Mở ra cơ hội cho thị trường minh họa sách

Họa sĩ Jeet Zdũng (tên thật là Nguyễn Tiến Dũng) vừa giành Huân chương Yoto Carnegie ở hạng mục minh họa cho cuốn truyện tranh 'Saving Sorya: Chang and the Sun Bear' (ấn phẩm của Nhà xuất bản Kim Đồng phát hành với tên tiếng Việt 'Chang hoang dã - Gấu'). Việc lần đầu tiên giải thưởng lâu đời và uy tín bậc nhất của Vương quốc Anh 'gọi tên' họa sĩ Việt Nam đã mở ra cơ hội cho thị trường minh họa sách trong nước.

Minh họa sách, đóng góp nghệ thuật âm thầm

Xuất sắc vượt qua 17 ứng viên khác trong vòng sơ khảo và chung khảo để giành Huân chương Yoto Carnegie, họa sĩ Jeet Zdũng không giấu nổi niềm vui, hạnh phúc. Theo anh, thời buổi hiện đại, người đọc không chỉ quan tâm đến nội dung mà còn rất chú tâm đến hình thức của cuốn sách. Trong truyện tranh, chữ chỉ là một phần, còn hình ảnh đóng vai trò rất lớn để dẫn dắt và kích thích sự tò mò của người đọc. "Hiện nay, thị trường sách trong nước chưa có nhiều tác phẩm về bảo tồn động vật hoang dã nên tôi hy vọng sự thành công của cuốn sách "Chang hoang dã - Gấu" sẽ tác động tích cực đến truyện tranh nói chung và sách bảo vệ động vật hoang dã nói riêng", họa sĩ Jeet Zdũng tâm sự.

Yoto Carnegie là giải thưởng thường niên của Vương quốc Anh được trao cho các tác phẩm xuất sắc dành cho trẻ em và thanh thiếu niên viết bằng tiếng Anh, với mục tiêu tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn thông qua việc đọc sách. Giải thưởng có hai hạng mục: Huân chương Yoto Carnegie cho tác phẩm viết và Huân chương Yoto Carnegie cho tác phẩm minh họa.

Vui mừng trước việc họa sĩ Jeet Zdũng giành giải thưởng lớn, họa sĩ Lê Tiến Vượng, Chi hội trưởng Chi hội Đồ họa 2, Hội Mỹ thuật Việt Nam cho biết, anh rất tự hào khi có một họa sĩ thế hệ 8X đã dám theo đuổi và thành công trong nghệ thuật minh họa sách cho thiếu nhi. Một công việc theo anh là rất khó khăn đòi hỏi lòng kiên trì, bền bỉ và sự nhẫn nại. Với mọi cuốn sách, đặc biệt cho thiếu nhi thì phần hình ảnh, tranh minh họa chiếm vị trí hết sức quan trọng. Bởi vì, với trẻ em hình ảnh minh họa còn là giáo cụ trực quan, tham gia giáo dục hay dẫn dụ cùng câu chuyện. Hình ảnh còn là "tiêu chuẩn" để hiểu và cảm thụ bài văn hay, câu chuyện trong sách một cách dễ nhớ, dễ hiểu và dễ liên tưởng.

Theo đánh giá, nhìn nhận của họa sĩ Lê Tiến Vượng, thời gian qua, Nhà xuất bản Kim Đồng có nhiều sách chất lượng với các bức tranh minh họa in ấn không thua kém các sản phẩm nước ngoài, trong khi giá thành lại khá hợp lý... Tuy nhiên, thị trường sách trong nước có chất lượng chưa đồng đều, nhiều cuốn sách có minh họa bị phát hiện lỗi như sai tư thế, trang phục lịch sử, trang phục dân tộc chưa đúng, thậm chí vẽ chân tay thiếu ngón, vẽ các con vật chưa đúng, chưa đẹp. Kể cả các sản phẩm báo chí dành cho trẻ em cũng có tình trạng tương tự.

Họa sĩ Jeet Zdũng cùng cuốn sách "Chang hoang dã - Gấu" (Ảnh: Lê Mỹ Ái).

Là người đã đọc rất kỹ hai cuốn "Saving Sorya: Chang and the Sun Bear" và "Saving H'non: Chang and the Elephant" (Chang hoang dã - Voi) do họa sĩ Jeet Zdũng minh họa, họa sĩ Phùng Nguyên Quang cho hay, trên khía cạnh minh họa những bức vẽ tuyệt vời đã góp một phần không nhỏ để cuốn sách đoạt giải. Màu xanh dịu dàng và những chi tiết màu nước tinh tế của cánh rừng cộng với chú Voi H'non, chú gấu Sorya sống động của Jeet Zdũng đủ sức làm lay động bất kì ai đọc cuốn sách và dẫn người đọc chìm đắm vào cuộc phiêu lưu của tác giả Trang Nguyễn (tên thật là Nguyễn Thị Thu Trang).

