Mối lương duyên tình cờ với ngành Bảo vệ thực vật của GS.TS.NGƯT. Vũ Triệu Mân
GS Vũ Triệu Mân tâm niệm, mỗi dấu ấn đạt được trong sự nghiệp là động lực hối thúc chặng hành trình cống hiến, truyền lửa cho những thế hệ học trò tương lai.
Bén duyên với ngành Bảo vệ thực vật một cách hết sức tình cờ, nhưng Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Vũ Triệu Mân - Chủ tịch Hội Nghiên cứu Bệnh hại thực vật Việt Nam luôn nỗ lực để trở thành một sinh viên, nghiên cứu sinh ưu tú ngay từ những năm tháng còn ngồi trên ghế nhà trường.
Từ niềm say mê học hỏi, thầy Mân đặt chân đến nhiều quốc gia khác nhau để tìm tòi, trau dồi kinh nghiệm và mang những kỹ thuật nông nghiệp tiên tiến về ứng dụng tại Việt Nam. Ngoài ra, thầy Mân còn được biết đến là một người giảng viên mẫu mực, đồng thời là chủ biên của hàng loạt cuốn giáo trình về bảo vệ thực vật.
Mới đây nhất, Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Vũ Triệu Mân vinh dự trở thành 1 trong 135 trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu năm 2024 được tôn vinh.
Hành trình bén duyên với ngành Bảo vệ thực vật
Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Vũ Triệu Mân (sinh năm 1943) sinh ra trong một gia đình trí thức yêu nước tại Hà Nội. Cả cha và mẹ đều là nhà văn, nhà thơ có những đóng góp lớn cho nền văn học nước nhà lúc bấy giờ: Cha là nhà văn Vũ Ngọc Phan - một trong những Danh nhân văn hóa trong lịch sử Việt Nam; còn mẹ là nhà thơ Lê Hằng Phương - một nữ sĩ nổi tiếng xứ Quảng.
Chính vì thế, ngay từ khi còn nhỏ, cậu học trò Vũ Triệu Mân đã có niềm đam mê với nghệ thuật. Khi kháng chiến chống Pháp bùng nổ mạnh mẽ, cả gia đình phải di tán lên Chiến khu Việt Bắc, lúc này thầy Mân mới chỉ đang là một cậu học sinh lớp 3. Hằng ngày, khi đi bộ đến trường, cậu học trò nhỏ đều đi qua nhà họa sĩ Tô Ngọc Vân - cũng chính là người đã truyền cảm hứng, thắp sáng ngọn lửa hội họa trong thầy sau này.
“Sau những lần trú mưa ở nhà họa sĩ Tô Ngọc Vân, tôi tìm tòi rồi học theo cách pha màu, cách vẽ của ông”, Giáo sư Vũ Triệu Mân chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam.
Khi được hỏi lý do vì sao không theo đuổi đam mê nghệ thuật để trở thành một họa sĩ hay nhà văn, nhà thơ, thầy Mân chia sẻ, đó cũng là vì lời nhắn nhủ của các bậc thân sinh: “Các cụ bảo, cuộc đời làm nghề văn rất vất vả, các con phải đi học để tích lũy cho bản thân vốn tri thức nhân loại. Hơn nữa, viết văn cần phải có trải nghiệm, khi cha mẹ còn trẻ, cũng không thể viết được bài văn hay; chỉ khi đủ trải nghiệm, tác phẩm làm ra mới có giá trị”.
Cũng từ lời căn dặn đó, 7 anh em của Giáo sư Vũ Triệu Mân đều lần lượt tốt nghiệp đại học và có nhiều đóng góp, cống hiến cho đất nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau.
Riêng với thầy Vũ Triệu Mân, vì yêu thích mỹ thuật, nên sau khi tốt nghiệp phổ thông, thầy đã lựa chọn nộp đơn thi vào Khoa Kiến trúc của một trường đại học danh tiếng.
Sau đó, chàng sinh viên khi ấy lại quyết định nộp đơn chuyển sang ngành Cơ khí của Trường Đại học Nông Lâm (nay là Học viện Nông nghiệp Việt Nam). Tuy nhiên, trong một lần khám sức khỏe, vì ngoại hình thấp bé hơn các bạn đồng trang lứa, không đủ sức để theo học ngành này, nên nam sinh này lại được luân chuyển và cuối cùng trở thành sinh viên lớp Bảo vệ Thực vật của nhà trường.
