Mô hình con người trong thơ văn Lý, Trần!

Ở bất kỳ thời nào thì con người cũng luôn là tấm gương soi, nhìn vào đó sẽ biết được bản chất xã hội của thời ấy. Các triều đại thời Lý, Trần đã kiến tạo mô hình con người 'an dân' đặc sắc, nhìn từ hôm nay sẽ thấy đó là một đóng góp về triết học con người rất nên được tìm hiểu, học tập, kế thừa.

Bên cạnh “hộ quốc”, “an dân” là tư tưởng lớn của Phật giáo Lý, Trần - một điểm tựa cho công cuộc bảo vệ, kiến thiết đất nước. “An dân”, xét đến cùng là làm “an” lòng người. Cách đuổi giặc tốt nhất cũng là “đánh” vào lòng người (tâm công). Thời Lý, Trần cực thịnh có lý do chính, là nhà nước phong kiến biết cách “an dân” bằng con đường Phật giáo.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông.

Một nét son đáng quý của Phật giáo Lý, Trần điểm vào lịch sử tư tưởng Việt Nam là đưa ra một triết lý sống cởi mở không chấp tướng, không giáo điều, không nệ hình thức, không câu thúc thời gian địa điểm. Là tư tưởng tôn giáo nhưng mang tính phổ quát cho mọi người nên ai cũng có thể học và tu hành theo Phật được. Cơ bản nhất là biết, hiểu rõ tâm mình, chuyển hóa cái tâm hướng về cái thiện, cái chân.

Vua Trần Thái Tông gọi đó là “biện tâm”: “Không kể là sống ẩn trên núi hay giữa thành thị, không phân biệt tại gia hay xuất gia, tăng hay tục, điều chủ yếu là biện tâm, vốn không phân biệt nam nữ sao còn chấp tướng”. Thế nên Tuệ Trung Thượng Sĩ, dù được tôn xưng là bậc Thầy trong đạo vẫn có thể hồn nhiên ăn thịt với quan niệm “Phật là Phật, ta là ta”. Các vị ấy là hiện thân của mẫu người hài hòa Đạo, Đời trọn vẹn sự từ bi, trí tuệ, trọn vẹn trách nhiệm, nghĩa vụ với đất nước non sông.

Khái niệm “tu tâm” của Phật giáo gần với khái niệm “tu thân” của Nho giáo ở chỗ đều khuyên con người trau dồi nhân cách hướng về cái trong sáng, thiện lành. Xét đến cùng, “cái tâm” là nền móng của ngôi nhà nhân cách, nên cũng có thể hiểu “tu tâm” là cái gốc của “tu thân”.

Giáo dục học hiện đại của thế giới đang truy tìm lý do vì sao ngày nay con người thông minh hơn nhưng độc ác hơn? Vì bị stress, vì lòng tham vô độ, vì ghen ghét, đố kỵ… Nhưng những điều ấy, nhà Phật đã nói trước mấy ngàn năm khái quát trong ba chữ “tham, sân, si”. Soi tư tưởng Thiền học Lý, Trần vào hôm nay sẽ phần nào lý giải câu hỏi trên: là do con người sa vào tình trạng bất an, mà ngay từ thời đó đã khắc phục bằng cách tạo ra sự an yên trong tâm mỗi người. Phương tiện tốt nhất là bằng thơ văn.

Nhờ vậy, nhìn vào văn chương Lý, Trần sẽ thấy một mô hình con người lý tưởng có cái tâm tĩnh, an nhiên, thư thái, hướng về cái đẹp. Nhờ cái gốc vững ấy mà con người sống yêu thương nhau, vì nhau, có thể xả thân vì cái chung… Điển hình cho mô hình con người “tu tâm” là Trần Nhân Tông - vị Phật hoàng của chúng sinh. Cả xã hội hôm nay đang vào cuộc chống tham nhũng - một “quốc nạn”, tại sao không lấy tấm gương tuyệt vời của một vị vua nhẹ nhàng từ bỏ quyền lực, cung vàng, điện ngọc… để tu hành, xét kỹ cũng là vì mục đích làm dân hạnh phúc hơn? Thời hôm nay, có ai như thế, dám thế?!

