Mỗi năm Việt Nam có khoảng 200 nghìn người đột quỵ

Đột quỵ hiện nay đang là vấn đề thời sự của thế giới. Hàng năm, Việt Nam có khoảng 200 nghìn người bệnh đột quỵ mới mắc, gây tử vong đứng hàng thứ 3, gây tàn phế đứng hàng thứ nhất. Việc tận dụng 'thời gian vàng' trong cấp cứu có tính chất quyết định hiệu quả điều trị cho người bệnh.

PGS-TS. Mai Duy Tôn, GĐ Trung tâm Đột quỵ-BV Bạch Mai cho biết, hàng năm BV cấp cứu và điều trị cho khoảng 6.000-8.000 người bệnh đột quỵ (tai biến mạch máu não), tuy nhiên trong số đó chỉ có khoảng 5%-7% là đến cấp cứu kịp thời, trong “thời gian vàng” cấp cứu (tỉ lệ chung là 1,5%).

Việc người bệnh đến BV kịp thời thì cơ hội điều trị hiệu quả cao, chi phí điều trị thấp hơn và ít để lại di chứng. Còn khi đã qua thời điểm vàng thì để lại di chứng nặng nề, điều trị khó khăn và chi phí rất cao. Hiện nay, số bệnh nhân bị đột quỵ đưa vào cấp cứu nằm trong “giờ vàng” chỉ chiếm 1,5%.

Để phát hiện kịp thời dấu hiệu của đột quỵ và phân biệt được với một số triệu chứng khác nhằm đưa người bệnh đi cấp cứu kịp thời, PGS-TS. Mai Duy Tôn thông tin: Có thể phân biệt được đột quỵ với cảm gió để xử trí đúng.

Đột quỵ thường xảy ra vào ban ngày, ít khi xảy ra vào đêm và tối. Bệnh đột quỵ thường người già mắc nhiều hơn, nhưng hiện đang có nhiều người trẻ cũng mắc với các căn nguyên như bất thường về mạch, bệnh tăng đông, gây đột quỵ, thiếu máu.

Các biểu hiện của bệnh đột quỵ. (Ảnh minh họa)

Người có đột quỵ thường có triệu chứng đột ngột hôn mê, tê bì tay chân, mất ý thức, mất thăng bằng, đau đầu dữ dội. Bệnh nhân đột ngột nói khó hoặc không nói được, nói không tròn vành rõ chứ, cười: mồm méo, lệch một bên. Người bệnh đột ngột mất hoặc giảm thị lực 1 trong 2 mắt.

Sau khi xác định được người bệnh bị mắc chứng đột quỵ, điều quan trọng là cần vận chuyển người bệnh đến cơ sở y tế đúng cách. Mọi người lâu nay cho rằng khi bệnh nhân đột quỵ thì không được di chuyển nên cứ để bệnh nhân nằm yên một chỗ, khiến càng nặng.

Để vận chuyển bệnh nhân đến cơ sở y tế đúng cách có thể di chuyển khi họ nằm trên cáng, trên ô tô. Trong khi đợi xe cấp cứu, tránh làm tổn thương nặng thêm bằng việc cho người bệnh nằm đầu cao, lưng nghiêng 45 độ so với cơ thể, để khi bệnh nhân bị nôn, đờm dãi sẽ không chui vào mũi, miệng và vào phổi. Kèm theo đó cho bệnh nhân mặc quần áo thoáng, mở phần cổ áo để kiểm tra hô hấp.

Yếu tố nguy cơ gây nên bệnh đột quỵ gồm thời tiết giao mùa, đột ngột chuyển nóng hoặc chuyển lạnh, nắng nóng, lạnh sâu. Người có nguy cơ cao là người có bệnh huyết áp, tim mạch, mỡ máu, suy thận tiểu đường…

Theo PGS-TS. Mai Duy Tôn, việc xây dựng các đơn vị đột quỵ chuyên sâu sẽ làm cải thiện tỷ lệ tử vong, tăng cơ hội hồi phục tốt cho người bệnh đột quỵ não. Với phương châm “thời gian là vàng”, việc thực hiện điều trị người bệnh đột quỵ cần tiến hành nhanh chóng bao gồm chẩn đoán và xử trí cấp cứu, đặc biệt tiến hành tiêu huyết khối trong 4-5 giờ đầu.

Đồng thời, người bệnh cần được phối hợp các chuyên khoa: Chẩn đoán hình ảnh để can thiệp nội mạch lấy huyết khối cấp cứu; phối hợp chuyên khoa phẫu thuật thần kinh để phẫu thuật cấp cứu cho người bệnh.

Bên cạnh đó, bệnh nhân đột quỵ nặng cũng cần phải được hồi sức thần kinh, thực hiện các thủ thuật cấp cứu tại giường. Người bệnh đột quỵ cũng cần được tập phục hồi chức năng sớm ngay giai đoạn cấp. Các chiến lược giáo dục, dự phòng tái phát đối với người bệnh cũng rất quan trọng.

Vân Hà

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/moi-nam-viet-nam-co-khoang-200-nghin-nguoi-dot-quy-216666.html