văn Đào, bà Gina Raimondo nhấn mạnh: “Mối quan hệ kinh tế giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc là một trong những mối quan hệ quan trọng nhất trên thế giới. Chúng tôi chia sẻ hơn 700 tỷ USD thương mại”.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Asia Times

“Điều vô cùng quan trọng là chúng ta có mối quan hệ kinh tế ổn định, mang lại lợi ích cho cả hai nước. Và thực tế là thế giới mong đợi điều đó ở chúng ta. Tất nhiên đó là một mối quan hệ phức tạp… Và tất nhiên, chúng ta vẫn còn bất đồng về một số vấn đề nhất định, nhưng tôi tin rằng chúng ta có thể đạt được tiến bộ nếu thẳng thắn, cởi mở và thực tế”, bà nói thêm.

Trước chuyến thăm, bà Raimondo đã có cuộc trao đổi với Tổng thống Joe Biden. Thông điệp mà ông Biden muốn bà gửi đi là tăng cường đối thoại với Trung Quốc để giảm bớt căng thẳng. “Chúng tôi muốn có mối quan hệ thương mại ổn định và vấn đề cốt lõi là liên lạc thường xuyên. Chúng ta cần tương tác để tránh xung đột", bà Raimondo cho hay.

Chuyến thăm của bà Raimondo tới Bắc Kinh và Thượng Hải, được tiến hành sau một loạt chuyến thăm gần đây của ba quan chức khác trong chính quyền Tổng thống Biden, bao gồm Ngoại trưởng Antony Blinken, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen và Đặc phái viên Khí hậu John Kerry, cho thấy những nỗ lực của phía Washington nhằm ổn định mối quan hệ. Theo giới chuyên môn, kinh tế thế giới có thể được hưởng lợi nếu Mỹ - Trung vượt qua các rào cản và hàn gắn rạn nứt.

Tuy nhiên, vào thời điểm hiện tại, khả năng trên dường như khó xảy ra nếu xét đến những lợi ích chiến lược không đồng nhất và cạnh tranh giữa 2 nước. Nói như chuyên gia Anna Ashton thuộc đơn vị tư vấn Eurasia Group, quan hệ Mỹ - Trung đang ở mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Trong đó, các vấn đề cần được giải quyết giữa 2 siêu cường “rất gai góc và phức tạp”.

Cuộc chiến chip

Cạnh tranh Mỹ - Trung trong lĩnh vực chất bán dẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Trong tháng này, Tổng thống Biden đã ban hành một sắc lệnh hành pháp nhằm hạn chế một số khoản đầu tư của Mỹ vào các lĩnh vực công nghệ cao nhạy cảm ở Trung Quốc - một động thái mà Bắc Kinh cho là “chống toàn cầu hóa”. Các quy định, dự kiến sẽ được thực hiện vào năm tới, nhắm vào các lĩnh vực như chất bán dẫn và trí tuệ nhân tạo.

Năm ngoái, Mỹ thông qua loạt biện pháp kiểm soát xuất khẩu đã cấm các công ty Trung Quốc mua chip và thiết bị sản xuất chip tiên tiến nếu không có giấy phép. Năm nay, Mỹ tiếp tục cùng Hà Lan và Nhật Bản siết kiểm soát xuất khẩu máy móc sản xuất chip công nghệ cao cho Trung Quốc. Động thái này gần như áp đặt phong tỏa hoàn toàn, đánh vào trung tâm tham vọng công nghệ của Bắc Kinh.

Để đáp trả, Trung Quốc cấm các công ty trong nước mua chip từ nhà sản xuất Mỹ Micron Technology (MU). Hồi tháng 7, Bắc Kinh tung đòn thứ hai khi tăng cường kiểm soát xuất khẩu 2 nguyên liệu thô chiến lược để sản xuất chất bán dẫn là gali và germani. Bất chấp phản đối từ Mỹ, cựu Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Ngụy Kiến Quốc tuyên bố đây mới chỉ là khởi đầu và nước này có sẵn nhiều biện pháp khác nữa. Theo dự đoán của các nhà phân tích, Bắc Kinh có thể thắt chặt xuất khẩu đất hiếm, loại khoáng sản quan trọng đối với các ngành kỹ thuật mũi nhọn.

Kiểm soát doanh nghiệp

Hồi tháng 4, Trung Quốc công bố luật mới về chống gián điệp mà theo Mỹ là mở rộng đáng kể phạm vi Bắc Kinh có thể hành động để chống lại những gì mà họ xem là đe dọa an ninh quốc gia. Trong nhiều tuần, các công ty tư vấn nổi tiếng của Mỹ như Mintz, Bain & Company và Capvision đối mặt chiến dịch đột kích của cảnh sát do bị cáo buộc rò rỉ thông tin quân sự nhạy cảm cho nước ngoài.