"Tôi rất mong tác giả Trang Nguyễn và họa sĩ Jeet Zdũng tiếp tục kể lại những chuyến đi của họ trên con đường giải cứu động vật hoang dã. Tôi cũng rất mong chờ những câu chuyện khác của họa sĩ Jeet Zdũng trong tương lai và sẽ là một trong những độc giả trung thành của anh", họa sĩ Phùng Nguyên Quang mong mỏi.

"Cú hích" cho thị trường minh họa

Họa sĩ trẻ ngày nay có nhiều cách giới thiệu tài năng của mình để đơn vị xuất bản và tác giả biết đến và đặt họ vẽ. Có thể là họa sĩ tự sáng tác ra câu chuyện và gửi đến đơn vị xuất bản rồi tác giả lời cộng tác với họa sĩ để đồng sáng tác ra tác phẩm hoặc các đơn vị xuất bản "đặt hàng" họa sĩ để minh họa cho tác phẩm chữ của tác giả khác. Ngoài ra, một số họa sĩ trẻ đã được các đơn vị xuất bản tìm đến nhờ mạng xã hội hoặc trên các trang web chuyên về minh họa. Một số ít họa sĩ trẻ đã tìm được chỗ đứng trong làng xuất bản quốc tế, được các tác giả và các nhà xuất bản quốc tế trực tiếp đặt vẽ minh họa, như: Phùng Nguyên Quang, Huỳnh Kim Liên, Khoa Lê... Tuy nhiên, thị trường minh họa sách thiếu nhi nói riêng và minh họa sách nói chung còn nhiều khó khăn.

Cuốn sách "Chang hoang dã - Gấu" (Ảnh: Lê Mỹ Ái)

Để hoàn thành việc vẽ 120 trang của cuốn sách "Chang hoang dã - Gấu", họa sĩ Jeet Zdũng đã phải làm việc liên tục, miệt mài suốt 2 năm mà không nhận thêm bất cứ cuốn sách nào. Có thể nói đây là công việc rất khó, cần đặt vào tâm thế của người đọc để chuyển tải nội dung câu chuyện qua các bức vẽ. Vấn đề là hiện nay nhiều gia đình chưa quan tâm nhiều đến việc cho con cái đọc sách, trẻ em đang bị chi phối bởi nhiều loại hình giải trí khác nên thị trường sách thiếu nhi chưa thực sự phát triển mạnh. Điều đó khiến công việc minh họa sách cho thiếu nhi của đa phần họa sĩ gặp bấp bênh. Đồng quan điểm đó, họa sĩ Lê Tiến Vượng chia sẻ, nhìn chung minh họa cho trẻ em cũng như viết văn, viết báo cho trẻ em đều rất khó và chưa nhiều người quan tâm, phần vì nhuận bút thấp, cách vẽ chi tiết gò bó, trách nhiệm lại cao.

Việc họa sĩ Jeet Zdũng giành Huân chương Yoto Carnegie là thông tin rất đáng mừng cho ngành minh họa sách ở Việt Nam. Họa sĩ Phùng Nguyên Quang phân tích, việc có một họa sĩ Việt Nam nhận giải thưởng uy tín và danh giá ở nước ngoài sẽ giúp các nhà xuất bản nước ngoài biết đến và liên kết với các nhà xuất bản Việt Nam nhiều hơn, từ đó mở ra nhiều cơ hội cho các họa sĩ trong nước. Thực trạng hiện nay cho thấy, một trong những khó khăn mà các họa sĩ gặp phải là thị trường trong nước vẫn còn nhỏ và chưa có nhiều các đầu sách có thể xuất bản ra nước ngoài, vì thế họa sĩ vẫn chưa thể có được một lượng công việc đều đặn và ổn định trong nghề này.

Trên góc nhìn của người biên tập sách, chị Lê Mỹ Ái (biên tập viên Nhà xuất bản Kim Đồng), người trực tiếp biên tập bộ sách "Chang hoang dã - Gấu" cho rằng, thời gian qua, một số nhà xuất bản và đơn vị xuất bản tư nhân đã "mạnh tay" đầu tư cho phần minh họa sách thiếu nhi và có nhiều sản phẩm chất lượng. Dẫu vậy, thu nhập của tác giả và người minh họa sách cho thiếu nhi nói riêng và sách nói chung chưa cao như thế giới do số lượng sách bán ra chưa nhiều. Ở các nước phát triển trên thế giới, người dân đọc sách nhiều hơn so với Việt Nam nên số lượng phát hành mỗi đầu sách cũng lớn hơn.

"Cuốn sách "Chang hoang dã - Gấu" được nhiều nước mua bản quyền, được giải A Giải thưởng sách Quốc gia Việt Nam năm 2021, nay cuốn sách còn nhận được Huân chương Yoto Carnegie lại càng tiếp thêm niềm vui cho người làm xuất bản chúng tôi cũng như tác giả. Việc họa sĩ Jeet Zdũng giành được giải thưởng lớn chắc chắn sẽ là động lực, là "cú hích" cho đội ngũ họa sĩ và những người làm sách. Hy vọng rằng, sách Việt Nam sẽ dần có chỗ đứng trên thị trường sách quốc tế", chị Lê Mỹ Ái khẳng định.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/mo-ra-co-hoi-cho-thi-truong-minh-hoa-sach-i699309/