Cả cuộc đời miệt mài theo đuổi đam mê nghiên cứu
Theo học một chuyên ngành xa lạ, tưởng chừng khô khan, cũng không thể khiến một người đam mê nghiên cứu khoa học như Giáo sư Vũ Triệu Mân nản chí. Năm 1978, thầy làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Nông nghiệp quốc gia Pháp (INRA). Chỉ trong khoảng thời gian ngắn theo học, thầy đã được đánh giá là người có năng lực lĩnh hội nhanh, các bài báo cáo cũng được trình bày ở cấp Viện. Cũng nhờ tài năng ấy mà Chính phủ Pháp đã quyết định tài trợ cho thầy 1 phòng thí nghiệm ELISA tại Việt Nam.
Trong 2 năm tại Pháp, Giáo sư Vũ Triệu Mân đã học được phương pháp chọn lọc vệ sinh về ứng dụng vào ngành nông nghiệp Việt Nam. Thầy cũng là người đầu tiên áp dụng kỹ thuật ELISA (một phương pháp chẩn đoán cây bệnh) tại nước ta. Đây được coi là kỹ thuật hiện đại nhất trên thế giới vào những năm 1975-1978, trước khi kỹ thuật sinh học phân tử được áp dụng rộng rãi từ năm 1982.
Trở về nước năm 1980, thầy Mân được Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước tin tưởng giao làm chủ nhiệm đề tài về nghiên cứu virus thực vật. Từ những kiến thức học được ở Pháp, thầy đã phát động toàn quốc chương trình chọn lọc vệ sinh để chống sâu bệnh cho thực vật. Phương pháp áp dụng tuy kinh phí thấp nhưng lại góp phần chọn ra được nhiều giống cây trồng ít bệnh và có năng suất cao hơn.
Giáo sư Vũ Triệu Mân chia sẻ, khó khăn lớn nhất khi ấy là làm sao để đủ kinh phí duy trì hoạt động của phòng thí nghiệm: “Tôi đã suy nghĩ, nếu không có tiền thì làm sao mua được hóa chất phục vụ nghiên cứu, vì lúc bấy giờ kinh tế còn nghèo. Hơn nữa, phòng thí nghiệm ban đầu chỉ có một mình tôi phụ trách nên thiếu cả nguồn nhân lực”.
Từ trăn trở đó, thầy Mân quyết tâm lên xe lửa vào Nam, đặt chân đến từng tỉnh thành để tìm kiếm đề tài, ký hợp đồng nghiên cứu và mang nguồn vốn về xây dựng và phát triển thêm phòng thí nghiệm.
Trong khoảng thời gian đi đến từng địa phương, thầy Mân đã tập hợp lại những học trò cũ để cùng thực hiện đề tài nghiên cứu. “Tôi đã đặt chân đến hầu hết các tỉnh thành của Việt Nam để truyền đạt kiến thức về ngành bảo vệ thực vật và virus học. Những năm ấy, lĩnh vực nghiên cứu về virus học ở nước ta còn mới mẻ, ít người biết đến”, vị giáo sư nhớ lại.
Sau chuyến đi nước ngoài và trở về Việt Nam vào năm 1984, thầy Vũ Triệu Mân bảo vệ thành công luận án tiến sĩ. Thầy cũng làm chủ nhiệm 5 đề tài nghiên cứu cấp Nhà nước và khoảng 14 đề tài nghiên cứu cấp tỉnh. Một số công trình nghiên cứu nổi bật của thầy phải kể đến như: Nghiên cứu sản xuất Kit chẩn đoán bệnh hại cây trồng; Nghiên cứu bệnh virus hại thực vật và phòng chống bệnh bằng chọn lọc giống sạch bệnh; Sử dụng giải pháp công nghệ sinh học trong sản xuất và thử nghiệm Kit ELISA trong chẩn đoán bệnh hại thực vật;...
