Miệt mài 'gieo' chữ nơi bản xa

Huyện Chiêm Hóa hiện có 78 trường thuộc 3 cấp THCS, tiểu học và mầm non, trong đó có 89 điểm trường tiểu học, 116 điểm trường mầm non ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, đặc biệt khó khăn. Không quản ngại vất vả, đường xá xa xôi, các thầy, cô giáo hàng ngày vẫn vượt đèo đến lớp đều đặn để gieo chữ cho con em đồng bào các dân tộc thiểu số.

Từ trung tâm huyện đi hơn 1 giờ đồng hồ trên con đường đầy ổ trâu, ổ bò, chúng tôi đến điểm trường Bản Biến - điểm trường xa và khó khăn nhất của xã Phúc Sơn. Điểm trường Bản Biến có 79 học sinh người Dao đang theo học từ lớp 1 đến lớp 5. Cô giáo Quan Thị Yêu có 10 năm trong nghề, thì có tới 8 năm gắn bó với điểm trường này. Cô Yêu chia sẻ, là một người con của xã, cô thấu hiểu những thiếu thốn của bà con, nhất là việc học của bọn trẻ nên đã xung phong về điểm trường đặc biệt khó khăn này, với mong muốn mang thật nhiều con chữ cho đám trẻ. Những buổi lên lớp, cô Yêu trò chuyện làm quen từng em để tìm hiểu hoàn cảnh gia đình. Rồi cô tìm đến nhà già làng, trưởng bản vận động phụ huynh cho con đi học chuyên cần. Những em học sinh chưa thạo tiếng phổ thông, cô tích cực trò chuyện để các em tự tin hơn trong giao tiếp, học tập tốt hơn. Nhờ đó, học sinh cô dạy đều đọc thông, viết thạo.

Cô giáo Ma Thị Thiệu, điểm trường Khuôn Thẳm, trường mầm non Tân Mỹ,
xã Tân Mỹ dạy học sinh cách rửa tay phòng dịch bệnh.

Điểm trường Khuôn Thẳm, xã Tân Mỹ có 23 em học sinh đồng bào dân tộc Mông. Điểm trường chỉ có 2 lớp học, trong đó có 1 lớp ghép mầm non và 1 lớp ghép học sinh lớp 1 và lớp 2. Lớp học là nhà văn hóa được thôn bàn giao tạm thời cho cô và trò dạy học. Điểm trường không điện lưới, không nước sinh hoạt, mùa hè nóng bức, mùa đông gió lạnh nhưng cô trò vẫn miệt mài con chữ. Cô giáo Phạm Thị Mai, phụ trách lớp ghép 1 + 2 điểm trường Khuôn Thẳm cho biết, dạy lớp ghép đòi hỏi mỗi giáo viên phải kiên trì, nếu không khó có thể truyền đạt được kiến thức cho học sinh. Cô gần gũi học sinh, theo dõi từng đứa để hiểu trẻ, có như vậy thì mới truyền dạy hiệu quả. Cô Mai chia sẻ, ở lớp có học sinh tăng động, có học sinh thiếu ý thức, nhiều cháu xin đi vệ sinh rồi trốn học luôn...

Lớp học mầm non điểm trường Khuôn Thẳm cách đó chục mét đã được xây dựng kiên cố, có nhà vệ sinh nhưng không có nước sạch. Ngày 2 lần, các cô giáo đi xin nước nhà dân xách vượt dốc cả trăm mét mang lên lớp để cô trò sử dụng. Cô giáo Ma Thị Thiệu, giáo viên phụ trách điểm trường mầm non Khuôn Thẳm cho biết, không điện, không nước, không sóng điện thoại đã là thiệt thòi của cô và trò, nhưng không vất vả bằng việc đến trường. Quãng đường từ trung tâm xã đến điểm trường chỉ 5 - 6 km, nhưng có tới 2 - 3 km đường đất. Ngày nắng thì bụi, ngày mưa lầy lội, ngập ngụa bùn đất, các cô phải dắt xe vượt đèo vào trường.

Với tình yêu nghề, mến trẻ, các cô giáo viên cắm bản đã vượt khó gieo chữ ươm mầm xanh cho các bản làng, nhân lên niềm tin vào tương lai tươi sáng.

Bài, ảnh: Bàn Thanh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xa-hoi/giao-duc/miet-mai-gieo-chu-noi-ban-xa-139300.html