Nên hiểu rộng rãi “tâm” không chỉ là tình cảm, tấm lòng, còn là sự làm chủ cả tư tưởng, hành vi. Bản lĩnh hình thành trong gió bão, trí tuệ hình thành trong tĩnh lặng. Tâm tĩnh mới có trực cảm tâm linh nhận ra chỗ không tâm để đạt đạo. Phải sống hết mình mới thấu lẽ đời. Phải qua thực tế hành đạo mới thấm thía lẽ đạo. “Tu tâm” không chỉ là ngồi thiền mà trước hết phải sống đời, vì lẽ đời mà hành động sao cho có ích cho nhân quần. Hiểu rộng ra, muốn hiểu được lẽ của tạo hóa, phải “tu tâm”.

Tư tưởng ấy được thể hiện trong “Thị đệ tử” (Bảo các đồ đệ) của Thiền sư Vạn Hạnh: “Thân như điện ảnh hữu hoàn vô/ Vạn mộc xuân vinh thu hựu khô/ Nhậm vận thịnh suy vô bố úy/ Thịnh suy như lộ thảo đầu phô” (Đời người như bóng chớp, có rồi không/ Vạn thứ cây mùa xuân tốt tươi, mùa thu khô héo/ Đạt đến thông hiểu rồi thì sự thịnh suy không sợ hãi/ Thịnh suy chẳng qua như giọt sương treo đầu ngọn cỏ” (Thơ văn Lý -Trần (1977), tập 1. NXB Khoa học xã hội, tr 218). Thì ra bản chất con người là vô ngã, bản chất thế sự là vô thường. Hiểu được chân lý ấy con người sẽ bớt đi sự khổ đau, sân hận, ghét ghen…

Nhưng làm gì để “đạt đến sự thông hiểu”? Phải học, tự nghiền ngẫm mới có thể “ngộ” được chân lý. Chứ học cho có học thì may ra chỉ nhận được cái vỏ chữ mà thôi. Phải sống hết mình, lao lực và tận tâm để thấm thía cái đau khổ, được mất ở đời chỉ là phù du, hư ảo. Đời người như chớp bóng, có rồi không. Tự nhiên vẫn tuần hoàn. Chỉ khi con người ta vượt qua được cái bề ngoài của được mất, hơn thua, tốt xấu mới tiệm cận được cái bất biến (tùy duyên bất biến). Soi điều này vào hôm nay mới thấy cái giả, nhất là nạn học giả đang là một trong những nguyên nhân gây nên sự suy thoái đạo lý đáng buồn.

Vua Lý Thái Tông có bài kệ “Thị chư thiền lão tham vấn thiền chỉ” thật sâu sắc, rất thiền: “Bát nhã chân vô tông/ Nhân không, ngã diệc không/ Quá hiện vị lai Phật/ Pháp tính bản tương đồng” (Trí tuệ bát nhã không thuộc tông phái nào/ Không phải người, cũng không phải ta/ Các vị Phật của quá khứ, hiện tại và tương lai/ Vốn cùng chung một Pháp tính” (Sách đã dẫn, tr 242). Như vậy, con người bản thể vô ngã, duyên sinh cũng là một “Pháp”. Nhưng “tu tâm” thế nào để hướng về Phật “cùng chung Pháp tính”? Phải hiểu rõ sự “vô thường” - một quy luật của tự nhiên để vượt lên mà vươn tới cõi chân như giải thoát.

Chùa Một Cột - một kiến trúc thời Lý.

Chùa Một Cột - một kiến trúc thời Lý.

