Miễn học phí cho học sinh, sinh viên là con đẻ và con nuôi của nhà giáo: Đánh giá kỹ những tác động
LTS: Dự thảo Luật Nhà giáo do Bộ GD-ĐT chủ trì soạn thảo vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến lần 2 và sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 21-10. Sự cần thiết của Luật Nhà giáo là điều mà các chuyên gia, nhà quản lý và giáo viên mong muốn. Tuy nhiên, để xây dựng những chính sách cho nhà giáo thực chất và hợp lý, có độ bao quát, Báo SGGP mở diễn đàn ghi nhận ý kiến từ mọi tầng lớp trong xã hội.
Trong dự thảo Luật Nhà giáo (vừa được báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội) có đề xuất chính sách miễn học phí cho học sinh, sinh viên là con đẻ và con nuôi của nhà giáo từ bậc học mầm non đến đại học. Xung quanh chính sách này có nhiều luồng ý kiến trái chiều, nhưng phần lớn đều cho rằng cần nghiên cứu kỹ lưỡng và đánh giá những tác động kèm theo khi áp dụng.
Tính nhân văn của chính sách
Không thể phủ nhận rằng việc miễn học phí cho con nhà giáo là một chính sách mang tính nhân văn cao. Đề xuất này là một sự tri ân và ghi nhận những đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo trong việc giáo dục, xây dựng thế hệ tương lai của đất nước. Tuy nhiên, trước khi chính sách này được thể chế hóa thành luật, cần xem xét những tác động sau đây.
Thứ nhất là tạo ra áp lực tài chính lên ngân sách nhà nước. Theo tính toán ban đầu, chỉ riêng việc miễn học phí cho con nhà giáo từ mầm non đến đại học mỗi năm sẽ tiêu tốn khoảng 9.212,1 tỷ đồng (tất nhiên con số này chưa hẳn đã bao quát hết mọi đối tượng và hình thức học tập).
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước vốn đã chịu nhiều áp lực từ các chương trình cải cách và các ưu tiên xã hội khác, việc chi thêm hàng ngàn tỷ đồng mỗi năm cho một nhóm đối tượng có thể làm giảm nguồn lực đầu tư vào các lĩnh vực thiết yếu khác như y tế, an sinh xã hội, phát triển cơ sở hạ tầng. Điều này sẽ gây ra sự thiếu cân bằng trong phân bổ nguồn lực và có thể tạo ra sự không hài lòng trong xã hội từ các nhóm nghề nghiệp khác.
Thứ hai là tạo ra sự thiếu hài hòa với các ngành nghề khác. Chính sách này sẽ gây ra một câu hỏi lớn về tính công bằng, khi chỉ tập trung ưu đãi cho con em nhà giáo, trong khi các ngành nghề khác như y tế, an ninh, quốc phòng, và cả những ngành nghề không thuộc khu vực công nhưng đóng góp lớn cho xã hội cũng có lý do đòi hỏi những chính sách ưu đãi tương tự.
Hơn nữa, nhà giáo không phải là nghề duy nhất chịu nhiều áp lực và khó khăn. Các bác sĩ, y tá, lính cứu hỏa, bộ đội nơi biên giới, hải đảo và nhiều người làm việc trong các ngành công nghiệp khác cũng phải đối mặt với những thách thức lớn trong công việc.
Thứ ba là góp phần tạo ra mâu thuẫn với chính sách xã hội hóa giáo dục. Do chính sách miễn học phí chỉ áp dụng cho hệ thống giáo dục công lập nên sẽ có thể dẫn đến sự dịch chuyển lớn của con em nhà giáo từ các trường tư thục sang trường công lập để giành quyền lợi. Điều này không chỉ tạo ra sự quá tải trong hệ thống công lập, đặc biệt là ở các khu vực thành phố lớn, mà còn ảnh hưởng đến phát triển của các cơ sở giáo dục tư thục.
Thứ tư là nguy cơ lợi dụng chính sách xuất hiện khi không có sự kiểm soát và quy định rõ ràng. Chẳng hạn, việc xác định con nuôi hợp pháp có thể bị lợi dụng bằng cách làm giả giấy tờ hoặc gian lận hồ sơ. Hơn nữa, chính sách này có thể tạo ra một lỗ hổng cho các trường hợp học liên thông, học tràn lan, kéo dài thời gian học miễn phí dẫn đến sự lãng phí nguồn lực công.
Hỗ trợ cụ thể cho nhà giáo
Với những lý do đó, ban soạn thảo nên quan tâm đến việc hỗ trợ nhà ở cho nhà giáo. Vấn đề lớn đối với nhiều nhà giáo hiện nay là điều kiện sống chưa được đảm bảo, đặc biệt là ở các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Chính phủ có thể xem xét xây dựng các chính sách hỗ trợ nhà ở hoặc cung cấp các khoản vay ưu đãi mua nhà cho nhà giáo. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhà giáo, mà còn tạo điều kiện để họ yên tâm công tác, đặc biệt là những giáo viên trẻ mới ra trường.
