Mẹ và vợ ông chủ Việt Á Phan Quốc Việt lý giải về số tiền hàng trăm tỷ đồng bị phong tỏa

Sáng 16-5, phiên tòa phúc thẩm xét đơn kháng cáo của cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cùng 10 bị cáo liên quan trong vụ kit test Việt Á tiếp tục với phần xét hỏi. Hội đồng xét xử đã dành thời gian để nghe các bên liên quan trình bày kháng cáo.

Tại tòa, bà Đàm Thị Trinh (mẹ bị cáo Phan Quốc Việt – Chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc Công ty Việt Á) cho biết, người phụ nữ này kháng cáo liên quan đến số tiền hàng trăm tỷ đồng đang bị phong tỏa. Theo trình bày của bà Trinh, đây là số tiền vợ chồng bà tích cóp mấy chục năm qua do kinh doanh và do bà được cho.

Bà Trinh mong HĐXX xem xét, cho vợ chồng bà được nhận lại số tiền trên. Mẹ đẻ bị cáo Phan Quốc Việt khẳng định, bản thân có 3 con trai, do Việt cần tiền làm ăn thì bà tạo điều kiện, cho Việt mượn. Tiền Việt chuyển đến, bà không biết có từ nguồn nào.

Ông chủ Việt Á Phan Quốc Việt và các bị cáo liên quan tại phiên tòa phúc thẩm.

Ông chủ Việt Á Phan Quốc Việt và các bị cáo liên quan tại phiên tòa phúc thẩm.

“Số tiền này các cơ quan tiến hành tố tụng xác định đây là tiền có được do hành vi bất hợp pháp của Việt mà có. Do đó, chuyển đi đâu thì cũng phải thu hồi lại. Việc bà cho Việt vay tiền là quan hệ khác. Tòa giải thích cho bà như vậy”- chủ tọa nói và cho rằng dù bà cho Việt mượn trăm tỷ hay nghìn tỷ thì bà đòi con trai bà sau.

Trước giải thích của Tòa, bà Trinh nói: “Tôi không biết con tôi làm ăn như nào. Tôi chỉ biết con tôi vay của tôi, vay từ năm 2008”.

Chủ tọa phiên tòa còn cho biết, HĐXX có nhận được nhiều tài liệu, trong đó có cả vi bằng được lập về việc vay mượn trước đây nhưng là bản sao, không có chữ ký của ai. Lúc này, luật sư bảo vệ của bà Trinh cho biết, bản chính có đầy đủ chữ ký còn bản sao thì không. Luật sư có hỏi thừa phát lại vì sao bản sao không có chữ ký thì được giải thích rằng đây là quy định của Bộ Tư pháp.

Bà Trinh trình bày hoàn cảnh vợ chồng bà đã già rồi, không làm được gì nữa. Đây là tiền tích cóp được từ những năm tháng tuổi trẻ. Giờ tôi đang nợ người ta, không có tiền trả, mong tòa xem xét.

Ông chủ Việt Á Phan Quốc Việt.

Ông chủ Việt Á Phan Quốc Việt.

Liên quan đến vấn đề này, HĐXX đã hỏi Phan Quốc Việt. Bị cáo Việt khẳng định có quan hệ vay tiền với mẹ nên 2 lần chuyển tiền trả mẹ vào năm 2021. Theo lời khai của Việt, Việt Á có nhiều nguồn thu, trong đó Covid là 1 nguồn thu.

“Tại sao vay từ 2008 đến năm 2021 mới trả”, chủ tọa hỏi. Bị cáo Việt giải thích bản thân đầu tư nhiều dự án lớn, tiền nằm trong dự án không ra được. Năm 2021 mới có khoản thu từ kit test, trang thiết bị, sản phẩm khác lên đến nghìn tỷ.

Về phần mình, bà Hồ Thị Thu Thủy (vợ bị cáo Phan Quốc Việt) kháng cáo với đề nghị hủy bỏ việc kê biên, phong tỏa 2 sổ, thẻ tiết kiệm đứng tên 2 con với tổng số tiền là 20 tỷ đồng. Bà Thủy trình bày rằng số tiền 20 tỷ đồng này là tiền tích cóp trong hơn 10 năm của hai vợ chồng bà để cho các con ăn học. Sau đó mở sổ tiết kiệm từ tháng 9-2021.

Khi HĐXX hỏi tiền đó từ ai chuyển cho, bà Thủy cho biết tiền này do chồng chuyển. Trước lời khai của bà Thủy, vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa cho rằng, thời điểm mà bị cáo Phan Quốc Việt chuyển tiền cho vợ gửi tiết kiệm 20 tỷ đồng cũng là thời gian Việt thu lời bất chính từ việc bán kit xét nghiệm.

Còn Chủ tịch Việt Á khẳng định, số tiền 20 tỷ đồng nói trên là từ nhiều nguồn khác. Công ty Việt Á có nhiều hoạt động kinh doanh, nhiều sản phẩm, không chỉ kit xét nghiệm.

Về phía các nguyên đơn dân sự, CDC Hải Dương xác nhận, số tiền thiệt hại hơn 73 tỷ đồng như bản án sơ thẩm nêu. Đại diện CDC cho biết, khi dùng kit test của Việt Á có thu tiền của các cá nhân, đơn vị. Tuy nhiên, do liên quan vụ án, số tiền này vẫn đang giữ trên tài khoản, chưa hạch toán nên chưa biết lỗ lãi ra sao. Trường hợp CDC Hải Dương được bồi thường thiệt hại thì số tiền này sẽ được nộp vào ngân sách Nhà nước.

Đại diện CDC Bình Dương cũng cho biết, việc sử dụng kit test Việt Á, CDC Bình Dương không thu tiền của bất kỳ cá nhân, tổ chức nào. Nếu đươc bồi thường, CDC Bình Dương sẽ nộp ngân sách Nhà nước.

Trước đó, nhiều bị cáo có đơn kháng cáo đều trình bày hoàn cảnh khó khăn, tình tiết giảm nhẹ mới để xin HĐXX giảm nhẹ hình phạt.

Đơn cử như bị cáo Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính, Bộ Y tế) nhận án sơ thẩm 7 năm tù về tội “Nhận hối lộ” với số tiền hưởng lợi bất chính 100.000 USD.

Luật sư của bị cáo Liên đã giúp bị cáo trình bày các tình tiết giảm nhẹ như đã nộp hình phạt bổ sung, nộp án phí và nộp thêm 500 triệu đồng khắc phục hậu quả vụ án. Ở cấp sơ thẩm, bị cáo đã khắc phục toàn bộ hậu quả vụ án. Ngoài ra, bị cáo Liên còn có mẹ già trên 80 tuổi, là lao động chính trong gia đình và có ông nội là liệt sỹ.

Bị cáo Lê Thị Hồng Xuyên (cựu nhân viên CDC tỉnh Bình Dương) bị xử phạt 24 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” thì trình bày, hoàn cảnh chồng bị tai nạn, chấn thương sọ não, mất khả năng lao động, một mình bị cáo nuôi con và bác bị cáo là liệt sỹ…

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/me-va-vo-ong-chu-viet-a-phan-quoc-viet-ly-giai-ve-so-tien-hang-tram-ty-dong-bi-phong-toa-post576550.antd