Mở lối cho nông sản miền núi vươn ra biển lớn, hướng tới xuất khẩu
Bộ đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các địa phương miền núi xuất khẩu nông sản. Điều này thể hiện qua việc xuất khẩu nông sản đã có những dấu hiệu đáng ghi nhận.
Mở rộng thị trường, giúp nông tiêu thụ nông sản
Nông đặc sản đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của các loại cây trồng, động vật, thủy hải sản các địa phương, các vùng miền trên khắp cả nước. Thời gian qua, việc sử dụng nông đặc sản trong ẩm thực giúp đưa các sản phẩm này vào chuỗi cung ứng thực phẩm, giúp nông dân và những người làm công tác bảo tồn tài nguyên thiên nhiên được hưởng lợi kinh tế. Đồng thời, việc sử dụng nông đặc sản trong ẩm thực còn giúp phát triển ngành du lịch, tạo ra những trải nghiệm ẩm thực độc đáo và giới thiệu văn hóa ẩm thực đặc trưng của địa phương đến du khách trong và ngoài nước.
Theo TTXVN, nông sản nói chung và nông sản của bà con vùng miền núi nói riêng luôn là sản phẩm ưu tiên của Bộ Công Thương trong phát triển thị trường và xúc tiến thương mại. Đóng góp cho thành tích đó là rất nhiều sản phẩm hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, sản phẩm hàng hóa của vùng núi, vùng còn khó khăn, có thể kể đến như vải thiều Lục Ngạn, nhãn và xoài của Sơn La...
Thông tin trên Công Thương, trong 4 tháng qua, Sơn La đã phối hợp với các cơ quan truyền thông, Sở Công Thương, Trung tâm xúc tiến thương mại và các doanh nghiệp tiêu thụ, xuất khẩu nông sản các tỉnh: Lào Cai, Bắc Giang, Bắc Ninh, thành phố Hà Nội… giới thiệu về các sản phẩm đặc trưng, sản phẩm OCOP của địa phương. Đồng thời, phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) tổ chức chuỗi hội nghị tập huấn về thương mại điện tử cho các doanh nghiệp sản xuất, HTX, hộ sản xuất về quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản trên nền tảng Tiktok trực tiếp tại vườn… Qua đó, giúp các HTX, doanh nghiệp và người trồng quả có cơ hội kết nối khách hàng trong nước, quốc tế để tiêu thụ sản phẩm nông sản. Ngoài ra, để xuất khẩu, Sơn La dự kiến sẽ đẩy mạnh chuỗi xúc tiến tiêu thụ sản phẩm nông sản tại nhiều nước trên thế giới, như tham gia Hội chợ Thương mại Việt - Lào 2023; Hội chợ ASEAN - Trung Quốc lần thứ 20 (CAEXPO 2023); Hội chợ hàng Việt Nam tại Myanmar; Hội chợ triển lãm thực phẩm quốc tế Seoul 2023 và tham gia đoàn giao dịch xúc tiến thương mại tại Vương quốc Anh, Đức, Italia…
Theo đại diện Bộ Công Thương, Bộ đã triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ các địa phương miền núi xuất khẩu nông sản. Điều này thể hiện qua việc xuất khẩu nông sản đã có những dấu hiệu đáng ghi nhận khi kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt mức cao kỷ lục, trên 53,22 tỷ USD; trong đó, có sự đóng góp của các sản phẩm miền núi như nhãn, xoài, vải…
Đặc biệt, Bộ Công Thương đã hỗ trợ người nông dân những thông tin liên quan đến thị trường, nhất là thị trường gần nhất hoặc có truyền thống như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Bên cạnh đó, phát huy và chỉ đạo hệ thống thương vụ tham gia vào việc hỗ trợ mở rộng thị trường giúp doanh nghiệp, thương nhân, hợp tác xã khu vực miền núi tiêu thụ sản phẩm.
Với nhiều đặc sản có giá trị kinh tế khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo được đánh giá còn nhiều tiềm năng cho sản xuất hàng hóa nông sản. Do đó, thời gian tới để nâng cao giá trị và đưa các đặc sản, sản phẩm miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo tới người tiêu dùng trong và ngoài nước cần tiếp tục đẩy mạnh kết nối cung cầu nông sản; chú trọng thực hiện tốt công tác quảng bá, truyền thông, giới thiệu sản phẩm. Nắm bắt được xu thế của thị trường, Bộ Công Thương mở các chương trình tập huấn online để hỗ trợ cho các thương nhân, doanh nghiệp trong việc xúc tiến thương mại và quảng bá sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại.
Đặc biệt, với 15 Hiệp định thương mại tự do đang thi hành và có hiệu lực, Bộ Công Thương đang tập trung tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp được cấp chứng nhận xuất xứ hàng hóa, tiến đến tự chứng nhận xuất xứ hàng hóa. Đây là giải pháp giúp các địa phương miền núi có thể đưa các sản phẩm nông sản ra thị trường nước ngoài dễ hơn.
Để nâng cao hơn nữa việc xuất khẩu nông sản khu vực miền núi, đại diện Bộ Công Thương nhấn mạnh, vai trò của địa phương, hiệp hội và hợp tác xã rất quan trọng trong việc giúp người nông dân phát triển sản xuất bài bản, chất lượng và đưa sản phẩm ra thị trường nước ngoài.
Đưa đặc sản đến gần người dân
Theo Nông Nghiệp, vừa qua tại Tp.HCM tổ chức lễ hội “Nông sản đặc sản vùng miền 2023”. Lễ hội quy tụ hơn 1.000 loại nông đặc sản, sản phẩm chất lượng cao đến từ hơn 20 tỉnh thành trên cả nước, như Cần Thơ, Quảng Nam, Hạ Long, Hải Phòng, Bình Dương, Đồng Tháp, Trà Vinh, Bến Tre, Tiền Giang, Ninh Thuận, Long An, Cà Mau, Tp.HCM, Hà Giang, Nghệ An, Hà Nội.... với những sản phẩm đạt OCOP từ 3 đến 5 sao, sản phẩm VietGAP, hữu cơ, chỉ dẫn địa lý, sản phẩm nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh, sản phẩm có tiêu chuẩn HACCP, ISO, Hàng Việt Nam chất lượng cao…
Các hoạt động tại hội chợ nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp, các làng nghề truyền thống đang sản xuất, kinh doanh những sản phẩm địa phương làm từ tài nguyên bản địa, sản phẩm OCOP, sản phẩm có chỉ dẫn địa lý, sản phẩm nông thôn tiêu biểu của cả nước theo công nghệ xanh, sạch, an toàn.
Ngoài tham quan, mua sắm nông sản đặc sản với giá ưu đãi, Lễ hội còn tạo không gian để người tiêu dùng trực tiếp nghe những câu chuyện đời, chuyện nghề để làm ra những sản phẩm tươi ngon, an lành, chất lương cao. Hay tự trải nghiệm làng nghề dệt truyền thống, dệt lụa của dân tộc Thái, trải nghiệm nấu các loại xà phòng từ thảo dược, làm cao, tinh dầu thiên nhiên ở các vùng núi phía bắc như Nghệ An, Hà Nội, ĐBSCL.
Trúc Chi (t/h)