Mô hình 'Bình dân học vụ' dưới dãy Chư Pông

Nằm dưới dãy Chư Pông, bên thung lũng Ia Drăng huyền thoại trong thời binh lửa, những ngôi làng Klả, Krông, Suối Khôn, thuộc xã Ia Mơ, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai từ lâu đã được nhiều người biết đến với danh xưng 'vùng biên đệ nhất nóng'. Ở đây, dù công trình đại thủy nông Ia Mơ đã đi vào hoạt động thì vẫn còn đó những 'cơn khát' cả theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Sự khắc nghiệt của thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng đã hun đúc nên cá tính dẻo dai, bền bỉ và khát vọng vươn lên nghịch cảnh của con người. Giữa thời đại công nghiệp 4.0, vùng biên bên dãy Chư Pông vẫn giữ những 'cơ sở trồng người' đặc biệt qua mô hình 'Bình dân học vụ'.

Trung tá Vũ Văn Hoằng (bên trái) trong giờ lên lớp dạy xóa mù chữ ở làng Suối Khôn, xã Ia Mơ. Ảnh: Thái Kim Nga

Trung tá Vũ Văn Hoằng (bên trái) trong giờ lên lớp dạy xóa mù chữ ở làng Suối Khôn, xã Ia Mơ. Ảnh: Thái Kim Nga

Người về từ miền ký ức

Gặp lại Trung tá Vũ Văn Hoằng - nhân viên vận động quần chúng, Đồn Biên phòng (BP) Ia Lốp, BĐBP Gia Lai, một trong hai giáo viên trực tiếp đứng lớp xóa mù chữ ở làng Suối Khôn, tôi bất giác nhớ về những khoảnh khắc đẹp cách đây hơn 30 năm, khi cùng anh vào làng dạy chữ. Gần 1/3 thế kỷ trôi qua, tóc anh đã bạc, ánh mắt không còn tinh anh như thuở đôi mươi, nhưng nụ cười thì vẫn đầy yêu thương và chan chứa nguồn năng lượng tích cực.

Tôi hỏi: "Có gì khác so với thời trai trẻ?". Anh chỉ lắc đầu: “Không khác nhiều. Học viên vẫn là "cô, chú, anh, chị" và phương pháp giảng dạy vẫn phải tuân theo quy chuẩn của ngành giáo dục. Có chăng, ngày nay có học viên mang theo cả... smartphone để lướt web”. Anh cười hiền: “Đó cũng là động lực thôi. Muốn vào mạng, phải biết đọc, biết viết. Nhưng cái chính vẫn là công tác tuyên truyền, vận động và tinh thần trách nhiệm của giáo viên. Duy trì một lớp học như thế này không đơn giản. Phải sắp xếp thời gian hợp lý, linh hoạt trong giao tiếp với bà con...”.

Việc tổ chức liên tiếp 3 lớp xóa mù chữ, với tổng số 45 học viên (tính đến thời điểm hiện tại) là một nỗ lực không nhỏ của cán bộ, chiến sĩ Đồn BP Ia Lốp. Làng Suối Khôn trước đây là khu dân cư tự phát - người thuộc xã nội địa Ia Piơr, còn đất lại nằm trong địa giới xã biên giới Ia Mơ. Mãi đến tháng 12/2023, khu dân cư này mới chính thức được công nhận là thôn thuộc xã Ia Mơ. Trước đó, mọi giấy tờ của người dân đều do xã Ia Piơr quản lý. Chính vì đặc thù “hồn Trương Ba, da hàng thịt” ấy mà muốn giải quyết bất kỳ việc gì, cũng phải có đủ “bộ tam” gồm Đồn BP Ia Lốp và chính quyền hai xã Ia Mơ, Ia Piơr.

Việc vận động bà con học chữ cũng vậy. Cán bộ BP phải phối hợp với chính quyền và các tổ chức đoàn thể, nhất là Hội Phụ nữ hai xã để rà soát hoàn cảnh từng học viên, sắp xếp thời gian, địa điểm học hợp lý, không ảnh hưởng đến sản xuất. Với yêu cầu cao như thế, cần có những người “gạo cội” như Trung tá Vũ Văn Hoằng và Thiếu tá Nguyễn Văn Luân, Đội trưởng Vận động quần chúng. Và họ đã được trở lại miền ký ức của hơn 30 năm trước - với sứ mệnh mang “con chữ” đến vùng biên giới.