Bên cạnh “tu tâm”, con người cần “tu chí” rèn luyện bản lĩnh chinh phục vũ trụ. Với tinh thần nhập thế, các thiền sư cũng đồng thời là các nhà thơ cùng tham gia chính sự. Họ trở thành những trụ cột trong ngôi nhà lớn quốc gia, dân tộc. Thơ họ mạnh mẽ một lòng quyết tâm của tráng sĩ hành động vì nước vì dân.

Thiền sư Quảng Nghiêm có một “Thị tật” (Cáo bệnh với mọi người) như một tuyên ngôn cho ý chí, hành động vươn lên chinh phục vũ trụ: “Li tịch phương ngôn tịch diệt/ Khứ sinh hậu thuyết vô sinh/ Nam nhi tự hữu xung thiên chí/ Hưu hướng Như Lai hành xứ hành” (Thoát kiếp rồi bàn câu tịch diệt/ Không sinh hãy nói chuyện siêu sinh/ Tài trai có chí xông trời thẳm/ Giẫm vết Như Lai luống nhọc mình” (Sách đã dẫn, tr 521).

Câu “Nam nhi tự hữu xung thiên chí” (Tài trai có chí xông trời thẳm) không còn là thơ ở ngày ấy mà là của hôm nay, của ngày mai; không còn là thơ của một thiền sư mà là của tất cả “nam nhi” mọi thời. Câu “Hưu hướng Như Lai hành xứ hành” (Giẫm vết Như Lai luống nhọc mình) không còn là lời khuyên, lời giáo huấn của Thiền tông mà là của chính phương pháp luận nghiên cứu khoa học trong thời đại văn minh hôm nay: phải biết tìm ra hướng đi riêng, mới có thể có kết quả riêng. Không chịu đổi mới, đi theo hướng cũ thì “nhọc mình” mà “chẳng nên công cán gì”. Đó chính là “mỹ học của cái Khác” mà thời nay đang hay nói!

Tinh thần khai phóng, phá chấp khoáng đạt của Thiền tông đã góp công lớn trong việc mở ra cho thời đại/văn học Lý, Trần cả một chân trời tư tưởng. Có lẽ thời nào cũng vậy, tư tưởng thời đại không rập khuôn giáo điều, không đi theo lối cũ, tự tạo ra hướng đi mới mẻ, thì thời đó sẽ gặt hái thành quả tốt đẹp. Giai đoạn Lý, Trần là một thời đại như vậy. Ngay trong giới thiền sư, tưởng rằng chỉ biết “tụng kinh” trong tòa bảo tháp, thế mà lại có tư tưởng tiên phong đổi mới, đến hôm nay còn làm ngạc nhiên bao người.

Xin giới thiệu tác phẩm “Cảm hoài” (Sách đã dẫn, tr 482) của Thiền sư Bảo Giám: “Đắc thành chánh giác hãn bằng tu/ Chỉ vị lao lung, trí tuệ ưu/ Nhận đắc ma ni huyền diệu lý/ Chỉ như thiên thượng hiển kim ô” (Thành được chính giác, ít khi dựa vào tu hành/ Vì tu hành chỉ là giam cầm cái ưu việt của trí tuệ/ (Cần) nhìn thấy đạo lý huyền diệu của hòn ngọc ma ni/ Thì đúng như mặt trời rực rỡ trên không). Ai cũng có viên ngọc “ma ni” của riêng mình, đó là lý tưởng, là ánh sáng soi cho mình đi trên đường đời. Để thành được “chính giác” phải tự mình chứ đâu nhờ ai. Ngày nay, thế kỷ XXI này, nhân học văn hóa quan niệm thế. Đó cũng là quan niệm của triết học Thiền tông Lý, Trần - một kho vàng tư tưởng, cách nay cả gần ngàn năm, tức đi trước thế giới cả gần ngàn năm.

Hôm nay chúng ta tự hào về quá khứ vẻ vang của cha ông mình nhưng cũng tự ngậm ngùi rằng thế hệ sau chưa kế thừa, phát huy hết được cái tinh hoa của tiền bối (!?).

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/mo-hinh-con-nguoi-trong-tho-van-ly-tran--i734324/