Kế đến là hỗ trợ chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhà giáo. Chính phủ có thể triển khai các chương trình chăm sóc sức khỏe toàn diện cho nhà giáo, bao gồm bảo hiểm y tế, kiểm tra sức khỏe định kỳ và hỗ trợ điều trị tại các cơ sở y tế chất lượng. Việc này không chỉ giúp đảm bảo sức khỏe cho nhà giáo, mà còn là một hình thức động viên, ghi nhận sự cống hiến của họ.
Ngoài ra, có thể ưu tiên hỗ trợ cho những gia đình nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn, hoặc đưa ra các tiêu chí cụ thể để phân loại đối tượng thụ hưởng. Bên cạnh đó, các hình thức hỗ trợ khác như cấp học bổng, hỗ trợ chi phí giáo dục hoặc ưu tiên tuyển sinh cho con nhà giáo cũng là những lựa chọn thay thế có thể được xem xét.
Chính phủ có thể xem xét lập một quỹ xã hội hỗ trợ nhà giáo có hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống, giúp họ cải thiện cuộc sống, điều kiện làm việc và đi lại ở những vùng giao thông khó khăn.
Trong bối cảnh hiện nay, việc đề xuất một chính sách tốn kém như vậy có thể xem là chưa phù hợp. Do đó, Chính phủ cần cân nhắc và ra quyết định, dựa trên sự đánh giá toàn diện và đầy đủ, nhằm tạo ra một hệ thống phúc lợi công bằng và hiệu quả cho nhà giáo, đồng thời duy trì sự ổn định và phát triển bền vững của nền giáo dục.
Thầy PHẠM LÊ THANH, giáo viên Trường THPT Nguyễn Hiền, quận 11, TPHCM:
Tăng tính thu hút và giữ chân nhà giáo
Đề xuất miễn học phí cho con đẻ và con nuôi hợp pháp của nhà giáo đang trong thời gian công tác có thể được xem là một chính sách mang tính nhân văn, nhằm tri ân và hỗ trợ đội ngũ nhà giáo - những người đóng góp lớn cho sự nghiệp giáo dục và đào tạo. Tôi cho rằng nếu chính sách này được áp dụng thì có thể động viên nhà giáo rất nhiều, bởi việc con cái được miễn học phí sẽ giảm gánh nặng tài chính, giúp nhà giáo yên tâm làm việc, tập trung vào chất lượng giảng dạy.
Ngoài ra, việc này cũng góp phần tạo ra công bằng trong xã hội, trong bối cảnh nhà giáo là một trong những nhóm nghề có thu nhập còn thấp so với những công việc đòi hỏi trình độ tương tự. Đặc biệt, chính sách này sẽ khuyến khích người trẻ theo nghề giáo, giúp ngành giáo dục thu hút và giữ chân nhân tài.
Tuy nhiên, việc triển khai cần xem xét cẩn trọng để đảm bảo chính sách miễn học phí cho con nhà giáo mang ý nghĩa tôn vinh và tri ân nhà giáo, dựa trên trách nhiệm và cống hiến của các thầy cô đối với sự phát triển của nền giáo dục, chứ không nên bị hiểu lầm là một cách ưu ái quá mức hoặc tạo ra sự bất bình đẳng trong xã hội.
Ông NGUYỄN SĨ LONG, Phó Trưởng phòng Công chức, viên chức (Sở Nội vụ TPHCM):
Xem xét yếu tố đặc thù của địa phương
Trong khu vực công, đội ngũ nhà giáo hiện nay là một bộ phận của viên chức, đã và đang được quản lý, thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Luật Viên chức. Ngoài khu vực công, đối tượng nhà giáo chịu sự chi phối của quan hệ dân sự giữa người sử dụng lao động và người lao động.
Việc áp dụng cơ chế, chính sách tiền lương, điều kiện làm việc và phương thức quản lý như giáo viên trong khu vực công không phù hợp với mô hình hoạt động này, tạo thêm áp lực cho người sử dụng lao động, đồng thời có thể làm giảm sức hấp dẫn của môi trường đầu tư.
Ở góc độ quản lý, việc quy định nhà giáo với những cơ chế, quy định đặc thù sẽ gây xáo trộn lớn trong hoạt động quản lý nguồn nhân lực khu vực công. Vì vậy, cần xem xét kỹ lưỡng các đề xuất. Trong điều kiện hiện nay, công tác quản lý đội ngũ viên chức (bao gồm nhà giáo) đã được giao cho các địa phương.
Trên thực tế, chỉ cần rà soát, hệ thống và ban hành các chính sách đãi ngộ phù hợp đặc thù địa bàn, khu vực, đối tượng giáo dục… Những chính sách này phần lớn thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Do đó, Luật Nhà giáo chỉ cần quy định khung về các chế độ phụ cấp, không quy định chi tiết mức chi, nội dung chi cụ thể mà có thể giao cho Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương căn cứ điều kiện thực tế và khả năng của mình để ban hành các văn bản quy định chi tiết cho phù hợp.
THU TÂM ghi