“Làng Suối Khôn vẫn còn gần 20 người chưa biết đọc, biết viết. Chúng tôi sẵn sàng vẽ lại chân dung người thầy giáo mang quân hàm xanh như ngày ấy...” - Trung tá Hoằng cười tươi, thể hiện khát vọng cống hiến không mỏi.

Đồn BP Ia Mơ tổ chức lễ khai giảng lớp xóa mù chữ cho bà con ở Nông trường An Biên. Ảnh: Thái Kim Nga

Đồn BP Ia Mơ tổ chức lễ khai giảng lớp xóa mù chữ cho bà con ở Nông trường An Biên. Ảnh: Thái Kim Nga

"Quan văn" và bộ "binh khí" nhà nông

Nếu ở Suối Khôn, Đồn BP Ia Lốp tổ chức thành công 3 lớp xóa mù chữ nhờ chọn thời điểm nông nhàn, thì cách đó không xa, ở đội sản xuất số 33, thuộc Nông trường cao su An Biên, những người lính Đồn BP Ia Mơ lại có cách tổ chức “lớp học chữ” rất riêng. Không phải học ở trung tâm xã, thôn, mà giáo viên phải đi về gần 30km mỗi buổi tối để ra tận điểm sản xuất giảng dạy. Bàn ghế, bảng viết mượn tạm của Trường Trung học cơ sở Nguyễn Văn Trỗi (xã Ia Mơ), cùng bộ cơ sở vật chất gồm giá treo bảng, sách giáo khoa Toán, Tiếng Việt, vở ô li, bút chì, bảng con, tranh ảnh, bảng chữ cái... đều do Đồn BP Ia Mơ tự lo liệu, hoặc vận động mạnh thường quân hỗ trợ.

“Chúng tôi tổ chức học vào buổi tối, nhưng phải tiết kiệm thời gian tối đa để bà con còn kịp... đi cạo mủ cao su. Vì 20 học viên đều là công nhân và con em công nhân Nông trường An Biên, mà thời điểm học lại trúng mùa khai thác mủ” - Đại úy Trần Văn Khen, Đội trưởng Vận động quần chúng, người trực tiếp đứng lớp chia sẻ.

Những “chiến thần” nhà nông và thầy giáo BP tại lớp học xóa mù chữ ở Nông trường An Biên. Ảnh: Thái Kim Nga

Những “chiến thần” nhà nông và thầy giáo BP tại lớp học xóa mù chữ ở Nông trường An Biên. Ảnh: Thái Kim Nga

Xóa mù chữ là cần thiết, nhưng nỗi lo “cơm áo gạo tiền” vẫn bám riết. Bà con đi học vẫn mang theo “binh khí” nhà nông - thùng chứa, dao cạo, cuốc, xẻng... để học xong là ra đồng. Những “thần nông” đi học chữ ấy khéo léo khi rạch nhát dao lên thân cây cao su bao nhiêu thì lại lóng ngóng, vụng về khi viết nét chữ đầu đời bấy nhiêu. Thầy giáo BP kiên trì hướng dẫn từng đường nét, không thể “cầm tay nắn nót” như trẻ nhỏ, nhưng thi thoảng cũng phải có chiếc kẹo, hộp sữa để thêm phần thân mật, tạo không khí lớp học gần gũi, vui vẻ. “Học được hơn 4 tháng, cả lớp đều biết đọc, biết viết, làm phép tính cộng trừ đơn giản. Rồi bà con xin tạm nghỉ để tập trung vào mùa vụ. Họ hẹn tôi tầm này sang năm sẽ trở lại tiếp tục hành trình con chữ...” - Đại úy Trần Văn Khen chia sẻ.

Lời tâm sự của Đại úy Trần Văn Khen, nụ cười ấm áp của Trung tá Vũ Văn Hoằng, cùng hình ảnh những “chiến thần” nhà nông đi học chữ đã để lại trong chúng tôi ấn tượng không thể phai. Giữa vùng biên giới gian khó, khát vọng vượt nghịch cảnh và tinh thần cống hiến của những con người nơi đây sáng lên như lửa. Dẫu biết con đường đến với tri thức là vô tận, nhưng đâu đó trên dải đất biên cương, những lớp học xóa mù chữ mang “thương hiệu” BP vẫn đang cần mẫn gieo mầm tri thức - từng bước chân bền bỉ đầu tiên...

Thái Kim Nga

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mo-hinh-quotbinh-dan-hoc-vuquot-duoi-day-chu-pong-post491704.html