Miền thảo nguyên
Có lẽ trong không gian thành phố tràn ngập nhà cửa, xe cộ và người…, nhiều người đã lâu không nhớ đến một miền cỏ xanh với bao la đất trời cùng tiếng chim ca.
Có lẽ trong không gian thành phố tràn ngập nhà cửa, xe cộ và người…, nhiều người đã lâu không nhớ đến một miền cỏ xanh với bao la đất trời cùng tiếng chim ca. Có một ngày tình cờ tôi được đến một thảo nguyên không lớn nhưng vẫn ngút ngàn màu xanh của cỏ, mía, cây ăn quả và những triền đồi ken kín cây rừng. Đó là miền nương đồi có tên Farm Moshav ở xã Ninh Thượng, cách trung tâm thị xã Ninh Hòa chừng 20km về phía tây bắc, nơi có các chàng sinh viên trẻ vừa tốt nghiệp đại học điều hành.
Thảo nguyên - tạm gọi như thế, đón chúng tôi bằng một chầu máy cày công nông đầy cảm xúc. Mọi người được “trở về với nông trường, về với núi đồi” như thuở xa xưa từ trang tiểu thuyết hay phim ảnh nước ngoài. Ôi chao, chiếc xe công nông đầu máy cày ì ạch kéo qua các con đường đất khúc khuỷu, gập ghềnh lên dốc xuống đồi. Nhưng đó chính là điều đặc sắc ấn tượng của miền cỏ. Sau này, trong nhiều lần di chuyển trên thảo nguyên, chúng tôi đều nhờ chiếc máy kéo. Có người thầm ước giá có con trâu kéo thủng thẳng thì càng hấp dẫn. Ngẫm lại mình như đang đi trên một nông trại xứ phương trời nào rất quen trong tiềm thức hay phim ảnh, còn nay hiện thực trên quê hương do chính bàn tay những người Việt trẻ dựng nên.
Quả thực, chúng tôi cảm thấy rất dễ chịu, sảng khoái ở không gian thảo nguyên đang hình thành dưới bàn tay của những chủ trại trẻ. Họ không phải nông tri điền quấn khăn rằn, hút thuốc rê, vác cuốc trên vai mà chính là các chủ nhân thời công nghệ trẻ trung điều hành toàn bộ thảo nguyên của mình với hơn 50ha đủ dạng thổ nhưỡng theo một quy chuẩn rất bài bản. Đi trên đồng cỏ, ánh mắt tôi lướt tới mọi sự bao la nhưng vẫn để ý đến tiếng chim ríu rít ca, có lúc vút lên cao xanh, à thì ra đó là bầy sơn ca.
Ở đây, cỏ ngút ngàn, đủ loại: Cỏ gừng, cỏ tơ, cỏ măng, cỏ chân vịt, cỏ le, cỏ lau… Chúng tôi ái ngại nhìn những đám cỏ tranh ngút ngàn với anh chàng quản trị đi bên mình rằng nhổ sao cho hết những đám cỏ rừng rực kia để trồng trọt? Anh quản trị trang trại tên Thông nói: “Phải dùng máy xới lên chứ cuốc sao nổi. Phải dùng nhiều biện pháp để sạch cỏ, để được thớ đất tinh tươm cho cây mình trồng xuống tồn tại”. Quả đúng thế, ở đây tận dụng cỏ mọc dày và tốt, người ta đã xây dựng hẳn trang trại nuôi cừu. Với hàng trăm con cừu béo mũm suốt ngày gặm mà cỏ vẫn um tùm xanh. Cỏ tốt tới mức có chỗ cừu phải len lỏi như đi trong rừng cỏ, đứng xa không thấy chúng đang ăn. Nếu không có bàn tay và khối óc con người thì nơi đây chỉ có cỏ và cỏ, làm sao có đàn cừu nhởn nhơ trên cánh đồng? Làm sao có những vạt bờ rào hoa đậu biếc bời bời bên những căn nhà gỗ xinh xinh thơm lừng hương gỗ thông như một tổ nấm giữa đồng cỏ? Làm sao có những vườn xoài, mít, sầu riêng, dừa, ổi, bưởi… chạy tít tắp theo các con mương nhỏ hay những nương mía bao la quây tròn suốt ngày rung lá hát ca? Càng hiểu làm nông nghiệp dù theo mô hình nào, tiểu canh hay trang trại công nghiệp đều rất vất vả. Nơi đây có vẻ đang dần áp dụng khoa học công nghệ nông nghiệp để làm du lịch nghỉ dưỡng hay các cuộc trải nghiệm của tuổi trẻ.
Theo lý lẽ của chủ vườn, dù có sum suê, xanh mát tới đâu cũng chỉ là một trang trại thuần túy của một nông tri điền cổ điển thì cũng buồn tẻ và hoang vắng. Bởi thế, trang trại phải hóa thành farm - tức là làm du lịch sinh thái: Mở cửa đón du khách tới hưởng thiên nhiên ở trang trại, vì cùng với cây ăn trái, những dịp gần Tết, thảo nguyên nở hoa với những cánh đồng hoa cúc, hướng dương, bướm nhái… Việc đón du khách của farm cũng không làm ồ ạt vì nơi đây tương đối cách biệt với cộng đồng, việc cung ứng các nhu yếu phẩm hạn chế, du khách đến đây chính là hưởng thụ thiên nhiên hoang dã. Chính vì thế, cái giá để được hưởng thụ cũng không rẻ. Hiện nay, du khách có thể đến đây hưởng thụ cái thú của người du mục, ở trong lều với cỏ cây, với gia súc mà trang trại có, chủ yếu là cừu, được vui chơi, cắm trại, leo núi đồi, chạy nhảy trên đồng cỏ, ngắm cảnh chụp hoa và ngắm đàn chim hoang dã đến kiếm ăn.
Chúng tôi rời thảo nguyên vào khoảnh khắc hoàng hôn, cả thung lũng suối Thơm đan vàng những tia nắng cuối ngày, ai cũng có đôi chút luyến tiếc vì chưa có dịp ở lại đốt lửa trại nơi đồng cỏ, sống với thiên nhiên. Ai cũng có hoài cảm giá như những dịp mùa xuân được đến nơi đây ngắm nhìn từng đàn chim sơn ca bay vút như mũi tên lên trời xanh, vì chính nơi đây với cỏ xanh rực, hoa đồng thảo ngát hương mới thực sự là mùa xuân đích thực.
Dương Trang Hương