Tin tức về các cuộc tấn công trên khiến Phòng Thương mại Mỹ phát cảnh báo về rủi ro gia tăng khi kinh doanh ở Trung Quốc. Hiện nhiều công ty nước ngoài bắt đầu xem xét lại kế hoạch đầu tư ở đại lục. Theo khảo sát của AmCham, Trung Quốc đang mất dần sức hấp dẫn với các nhà đầu tư nước ngoài và lần đầu tiên trong lịch sử 25 năm thực hiện khảo sát môi trường kinh doanh, cường quốc châu Á không còn là thị trường nằm trong top 3 của đa số doanh nghiệp Mỹ.

Trong khi đó, từ đầu năm, Mỹ vì lý do an ninh quốc gia bắt đầu cân nhắc kiểm soát dòng vốn của doanh nghiệp trong nước ở nước khác, cụ thể là đầu tư vào những ngành kinh tế trọng điểm của Trung Quốc. Đây được xem là bước tiến mới nhằm hạn chế Trung Quốc nắm giữ các công nghệ chủ chốt. Sách lược của Tổng thống Mỹ Joe Biden được cho sẽ hạn chế các thương vụ đe dọa đến an ninh quốc gia.

Cách tiếp cận “giảm rủi ro và phụ thuộc”

Thời gian trước, liên tục có những lời kêu gọi Mỹ tách khỏi Trung Quốc, một đề xuất bị giới chuyên môn coi là không thực tế dựa vào mức độ quan hệ thương mại và đầu tư song phương. Nhưng gần đây, Tổng thống Biden nhiều lần đề cập cách tiếp cận “giảm rủi ro” trong quan hệ kinh tế với Trung Quốc.

Những lo ngại trên kéo theo hành động phối hợp của Mỹ nhằm loại Trung Quốc khỏi chuỗi cung ứng công nghệ. Đáp lại, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường nói rằng phương Tây đang thổi phồng vấn đề, rằng “giảm phụ thuộc và giảm rủi ro” là hai đề xuất “sai lầm và ép buộc”. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng phản đối các động thái “tách rời” và khẳng định Bắc Kinh muốn hợp tác với các quốc gia.

Bốn chữ C định hình mối quan hệ

Trong bối cảnh đó, câu hỏi: “chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc có phải là điều không thể tránh khỏi?” trở thành vấn đề được quan tâm hàng đầu. Đây cũng là câu hỏi trọng tâm được các tham luận viên đặt ra tại Hội nghị bàn tròn châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 36, vừa diễn ra ở Kuala Lumpur với chủ đề “Thời đại bất ổn chiến lược”.

Tuy nhiên, các chuyên gia đều không cho rằng, hai quốc gia - hai nền kinh tế lớn nhất thế giới này muốn có một xung đột trực tiếp. Ông Ralph Cossa, nhà nghiên cứu hòa bình kiêm Chủ tịch danh dự của Diễn đàn nhận định, mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc nên được điều chỉnh bằng 4 chữ C, hay có thể nói rõ hơn là “3 điều nên làm và 1 điều không nên làm”. Đó là: "cooperation" - (hợp tác) khi có thể, "compete" - (cạnh tranh) khi thích hợp, "confront" - (đối đầu) khi cần thiết và tuyệt đối tránh "conflict" - (xung đột) trực tiếp.

Trên thực tế, 3 chữ C đầu tiên là những yếu tố thiết yếu trong chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc trong nhiều thập kỷ. Điều thay đổi là mức độ quan trọng khác nhau của từng mệnh đề. Hơn một thập kỷ trước, ít nhất là ban đầu, Chính quyền của Tổng thống Obama ưu tiên mệnh đề hợp tác. Nước Mỹ trong giai đoạn này đưa ra một bàn tay dang rộng cho những ai sẵn sàng thiện chí với họ. Giờ đây, mệnh đề “cạnh tranh” và “đối đầu” dường như có sức nặng hơn, và tất nhiên, điều này không phải mới bắt đầu từ nhiệm kỳ của Tổng thống Biden.

Kể từ khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, ông theo đuổi một số chính sách và áp dụng một số cách tiếp cận khiến mối quan hệ giữa hai nước trở nên tồi tệ hơn hoặc ít nhất các vấn đề khúc mắc trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, chuyên gia Ralph Cossa chỉ ra rằng, Donald Trump không phải là nguyên nhân khiến mối quan hệ giữa hai nước trở nên băng giá, mà nguyên nhân nằm ở những điều chỉnh trong chính sách trỗi dậy của Trung Quốc.

Tổng thống Obama bắt đầu một chính sách hòa hảo với một Trung Quốc theo chủ thuyết “náu mình chờ thời” của Đặng Tiểu Bình. Nhưng chính sách đó không còn phù hợp sau khi “náu mình chờ thời” được thay thế bởi “trỗi dậy hòa bình” của Tập Cận Bình. Mâu thuẫn Mỹ - Trung hiện nay chính là vấn đề cạnh tranh chiến lược giữa một cường quốc số 1 thế giới và một cường quốc đang vươn lên vị trí số 1. Vì vậy theo các chuyên gia, để quản lý mối quan hệ này, sẽ vẫn cần đến 4 chữ C bởi nếu không, hậu quả đối với cả hai nước và đối với cả thế giới vô cùng khó lường.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/moi-quan-he-my---trung-quoc-ba-nen-va-mot-khong-i341436/