Tạo được danh tiếng trong ngành, năm 1991, thầy Mân được cử đi dự hội nghị ở Thái Lan. Cũng từ chuyến công tác ấy, thầy có cơ hội làm chủ nhiệm dự án nghiên cứu nông nghiệp hợp tác giữa hai nước Việt Nam - Úc, với kinh phí gần 2 triệu đô la Úc. Số vốn ấy, thầy dùng mua thêm trang thiết bị, bổ sung những máy móc còn thiếu tại phòng thí nghiệm để phục vụ quá trình nghiên cứu.
Không dừng lại ở đó, nhà khoa học khi ấy tiếp tục đặt chân tới các quốc gia khác trên thế giới như Đan Mạch, Hà Lan, Nhật Bản để vừa học hỏi, vừa ký kết thêm các dự án về nghiên cứu bảo vệ thực vật. Cũng trong năm 1991, thầy Vũ Triệu Mân được bổ nhiệm chức danh phó giáo sư, cho đến năm 1996, thầy được bổ nhiệm chức danh giáo sư.
Người thầy đào tạo nhiều thế hệ học trò ưu tú
Không chỉ là một vị giáo sư, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực bảo vệ thực vật và virus học, thầy Vũ Triệu Mân còn được biết đến là một nhà giáo ưu tú, người đã có hơn 40 năm làm công tác giảng dạy tại các trường đại học.
Trong suốt quãng thời gian đứng trên bục giảng, thầy đã truyền lửa cho hàng ngàn sinh viên cùng nghiên cứu sinh, đào tạo ra 11 tiến sĩ và gần 30 thạc sĩ.
Khi được hỏi về quan điểm trên cương vị một người thầy giáo, Giáo sư Vũ Triệu Mân khẳng định một nhà giáo mẫu mực phải là người biết cách gắn kết học trò với tri thức. “Người giảng viên cần luôn tâm niệm, phải làm sao để biến vốn tri thức bản thân thành kiến thức cho những người sinh viên. Muốn vậy nhà giáo cần phải dạy cho học trò phương pháp, cách tiếp thu tri thức chứ không chỉ dạy lý thuyết chung chung”, thầy Mân chia sẻ.
Trong quá trình giảng dạy, thầy thường yêu cầu học trò của mình áp dụng lý thuyết vào thực hành, từ đó, đúc rút ra kinh nghiệm từ những khó khăn rồi tìm ra phương pháp để giải quyết. Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Vũ Triệu Mân cho biết thêm, thầy tuyệt đối không dạy theo phương pháp học thuộc lòng, cũng chính vì vậy mà các thế hệ học trò của thầy rất nhiều người hoạt động sôi nổi và có những đóng góp lớn cho đất nước.
Giáo sư Vũ Triệu Mân còn là chủ biên, tác giả và đồng tác giả của nhiều cuốn sách, giáo trình nổi tiếng như: Bệnh cây chuyên khoa; bệnh cây đại cương; bệnh cây nông nghiệp; bệnh hại cây trồng Việt Nam;... Ngoài ra, thầy Mân còn viết báo về lĩnh vực khoa học và có nhiều bài đăng trong nước cùng các báo, tạp chí nổi tiếng của Nhật Bản hay Pháp.
Theo thầy Mân, mỗi một ngày, ngành nghiên cứu bảo vệ thực vật càng trở nên quan trọng hơn, tác động đặc biệt tới nông nghiệp quốc gia. Chính vì vậy, nước ta dần phải đi vào thực tế phục vụ để phát triển nông nghiệp công nghệ cao hay nông nghiệp số hóa. Muốn xây dựng vững mạnh ngành này trong tương lai, Việt Nam cần đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường các hoạt động trao đổi chuyên môn để tiếp thu khoa học thế giới, từ đó nâng cao kỹ thuật.
Dù đã ở tuổi 81, nhưng Giáo sư, Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Vũ Triệu Mân vẫn trăn trở làm sao để đào tạo ra nguồn nhân lực ưu tú phục vụ cho nước nhà. Thầy chia sẻ, bản thân luôn tâm niệm, những giải thưởng, bằng khen đạt được là động lực hối thúc mình tiếp tục chặng hành trình cống hiến, truyền lửa cho những thế hệ nghiên cứu sinh tương lai.